17/05/2022 10:17 GMT+7

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ cuối: Tắc ráng, chiếc 'buýt' đường sông

HÙNG ANH
HÙNG ANH

TTO - Sau mùa nước lụt năm 1978, vùng Đồng Tháp Mười dần xuất hiện một phương tiện chở khách trên các con kênh, có tên gọi ngộ nghĩnh: tắc ráng.

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ cuối: Tắc ráng, chiếc buýt đường sông - Ảnh 1.

Một chiếc ghe tải được đóng theo kiểu tắc ráng - Ảnh: H.ANH

Ông Nguyễn Hữu Triều (sinh năm 1965) gốc ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, hiện đang làm ruộng ở xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, Long An. Rất ít người biết ông nông dân Triều ngày xưa là một tài công chạy đò khách, từng ngang dọc các tuyến kênh Đồng Tháp Mười. 

Nhắc chiếc tắc ráng, ông cười nói: "Đó là chiếc đò chở khách lạ nhứt mà tui từng biết".

Chiếc đò khách kỳ lạ

Ông Triều kể, trước đây dân Đồng Tháp Mười ít ai biết về chiếc tắc ráng. Khoảng mùa nước lụt năm 1978, chiếc đò chở khách này đầu tiên xuất hiện ở bến đò Cầu Xéo (nay là cầu Thông Lưu trên quốc lộ 1, huyện Cái Bè), làm mọi người xôn xao vì dáng vẻ kỳ lạ của nó.

"Về hình dạng, chiếc tắc ráng giống hệt chiếc vỏ lãi composite đang có mặt khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, nhưng mũi thấp, đóng bằng gỗ tốt, rất to lớn. Nó dài 10 - 15m, nhưng thân mình ốm nhom, chỉ rộng 2m, có mui che mưa nắng, sơn nhiều màu sắc. 

Tùy kích thước, tắc ráng có thể chở được 30 - 40 khách dưới khoang và hàng hóa. Nếu tính luôn khách ngồi trên mui thì nhiều khi gần cả trăm người", ông Triều nhớ lại.

Trong khi đò khách hồi đó gắn động cơ bên trong đò, tắc ráng lại để cái máy lộ thiên phía cuối đuôi với một người đứng điều khiển, bẻ lái bằng cách xoay trở máy qua trái, phải, chứ không có bánh lái. 

Ông Triều không nhớ chiếc tắc ráng đầu tiên ở bến đò Cầu Xéo là của ai. Nhưng ông nhớ do hình dạng đặc biệt và cái máy gắn bên ngoài nên tắc ráng có tốc độ rất nhanh, đã làm cho đò khách truyền thống thời đó... ngửi khói.

Những năm sau đó, nhiều chủ đò khách chuyển sang đóng tắc ráng để cạnh tranh nhau. "Hồi đó đóng một chiếc tắc ráng tốn 70 - 80 triệu đồng, tùy kích thước lớn nhỏ và động cơ. 

Những chiếc tắc ráng chỉ chạy từ các bến đò ngoài quốc lộ 1 vào các địa phương vùng Đồng Tháp Mười như Ngã Sáu Mỹ Trung, Hậu Mỹ Bắc, chợ Bà Bèo... (Tiền Giang), Mỹ An, Phước Xuyên (sau này là Trường Xuân, chợ đầu mối cá đồng của vùng Đồng Tháp Mười), Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp. Nhưng sau vài năm là chủ đò lấy vốn", ông Triều kể.

Trong khi đó, ông Võ Thanh Phong (sinh năm 1970, chủ doanh nghiệp du lịch Việt Phong, hậu duệ đời thứ ba Hãng đò Vĩnh Thuận) cho biết có 5 năm điều khiển đò Vĩnh Thuận tuyến Cái Bè - Phước Xuyên (Đồng Tháp) và hay xảy ra tranh giành khách với những chiếc tắc ráng. 

"Hồi đó, đò Vĩnh Thuận và mấy chiếc tắc ráng đi Ngã Sáu Mỹ Trung, thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), Phước Xuyên đều chạy chung tuyến kênh 28 từ Cái Bè vào ruột Đồng Tháp Mười. Nhưng mấy ông điều hành bến đò lại cho ba chiếc cùng xuất phát một lượt, nên xảy ra chuyện chạy đua giành khách. 

Lúc đầu, tắc ráng gắn một máy dầu ngay giữa đuôi, đò Vĩnh Thuận chạy ngang ngửa. Sau chủ tắc ráng tức mình, đóng thanh gỗ lớn ở đuôi rồi gắn chạy hai máy cùng lúc. Đò Vĩnh Thuận đuối, theo không kịp.

Khoảng sau năm 1990, nhiều chủ tắc ráng còn gắn thêm một máy xe hơi nghĩa địa ở chính giữa đuôi đò và chạy cùng lúc hai máy dầu, một máy xe hơi thì đò Vĩnh Thuận chào thua", ông Phong nhớ lại. Ông Phong thừa nhận đò khách truyền thống không thể cạnh tranh với tắc ráng vì nó rất linh hoạt, xoay trở nhẹ nhàng. 

"Mùa khô, tắc ráng chạy dưới kênh. Tới mùa nước nổi tràn ngập khắp nơi, phăng phăng trên đồng ruộng, có thể ghé bất cứ nơi nào để đón, trả khách", ông Phong nói.

Nhắc đến chiếc tắc ráng chạy đò khách, ông Triều cho biết cuối cùng nó gần giống số phận những chiếc đò khách truyền thống. "Khi giao thông Đồng Tháp Mười phát triển, xe cộ trở thành phương tiện di chuyển phổ biến, chiếc tắc ráng chở khách cũng dần bị cho nghỉ hưu", ông Triều nói.

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ cuối: Tắc ráng, chiếc buýt đường sông - Ảnh 2.

Ngày nay tắc ráng vẫn là phương tiện di chuyển ưa thích của người dân miền sông nước

Chuyện chiếc tắc ráng

Kể lại chuyện chiếc tắc ráng, ông Triều cho biết lúc đầu ông cũng không biết nó xuất xứ từ đâu. Những năm sau, hỏi thăm bạn bè, ông Triều biết hình như quê hương chiếc rắc ráng ở thành phố Rạch Giá, Kiên Giang. 

"Tui nghe kể không rõ chính xác cỡ nào, cha đẻ tắc ráng là ông Chín Sum (Tiêu Văn Sum, nay đã qua đời), ngụ ở kênh Đòn Dông, phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá. Xóm ông Chín Sum trú ngụ có tên xóm Tắc Ráng, nên phương tiện giao thông này mới cùng tên", ông Triều nhớ lại.

Ông Triều nghe kể khoảng năm 1960, ông Chín Sum mở trại đóng ghe xuồng. Ông ta để ý chiếc xuồng ba lá phổ biến thời đó có thân lớn, đáy bằng, mũi thấp, bị ma sát nhiều với nước nên tốc độ chậm. Sống trong vùng đông người Khmer, ông Chín để ý chiếc ghe ngo của họ có lườn hơi cong, mũi cao, rẽ nước tốt, nên tốc độ rất nhanh.

Từ đó, ông Chín cải tiến xuồng ba lá, chế ra chiếc xuồng có thân hẹp, mũi lượn lên cao, lườn hơi cong, quét thêm lớp sơn chống ma sát dưới bụng xuồng. Chiếc xuồng ốm nhom như... "con lãi" dù bơi bằng tay hay gắn "máy đuôi tôm" đều có tốc độ nhanh hơn chiếc xuồng ba lá truyền thống.

Một thời gian ngắn, nông dân khoái chiếc xuồng có tốc độ nhanh khi gắn cái "máy đuôi tôm" phía đuôi, chạy dưới kênh hay trên ruộng mùa nước nổi đều được, xoay trở linh hoạt. Lúc đầu, ông Chín Sum đặt tên cho chiếc xuồng ốm nhom là vỏ lãi, nhưng sau khi người ta sử dụng nhiều, có người lấy tên xóm Tắc Ráng để gọi cho nó.

Khoảng thập niên 1970, từ hình dạng chiếc vỏ lãi ban đầu, ông Chín Sum đóng những chiếc tắc ráng lớn hơn, có trọng tải 2 - 3 tấn chở hàng hóa. Sau đó, chiếc tắc ráng lại được nâng cấp lần nữa với dáng vẻ to lớn hơn, được gắn thêm mui che mưa nắng, băng ngồi dọc 2 be đóng bằng gỗ, trang bị động cơ công suất lớn, dùng để chở khách. 

Chiếc tắc ráng cũng được cải tiến: mũi thấp hơn để hành khách dễ lên xuống nhưng vẫn đảm bảo rẽ nước tốt, chạy nhanh; đuôi lái được đóng bầu tròn chứ không góc cạnh, nhằm dễ xoay trở, không bị lật.

Theo ông Triều, điều thú vị ở chiếc tắc ráng là máy công suất lớn đặt bên ngoài (kể cả gắn máy xe hơi nghĩa địa) được thợ máy sáng chế ra bộ phận làm mát trực tiếp bằng nước rất độc đáo: khi đò chạy, chân vịt xoay thổi nước vào một chiếc phễu gắn sau chân vịt. Nước từ phễu này tự động chạy theo ống dẫn lên máy làm mát động cơ, sau đó xả ra sông. 

"Cái hay của tắc ráng là máy gắn bên ngoài. Nếu chân vịt bị vướng rác, người ta chỉ cần tắt máy, xoay cần chân vịt lên để gỡ rác, không phải lặn ngụp dưới sông như những chiếc đò gắn máy bên trong", ông Triều cho biết.

Bây giờ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chiếc vỏ lãi - phiên bản nhỏ của tắc ráng - gắn máy đuôi tôm phía sau hầu như có mặt khắp vùng sông nước. Nhiều người ví von chúng giống như chiếc xe gắn máy trên bộ. Sau này, chiếc vỏ lãi không còn đóng bằng gỗ mà được đúc bằng nhựa composite, sơn màu bắt mắt và có tốc độ nhanh hơn.

Nhưng theo ông Phong, hơn 15 năm trong nghề kinh doanh du lịch sông nước, ông biết vỏ lãi chỉ thích hợp trong những vùng nước tĩnh lặng như các khu du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên. Ngoài sông lớn, du khách thích ngồi trên những chiếc đò lớn đóng bằng gỗ như chiếc đò dọc ngày xưa, một thời được cư dân miền Tây Nam Bộ ví von là "buýt" đường sông.

Mong hồi sinh tàu đò xuôi ngược trên sông

Nhiều người miền Tây Nam Bộ bây giờ, kể cả những người từng là chủ đò, đang đi đường bộ nhiều hơn sông nước. Nhưng họ vẫn tiếc nuối về hàng chục ngàn kilômet thủy lộ một thời đã khép lại sứ mệnh lịch sử vận chuyển hành khách.

Ai cũng thấy đường bộ quá chật hẹp, việc mở thêm hay mở rộng, nâng cao tốc đường sá vô cùng tốn kém và mất nhiều thời gian, trong khi đường sông hiện diện chằng chịt khắp nơi lại không được tận dụng.

Ngày nay, nhiều người đã không còn chê phương tiện đường sông chậm chạp hơn xe cộ, bởi họ biết những chiếc tàu đò có sự thoải mái riêng, chuyên chở được nhiều hành khách, hàng hóa và đặc biệt là an toàn hơn xe cộ chen chúc nhau lao trên những con đường quá tải.

Biết rằng có nhiều bài toán phương tiện, kinh doanh phải giải, nhưng hãy cố gắng tìm cách hồi sinh những chuyến tàu đò xuôi ngược trên sông nước miền Tây Nam Bộ để góp phần giảm tải đường bộ...

QUỐC VIỆT

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 7: Con đò đến nẻo vui Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 7: Con đò đến nẻo vui

TTO - Con đò gỗ dài chừng hơn chục mét, ngang tầm hai mét chật cứng người. Ngày thường, chủ đò bắc hai thanh gỗ cặp mạn trong khoang đò làm ghế cho khách ngồi, khoảng trống giữa đò để đồ đạc, hàng hóa...

HÙNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên