05/08/2008 06:48 GMT+7

Thùng rác, nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM: Không dễ tìm chỗ lắp đặt

CHÍ QUỐC - HÀ AN
CHÍ QUỐC - HÀ AN

TT - Hơn bảy tháng kể từ khi chính quyền TP.HCM triển khai thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nhưng thùng rác, nhà vệ sinh công cộng vẫn thiếu ở nhiều tuyến đường.

UyhMik9Y.jpgPhóng to

Một thùng rác công cộng trên đường Pasteur (Q.3) nghiêng ngả như thế này. Lắp đặt thùng rác nhưng không quan tâm duy tu, bảo quản sẽ làm mất mỹ quan đô thị -Ảnh: C.Q.

TT - Hơn bảy tháng kể từ khi chính quyền TP.HCM triển khai thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nhưng thùng rác, nhà vệ sinh công cộng vẫn thiếu ở nhiều tuyến đường.

Vì sao?

Đầu đường Vạn Kiếp (tại điểm giao với đường Phan Đăng Lưu thuộc P.3, Q.Bình Thạnh) có khẩu hiệu "Bỏ rác vào thùng và nhắc nhở người khác không xả rác". Khẩu hiệu thì vậy nhưng đi hết tuyến đường này không hề thấy một thùng rác công cộng nào. Đường Phan Xích Long (thuộc hai quận Bình Thạnh và Phú Nhuận) lề đường thoáng, rộng mà cũng không thấy thùng rác và nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Tương tự, suốt đường Quang Trung (Q. Gò Vấp) tràn ngập băngrôn kêu gọi người dân bỏ rác vào thùng nhưng lề đường lại không có thùng rác. Trong khi đó những trục đường liên quận có chiều dài 4 - 5km như Nguyễn Đình Chiểu (Q.1 và Q.3) vẫn không tìm đâu ra NVSCC. Các tuyến đường liên quận khác như Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ dài hơn 7km cũng không có NVSCC.

Có cũng như không

Sẽ có thêm 20 NVSCC

* Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà vừa giao UBND các quận huyện xem xét danh mục các vị trí dự kiến xây dựng NVSCC trên địa bàn (do Sở Tài nguyên và môi trường TP khảo sát và đề nghị) để bàn giao mặt bằng cho Công ty Dịch vụ công ích thanh niên xung phong xây dựng, lắp đặt. Vị trí lắp đặt phải đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân, đảm bảo tránh ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Việc xây dựng NVSCC phải hoàn thành đầu tháng 9-2008.

Đến nay Sở Tài nguyên và môi trường TP đã khảo sát khoảng 20 vị trí lắp đặt được NVSCC tại các quận 3, 5, 6, 10 và Bình Thạnh. Cơ quan chức năng đang tiến hành đo vẽ vị trí vỉa hè, lập bản vẽ xin phép xây dựng NVSCC, dự kiến thời gian hoàn thành sau hai tháng.

Sở Tài nguyên và môi trường TP cũng cho biết đến nay sở đã phối hợp với các địa phương lắp đặt được 360 thùng rác, 60 NVSCC tại các quận 1, 3, 5, 6, 10 và Bình Thạnh, các quận còn lại phải "tự thân vận động". Từ nay đến tháng chín sở sẽ phối hợp lắp đặt thêm 500 thùng rác nữa ở 15 tuyến đường mẫu đã được TP chọn.

Ở những nơi đã có thùng rác, NVSCC lại tồn tại những bất hợp lý, thậm chí dẫn đến lãng phí. Tại giao lộ Lý Tự Trọng - Pasteur (Q.1) có một thùng rác công cộng được đặt cách mép đường khoảng 2m, người đi đường muốn bỏ rác vào thùng phải dừng xe ngay giao lộ.

Tại khu vực công viên cầu Thị Nghè (P. Đa Kao, Q.1) được lắp đặt một NVSCC nhưng đóng cửa im ỉm hơn bốn tháng nay. Nhiều người khi có "nhu cầu" đành phải "giải quyết" ngay phía sau NVSCC này. Cách đó chừng vài trăm mét là một NVSCC khác nằm ở khúc cụt của đường Hoàng Sa, ít người qua lại. Theo Công ty Công trình công cộng Q.1, NVSCC tại công viên gần cầu Thị Nghè không sử dụng được là do không có đường ống cung cấp nước nối vào nhà vệ sinh.

"Đau đầu" chuyện lắp đặt!

Ông Lê Văn Ngọc - chủ tịch UBND P.26 (Q.Bình Thạnh) - cho biết phường đã khảo sát và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị chức năng để lắp đặt một NVSCC tại quốc lộ 13 (đoạn dưới chân cầu Bình Triệu). Theo ông Ngọc, Phòng Tài nguyên và môi trường Q.Bình Thạnh còn đề nghị UBND phường khảo sát để lắp đặt thêm một NVSCC nữa nhưng phường tìm không ra địa điểm. Riêng về thùng rác công cộng, lực lượng của phường cũng mới chỉ khảo sát được 24 điểm để lắp đặt trên quốc lộ 13, nhưng cũng chỉ lắp đặt được ở vị trí trước các cột điện để không án ngữ trước nhà dân.

Theo một lãnh đạo Phòng Tài nguyên môi trường Q.10, quận cũng đã khảo sát một vị trí lắp đặt NVSCC tại chợ Chuồng Bò (P.10) nhưng người dân ở đây không đồng ý vì lo ngại gây mất vệ sinh thêm cho khu vực.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phước, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP, trong số 20 địa điểm được chọn để lắp đặt NVSCC ở Q.3, sau khi khảo sát chỉ chọn được ba điểm, các điểm không chọn được do người dân không đồng ý đặt trước nhà.

Ông Phước cho biết việc lắp đặt các dịch vụ công cộng phải có sự thỏa thuận với UBND các quận về chỗ đặt, màu sắc, thiết kế thùng rác (như thùng rác công cộng ở Q.1 là màu cam, Q.3 màu xanh…). Về vấn đề "xã hội hóa thùng rác công cộng", ông Phước cho hay sở sẽ tiếp tục bàn với các sở ngành liên quan đối với việc cho doanh nghiệp quảng cáo những gì trên thùng rác, đặt thùng rác có nội dung quảng cáo ở những tuyến đường nào...

Bà Nguyễn Thanh Hồng, giám đốc Công ty Công trình công cộng Q.1, cho rằng để lắp đặt thùng rác công cộng không gặp phản ứng của người dân, cơ quan chức năng không nên cứng nhắc trong việc bố trí khoảng cách (theo nhiều quận huyện, hiện khoảng cách lắp đặt giữa hai thùng là 100m). Kích thước thùng rác nhỏ hay lớn cũng phải tùy từng vị trí, cần tránh án ngữ trước nhà dân cũng như không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của người dân. Bà Hồng dẫn chứng trên tuyến đường Đồng Khởi (Q.1) chỉ toàn thùng rác thấp, nhỏ. Cũng theo bà Hồng, khi đã lắp đặt thùng rác công cộng, nếu đơn vị chủ quản không thường xuyên làm sạch sẽ, cứ để rác vương vãi, hôi thối, thùng rác xập xệ, xuống cấp thì không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn bị người dân phản ứng.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Trường đại học KHXH&NV TP.HCM) cho rằng không nhất thiết chỗ nào trên đường phố cũng phải có thùng rác công cộng, nên bố trí ở những nơi thích hợp, người đi đường phải làm quen và chịu khó đem rác đến nơi này để bỏ vào. Để hạn chế sự phản ứng của người dân trong việc lắp đặt, cần chọn vị trí ở giữa hai nhà hoặc thiết kế thùng rác, NVSCC với kiểu dáng đẹp, dễ chấp nhận.

CHÍ QUỐC - HÀ AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên