08/01/2011 04:04 GMT+7

Thuốc ơi là thuốc!

XUÂN SƯƠNG
XUÂN SƯƠNG

TT - Hằng năm, các hãng dược Pháp tung ra thị trường rất nhiều thuốc mới, mà theo nguyệt san Prescrire (Hướng dẫn điều trị) thì không phải thuốc nào cũng tốt hay tiến bộ để có thể đem lại kết quả khả quan cho người bệnh, thậm chí có loại thuốc còn nguy hiểm cần tránh xa nữa.

kpkOlmET.jpgPhóng to

Bà Nadine Moussa-Lepage, 51 tuổi, uống thuốc Mediator từ năm 2004-2009. Bà đang tìm cách đòi hãng bào chế bồi thường - Ảnh: Ouest France

Thông thường thuốc trị các bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường... luôn gây phản ứng không mong muốn, có khi dẫn đến tử vong. Nhưng việc bán thuốc mới vẫn chạy, phần vì người bệnh muốn thử thuốc khác với niềm tin có thể cải thiện tình trạng hiện tại, phần vì bác sĩ hoan hỉ kê toa. Mà điều này lại tùy thuộc rất nhiều vào các trình dược viên. Bởi thế nghề này luôn trông cậy vào các cô “có ngoại hình, biết giao tiếp”.

Theo nguyệt san Prescrire số tháng 1-2011, sau khi thuốc Mediator bị rút khỏi thị trường và các loại thuốc gây nguy hiểm là Equanil, Di-Antalvic, Ketel, Zyprexa đã được điểm tên, nay bản danh sách “phong thần” này có thể còn kéo dài.

Mới nhất là buflomédil dưới nhãn hiệu Fonzylane, loại thuốc làm giãn nở mạch máu để giảm bớt sức ép của động mạch, bởi thường gây phản ứng phụ cho tim và thần kinh có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt trường hợp dùng liều lượng cao hay người yếu thận. Thuốc này đã lưu hành 20 năm qua tại Pháp và không chứng tỏ được lợi ích cụ thể nào hơn hẳn các thuốc khác trong điều trị.

Nguy cơ của buflomédil đã được báo động từ 2006. Một bản báo cáo của Cơ quan dược phẩm Pháp đã nêu ra nhiều trường hợp trầm trọng và chết người từ giữa năm 2007-2009. Nhưng thay vì rút thuốc này ra khỏi thị trường, cơ quan thẩm quyền chỉ cho giảm bớt liều lượng.

Bác sĩ Thierry Vial, lãnh đạo Trung tâm cảnh báo thuốc ở Lyon, còn nói một cách lập lờ rằng đó là loại thuốc không nguy hiểm “nếu dùng đúng”, và nhấn mạnh “người ta thí nghiệm về hiệu quả của thuốc chứ không về sự nguy hiểm của nó”.

Tạp chí Prescrire kết luận: “Liệu còn cần phải có bao nhiêu nạn nhân nữa mới có thể quyết định rút thuốc này khỏi thị trường?”.

Ngay sau khi tạp chí Prescrire phát hành về buflomédil, ông Xavier Bertrand, bộ trưởng y tế Pháp, đã tuyên bố khi nào có thông tin chắc chắn thuốc này tỉ lệ tốt - xấu không như nhau nữa thì phải quyết định ngay, không chần chừ. Tức hiện tại người ta vẫn chấp nhận có rủi ro cho một số người, ngược lại số người dùng thuốc này “đúng cách” và hạp thì vẫn có thể tiếp tục.

Dân Tây ưa phản đối, nếu rút thuốc này đi thì biết đâu người hạp nó sẽ... biểu tình như chơi.

Đúng là trong “mê hồn trận dược phẩm” mọi chuyện không dễ chút nào. Theo nhiều nghiên cứu khoa học đã công bố thì thuốc Mediator đã gây ra cái chết của 500-2.000 bệnh nhân trong số 5 triệu người dùng trong 25 năm qua, và mặc dù Ý và Tây Ban Nha đã rút khỏi thị trường từ năm 2003 nhưng ở Pháp vẫn dùng mãi cho đến cuối năm 2009, và trước đó phủ thủ tướng không hề được trình báo về những nguy cơ đã được xác nhận.

Thậm chí, như báo Libération loan tin ngày 6-1 vừa qua trong lời chúc đầu năm cho nhóm cộng tác của mình, Jacques Servier, chủ nhà bào chế cùng tên, tuyên bố “chỉ có 3 người chết” vì Mediator thôi!

Cùng ngày, Bộ trưởng y tế Pháp tuyên bố sẽ đề nghị từ nay về sau khi một loại thuốc nào bị rút khỏi thị trường từ bất kỳ nước nào trên thế giới, do yêu cầu của nhà bào chế hay nhân viên y tế, thì các nước khác phải được thông tin.

Tạp chí Prescrire hành động đúng đắn và đã thành công trong việc can thiệp rút bỏ Mediator, nên tiếng nói của nó sẽ còn được dư luận hưởng ứng cho các thứ thuốc nguy hiểm khác. Chỉ không biết những loại thuốc nguy hiểm mới này đến bao giờ mới bước ra khỏi quầy?

Bản danh sách “phong thần” của nguyệt san Prescrire còn báo động về hai loại thuốc khác là:

1) Nexen, loại thuốc với chất nimésulide chống viêm, cũng chẳng hiệu quả gì hơn nhiều thứ khác mà vẫn còn bày bán dù gây những hậu quả trầm trọng cho chứng viêm gan. Thuốc này đã bị rút khỏi thị trường Phần Lan, Tây Ban Nha, Argentina, Bỉ, Ireland và Singapore gần cả chục năm nay.

2) Javlor, thuốc với chất vinflunine là loại thuốc chống ung thư được dùng trong trường hợp bệnh bàng quang đã nặng, thuốc này thường gây rối loạn đường máu đôi khi tử vong, rối loạn đường ruột, thần kinh hay tim mạch.

XUÂN SƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên