06/06/2010 08:04 GMT+7

Thương "đàn ngỗng"

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Xem phóng sự ảnh “Nhồi” chữ trước ngày thi trên Tuổi Trẻ số chủ nhật tuần trước (30-5), giới giáo viên chúng tôi thích nhất từ “nhồi”. Nó thật hình tượng. Y như ở các trại nuôi ngỗng để lấy gan, người ta dùng phễu nhét vào mỏ ngỗng và nhồi thức ăn cho nó bằng con đường đó. Học sinh của chúng tôi, đúng là “đàn ngỗng”...

ZQZEaqlg.jpgPhóng to
Đề cương môn sử với hơn 60 trang A4 là nỗi ngán ngẩm của các bạn thi đại học khối A

Ngay sau khi Bộ Giáo dục - đào tạo công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm 2010 vào ngày 25-3, những người chăn ngỗng - giáo viên, và đàn ngỗng - học sinh bước vào chiến dịch “nhồi” chữ. Chúng tôi may mắn được giảng dạy tại một ngôi trường nằm trong top ten của thành phố, vậy mà chiến dịch “nhồi” chữ cũng kéo dài đúng 55 ngày (đã trừ đi mười ngày chủ nhật), đến hết ngày thứ bảy 29-5.

Mấy bạn đồng nghiệp của tôi ở các trường tư thì gần như không nghỉ chủ nhật, và đến hết ngày 31-5 mới hoàn tất chiến dịch!

Trong suốt mùa diễn ra chiến dịch “nhồi” chữ, gần như chỉ có chuyện buồn. Thầy cô thì bực bội mắng “đàn ngỗng”: Sao các em dốt thế, học mãi mà không thuộc! Còn “ngỗng” thì oán thầy cô (dĩ nhiên chỉ nói sau lưng): Sao mấy người ác thế? Đã vậy, giai đoạn nước rút của chiến dịch lại rơi vào tháng 5 đổ lửa, khiến người chăn lẫn “đàn ngỗng” đều muốn phát điên. Trường tôi đã có mấy “con ngỗng” giờ giải lao bỗng dưng nổi loạn leo rào qua hàng xóm trường, bị chó cắn rách váy! Hỏi sao lại làm thế thì “ngỗng” bơ bơ mặt không thèm trả lời. Thôi chết, nó đến ngưỡng rồi! Có người thảng thốt kêu lên và đấu tranh giảm tải cho mấy “con ngỗng” đã đến mức quá sức chịu đựng.

Niềm vui hiếm hoi của chiến dịch là khi hoàn tất. Vào cái ngày phát phiếu báo danh, cả thầy lẫn trò đều thở phào nhẹ nhõm, gửi đến nhau những lời nói chân thành muốn rơi nước mắt. Thầy thì chúc trò chân cứng đá mềm, vượt qua kỳ thi một cách tốt đẹp. Trò thì rưng rưng: thời gian qua tụi em làm buồn lòng thầy cô, mong được bỏ qua.

Rồi ba ngày “vượt vũ môn” cũng đến. Đứng ở vai trò giám thị, bóc đề thi mà chúng tôi cũng run run mong cho nó đừng quá khó với “lũ ngỗng” của mình. “Trúng tủ rồi” - trò reo vui sau ngày thi đầu tiên với hai môn văn và hóa và thầy cô cũng mở cờ trong bụng.

Đến ngày thứ hai thi sử - địa không quá khó nhưng cũng chẳng dễ xơi. Một đồng nghiệp dạy sử của tôi nói đùa mà như mếu: ”Mình nhồi cho nó nguyên con voi, nhưng quên phần lông voi, và ai ngờ người ta ra phần lông voi”! Ý là quá trình nhồi nhét toàn lo chuyện học thuộc lòng các sự kiện, nào ngờ đề thi lại nghiêng về nhận định. Món này rồi sẽ đem lại lắm bất ngờ, vì “ngỗng” nào cũng bảo “em làm được, viết kín cả mấy trang giấy thi”. Nhưng viết cái gì trong đó thì trời mới biết!

Ở ngày cuối, mừng cho “lũ ngỗng” khi đề toán khá dễ, còn tiếng Anh không quá khó nhưng khá nhiều bẫy. Đúng y như rằng, đến tối đã có đứa gọi điện mếu máo: “Cô ơi, em cứ nghĩ môn tiếng Anh sẽ kiếm được 7, 8 điểm. Nào ngờ tối về làm bài trên mạng để kiểm tra thì chỉ được có 6 điểm!”.

Nhưng nhìn chung thì đề cả sáu môn của kỳ thi năm nay không quá khó. Tỉ lệ đậu rồi sẽ cao cho mà xem. Thi tốt nghiệp mà, làm khó với học sinh mà chi. Liệu vài năm sau, trong đầu các em có còn chữ nào về những môn mà mình không chọn đeo đuổi cả đời? Như tôi chẳng hạn, dạy văn thì biết đến văn, cùng lắm thêm chút sử, chứ toán thì giờ này quả là chỉ biết cộng trừ nhân chia! Còn lý, hóa lại càng mù!

Cả một buổi sáng thứ bảy ngồi gõ bài này mà không yên, khi “lũ ngỗng” cứ thay nhau réo: Cô ơi, đầu tuần mình bắt đầu luyện thi đại học được chưa cô?

Ôi trời, “lũ ngỗng” của tôi thật đáng thương. Chúng lại bắt đầu vào chiến dịch “nhồi” chữ mới...

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên