Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết như vậy ngày 17-3.
VASEP phản đối phán quyết về cá traThuế cá tra vào Mỹ tăng hơn 25 lần
Theo ông Minh, khi các doanh nghiệp bị thuế cao phải ngưng xuất khẩu, các nhà nhập khẩu Mỹ buộc phải tìm những nhà cung cấp thay thế để có hàng buôn bán. Do đó, doanh nghiệp và người dân không nên hoang mang bán tháo cá tra, người mua lợi dụng ép giá.
Không lo thừa cá
"Vấn đề của VN hiện không phải là sợ thừa cá mà là sự phối hợp của các doanh nghiệp và hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Nhà nước và ngân hàng phải có chính sách kéo dài thời gian vay vốn đối với doanh nghiệp bị thuế cao để họ không bị áp lực giảm giá bán. Còn người nuôi cá cũng cần gia hạn tín dụng để tránh bán tháo" Ông DƯƠNG NGỌC MINH(phó chủ tịch VASEP) |
Trong khi nhiều lô hàng cá tra của các doanh nghiệp bị DOC đánh thuế cao trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) mới vừa công bố trên đường đến Mỹ buộc phải quay lại VN thì có nhiều doanh nghiệp lại đang được khách hàng Mỹ săn đón hỏi mua. Ông Nguyễn Văn Ký - tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) - cho biết đang chuẩn bị bay sang Mỹ đàm phán hợp đồng mới.
“Từ khi DOC công bố phán quyết cuối cùng của POR8, khách hàng Mỹ liên tục điện thoại cho tôi đề nghị mua hàng. Lần này tôi sang Mỹ theo lời mời của bốn nhà nhập khẩu hàng đầu của Mỹ do họ đang muốn mua hàng của chúng tôi” - ông Ký nói. Với diễn biến mới này, dự kiến Agifish sẽ xuất khẩu 120-130 triệu USD trong năm 2013, trong đó 50% doanh số vào thị trường Mỹ, tăng 20 triệu USD so với năm ngoái.
Sở dĩ có chuyện này vì trong giai đoạn POR8 (từ ngày 1-8-2010 đến 31-7-2011), Agifish không xuất khẩu sang Mỹ nên theo luật họ vẫn được giữ mức thuế cũ (chỉ 0,02 USD/kg). Không chỉ có Agifish, còn bảy công ty khác ở tình huống tương tự nên cũng bỗng dưng “trúng số”. Bởi với mức thuế gần như bằng 0 và các công ty lớn buộc phải ngưng xuất khẩu vào Mỹ, khách hàng sẽ phải chuyển các đơn hàng cá tra sang tám công ty này. “Khách hàng Mỹ đã ký hợp đồng cả năm với các công ty của VN như Vĩnh Hoàn, Anvifish... đồng thời cũng đã ký hợp đồng bán lẻ. Giờ những công ty có thuế cao không xuất khẩu được thì họ buộc phải tìm các công ty có thuế thấp để mua hàng thay thế” - ông Dương Ngọc Minh phân tích.
Theo ông Minh, tám công ty có thuế thấp hoàn toàn đủ năng lực cung ứng cá tra cho thị trường Mỹ khi gần 20 công ty khác phải tạm ngưng. “POR8 chỉ đánh vào các doanh nghiệp xuất khẩu trong giai đoạn đó nhưng lại là cơ hội cho các công ty này. Đây là cơ hội để sắp xếp lại thị trường và nâng giá bán. Vấn đề là tám đơn vị cần ngồi lại với nhau để tính toán giá xuất khẩu. Mỹ sắp hết hàng tồn kho nên giờ là thời điểm có thể tăng giá bán vào thị trường này” - ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp kinh doanh cá tra, phán quyết của DOC vẫn ẩn chứa nhiều tác động tiêu cực với ngành cá tra của VN, nhất là những công ty không thể xuất khẩu vào Mỹ. Để giải quyết lượng hàng đã sản xuất, họ buộc phải chuyển sang các thị trường khác, một việc làm không hề đơn giản trong bối cảnh nhiều thị trường giảm sức mua do kinh tế khó khăn.
Theo ông Dương Ngọc Minh, đúng là có áp lực với những công ty coi Mỹ là thị trường quan trọng để chuyển hướng sang các thị trường khác. Nhưng sản lượng cá tra nguyên liệu năm 2013 chỉ đạt 800.000-900.000 tấn, trong khi năm 2012 là gần 1,2 triệu tấn nên xu hướng chung trong năm nay là thiếu cá sản xuất, thị trường sẽ không có thay đổi lớn so với năm 2012. Bởi ngay cả trong trường hợp xấu nhất là xuất khẩu sang Mỹ giảm thì những thị trường ở Nam Mỹ, Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh sẽ thay thế. Nhưng nếu không bình tĩnh thì các doanh nghiệp có thể bán phá giá rồi quay lại ép giá người dân.
Chuẩn bị khởi kiện lên CIT
Ngày 17-3, ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký VASEP - cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ đang chuẩn bị khởi kiện DOC lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT). Bởi phán quyết DOC đưa ra hôm 14-3 là phán quyết cuối cùng, VN chỉ có hai cách để thay đổi kết quả là xem lại các sai số trong tính toán số liệu mà DOC sử dụng và kiện DOC lên CIT.
Theo ông Hòe, các nội dung cơ bản mà doanh nghiệp VN khởi kiện sẽ là việc lựa chọn quốc gia thay thế và phương pháp tính bất hợp lý. Việc DOC lựa chọn Indonesia làm quốc gia thay thế VN (thay vì Bangladesh) là không công bằng do DOC đã căn cứ vào một nghiên cứu về giá của Chính phủ Indonesia để tính toán giá cá tra sống nguyên con - nguyên liệu để chế biến cá tra philê. Nghiên cứu này không căn cứ vào giá thực tế mà chỉ dựa vào giá trung bình của cả nước được tính toán từ số liệu của một vài địa phương, dẫn đến chênh lệch lớn về giá. Trong các đợt xem xét hành chính trước đó, chính DOC đã liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra VN, vì quốc gia này không có đầy đủ dữ liệu về giá và thiếu các thông số cơ bản về tài chính. Trong khi Bangladesh là nước sản xuất cá tra “hypophthalmus” thương phẩm và nuôi trong ao như VN. Chính vì vậy, chi phí sản xuất và doanh thu của người nuôi cá tra ở VN và Bangladesh là tương đương nhau. Trong khi đó, Indonesia thực tế chỉ là nước nhập khẩu ròng philê cá tra đông lạnh chủ yếu từ VN mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới. Indonesia lại nuôi năm loài cá tra khác nhau, chỉ có 70% sản lượng cá tra năm 2011 được nuôi trong ao và không có số liệu cụ thể về sản lượng cá tra “hypophthalmus”.
Theo luật, các doanh nghiệp VN có 35 ngày từ khi DOC công bố phán quyết cuối cùng lên Công báo Liên bang Mỹ (dự kiến vào đầu tuần này) để khởi kiện lên CIT. Chỉ khi có phán quyết của tòa án thì DOC mới thay đổi kết quả chính thức POR8 họ đã đưa ra. “Một vụ kiện như vậy kéo dài 1-2 năm và hiện các doanh nghiệp đang làm việc với luật sư, thống nhất các nội dung để đệ đơn khởi kiện. Nhưng việc khởi kiện là cần thiết bởi lợi ích đầu tiên là theo luật, khi CIT thụ ý vụ án sẽ tạm ngưng các khoản thuế phải đóng trong giai đoạn POR8” - ông Hòe nói.
Bao tiêu đầu ra cho người nuôi cá Ông Dương Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương - khẳng định bắt đầu từ tuần này Hùng Vương sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng cá tra của những hộ dân dùng sản phẩm thức ăn cho cá của Việt Thắng (thành viên của Hùng Vương). Người dân có thể lựa chọn một trong hai cách để bán cá cho Hùng Vương là bán ngay với giá 21.000 đồng/kg hoặc để lại đợi giá tăng. Theo ông Minh, năm nay nguyên liệu cá tra cho chế biến thiếu nên giá bán nội địa sẽ tăng từ đầu quý 3. Nếu không có những chính sách hỗ trợ về vốn của Chính phủ thì nguồn nguyên liệu cho năm 2014 không có và nhiều nhà máy sẽ đóng cửa. |
Phóng to |
Chế biến cá tra, cá ba sa tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) - Ảnh: H.T.V. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận