21/08/2008 06:35 GMT+7

Thuốc chứ không phải nước ngọt!

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC(ĐH Y dược TP.HCM)
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC(ĐH Y dược TP.HCM)

TT - Một dạng thuốc đang dùng khá nhiều hiện nay là viên thuốc sủi bọt, còn gọi tắt là viên sủi. Đây là dạng thuốc hấp dẫn nên một số người lạm dụng nó.

k3qLOQA2.jpgPhóng to

Nhớ dùng thuốc giảm đau dạng viên sủi bọt Efferalgan theo đúng chỉ định của bác sĩ- Ảnh: N.C.T.

TT - Một dạng thuốc đang dùng khá nhiều hiện nay là viên thuốc sủi bọt, còn gọi tắt là viên sủi. Đây là dạng thuốc hấp dẫn nên một số người lạm dụng nó.

Nói hấp dẫn vì thuốc ở dạng viên nén, khi sử dụng viên thuốc sẽ được thả vào ly nước để sủi bọt mạnh, khí thoát ra làm cho viên tan vỡ, hòa tan trong nước hoàn toàn tạo thành dung dịch dễ uống có mùi vị thơm ngon ngọt cứ như nước giải khát. Dạng thuốc sủi bọt thường được dùng bào chế thuốc giảm đau hạ nhiệt trị cảm cúm hoặc thuốc bổ cung cấp vitamin và khoáng chất.

Tuy nhiên, khi dùng dạng thuốc sủi bọt phải có sự thận trọng đúng mực.

Trước hết, chính cơ chế sủi bọt của dạng thuốc là điều cân nhắc, lưu ý một số người không được dùng dạng thuốc này. Khác với nước giải khát có gas khi mở nắp chai có sự sủi bọt là do khí CO2 được nạp sẵn trong nước ngọt thoát ra. Còn ở thuốc sủi bọt, sự sủi bọt là do phản ứng hóa học. Bất cứ thuốc sủi bọt nào cũng chứa tá dược rã sinh khí bao gồm chất kiềm (natri bicarbonat hay natri carbonat) và acid hữu cơ (acid citric hay acid tartric). Khi bỏ viên sủi vào nước sẽ xảy ra phản ứng giữa chất kiềm và acid tạo ra khí CO2 gây sủi bọt làm tan rã viên tạo thành dung dịch thuốc.

Coi chừng ghiền

" Một số người không được dùng thuốc sủi bọt. Đó là những người bắt buộc kiêng muối, không được ăn mặn ".

Như vậy, bất cứ thuốc sủi bọt nào cũng chứa natri (do chứa natri bicarbonat hoặc natri carbonat, một viên sủi thường chứa 270-460mg natri). Vì vậy, một số người không được dùng thuốc sủi bọt.

Đó là những người bắt buộc kiêng muối, không được ăn mặn, như người bị bệnh tăng huyết áp chẳng hạn. Thực chất của kiêng muối chính là kiêng natri (muối ăn là natri clorua). Nếu người đã bị tăng huyết áp mặc dù đang điều trị mà ăn nhiều muối hoặc dùng chất có nhiều natri thì huyết áp sẽ tăng vọt.

Đã xảy ra khá nhiều trường hợp người cao tuổi có sẵn bệnh tăng huyết áp đang điều trị bất ngờ bị cảm nên uống thuốc trị cảm kèm theo vitamin, tất cả đều là dạng sủi bọt, bị tăng huyết áp quá mức đến độ phải cấp cứu ở bệnh viện.

Có một loại thuốc giảm đau dạng sủi bọt phải hết sức lưu ý tránh dùng bừa bãi vì có thể gây nghiện, đó là thuốc kết hợp paracetamol và codein (biệt dược Efferalgan-codeine). Riêng codein là thuốc giảm đau có nguồn gốc thuốc phiện, có tác dụng giảm đau rất tốt lại thêm có tác dụng nhanh nhờ dạng thuốc sủi bọt, làm một số người lạm dụng, dùng lâu ngày sinh ra nghiện như nghiện ma túy.

Có một số thuốc sủi bọt trị khó tiêu đầy bụng nhưng người bị yếu dạ dày hoặc có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng phải tuyệt đối tránh dùng, đó là Alka seltzer. Biết rằng người yếu dạ dày thường bị khó tiêu đầy bụng nhưng nếu uống thuốc Alka seltzer, tai hại thay thuốc này lại chứa aspirin, sẽ bị tổn hại niêm mạc dạ dày đưa đến xuất huyết tiêu hóa như chơi.

Một viên một ngày

Đối với thuốc cung cấp vitamin và khoáng chất dùng dạng sủi bọt, ta lưu ý đến thuốc chứa duy nhất vitamin C. Bởi vì một viên sủi bọt C thông dụng hiện nay chứa 1g (tức 1.000mg) vitamin C, trong khi nhu cầu khuyến cáo cung cấp hằng ngày cho cơ thể chỉ là 60mg. Như vậy, một viên sủi C thông dụng hiện nay là chứa liều cao vitamin C. Trong một số trường hợp thiếu vitamin đến độ ở tình trạng gọi là bệnh lý, khi ấy mới dùng vitamin liều cao gọi là liều điều trị. Vitamin C cũng thế.

Việc dùng vitamin C liều cao để trị cảm cúm hiện vẫn còn sự tranh cãi. Có một số tác giả tán dương nhưng có nhiều tác giả khác phản bác, dựa vào một số công trình nghiên cứu cho rằng vitamin C thật sự không đem lại lợi ích đáng kể trong trường hợp bị cảm cúm. Dùng vitamin C liều cao lâu ngày (quá 1g mỗi ngày) sẽ bị các tác dụng phụ như: kích ứng gây hại niêm mạc dạ dày (do vitamin C có bản chất acid không nên uống lúc bụng trống), tiêu chảy, gây sỏi thận (sỏi oxalat). Có khuyến cáo không nên dùng vitamin C liều cao dài ngày khi không có chỉ định của bác sĩ.

Vì vậy, chỉ dùng một viên sủi C loại 1g mỗi ngày chứ không xem đó là nước giải khát vô hại, uống nhiều viên trong ngày chẳng những không có lợi mà có khi có hại.

Điều nhắc lại là những người bị tăng huyết áp tuyệt đối không dùng thuốc dạng sủi bọt nói chung.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC(ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên