![]() |
Dấu tích lổn nhổn củacon đường "Thần đạo" xưa |
Đâu "Lối xưa xe ngựa"...
Cách đây vài tháng, một nhà sử học phương Tây đến Hà Nội muốn xem con đường lát gạch hoa chanh thời Trần mà các nhà khảo cổ nước ta tìm được trong lòng đất ở khu vực Đoan Môn đang được giữ lại bảo tồn. Dẫn ông đi xem mà chúng tôi thấy xấu hổ, vì hố khai quật còn được giữ lại thật, nhưng nước ngập phủ đầy đáy hố nên chẳng còn trông thấy gì.
Cũng chẳng có gì để xem nữa, ngoài một tấm biển đồng nho nhỏ cắm bên cạnh giới thiệu nơi đây từng có một cuộc khai quật quan trọng. Chẳng có bảo tàng hay hiện vật để bày, trong một đoạn cửa ngách bày ra vài cái tủ kính bụi bặm, vài cái sa bàn, vài bức tượng không một tý liên quan và ăn nhập gì với di tích.
Gần đây, có dịp vào thăm lại Đoan Môn, chúng tôi mới được thấy lại bóng dáng con đường xưa, nước đã rút, vì là mùa khô. Đoạn đường lát gạch vốn đã là phế tích, nay lại trở thành phế tích đến hai lần. Gạch đã ngả màu đen xỉn, mốc, nhiều chỗ lổn nhổn vì nhiều lần bị ngâm trong nước đọng, bùn lầy, vị trí đã xô lệch. Nhiều chỗ cỏ đã phủ xanh. Nền đất dưới đáy hố bị nứt nẻ "chân chim", vách hố nhiều chỗ bị lở lói nham nhở khác hẳn với di tích khi mới được phát hiện: Gạch đỏ hồng, sắp xếp hàng lối rõ là một con đường lát gạch hoa chanh.
Nếu nói về mặt ý nghĩa lịch sử thì những dấu tích ở Đoan Môn quan trọng lắm! Di tích đang thấy trên mặt đất là cổng xây bằng đá hộc, đã được trùng tu đẹp, còn khắc hai chữ Hán trên vòm cổng "Đoan Môn". Đấy là cổng được xây vào thời Lê, niên đại ít ra cách đây khoảng hơn 4 thế kỷ, cũng rất quý. Tuy nhiên, những gì còn lại trong hố khai quật mới là cái quý hơn, vì niên đại sớm hơn và cần thiết hơn với giới khảo cổ học và sử học nước nhà. Suốt bao nhiêu thời gian, tốn bao nhiêu giấy mực để tranh cãi Hoàng thành Thăng Long ở nơi đâu?
Nếu lấy trục Bắc Môn - Điện Kính Thiên - Đoan Môn đang sừng sững là trục "Thần đạo" thì không ai tranh cãi, nhưng chỉ đúng vào thời Lê, mà điều này còn được vẽ trên bản đồ thời Lê Hồng Đức năm 1490. Nhưng từ thời Trần trở về trước, vẫn là một câu hỏi khó, chỉ được giải đáp chính xác vào năm 1999 khi các nhát cuốc bổ xuống lòng đất tìm được con đường lát gạch hoa chanh. Theo các nhà khảo cổ thì đấy là con đường thời Trần, chính là con đường vua đi mỗi khi từ điện chính xuống cửa phía nam. Đấy là trục "Thần đạo" thiêng liêng có từ các triều đại sớm hơn cả thời Lê.
Phát hiện này trở nên hết sức quan trọng, thậm chí ở một góc độ nào đó còn gỡ rối cho nhiều vấn đề về lịch sử Hoàng thành hơn là kết quả của cuộc đào hai vạn mét vuông bên 18 đường Hoàng Diệu. Trục chính của Hoàng thành, thậm chí là Tử Cấm Thành sớm hơn cả thời Lê chính là nơi đây. Ý nghĩa của hố khai quật rất lớn. Ý tưởng làm một dạng bảo tàng ngoài trời phục vụ nhân dân là rất hay. Nhưng kết quả lại mang nhiều sự phản cảm cho mỗi ai có dịp tham quan.
Giải pháp nào cho di tích?
Trước tiên, không ai làm mái che cho di tích một cách thô thiển bằng khung thép mái tôn ở ngay vị trí giữa sân, gần các cổng đá của Đoan Môn thời Lê. Vì như vậy sẽ che khuất tầm nhìn ngắm của công trình kiến trúc. Khách tham quan sẽ bị hẫng hụt khi cạnh các cổng đá bề thế lại có một dạng kiến trúc "nhà xưởng" choán mất tầm nhìn.
Nên có một mái che bằng kính, chiều cao không thể quá thân người để không ảnh hưởng đến việc chiêm ngưỡng công trình cổng đá. Con đường lát gạch hoa chanh cần gia cố lại, đoạn nào gạch lát còn thiếu phải bổ sung bằng gạch phục chế. Nhất thiết phải có rãnh thoát nước để không bao giờ hố bị ngập nước ảnh hưởng đến hiện vật gốc.
Còn một cách nữa, theo kinh nghiệm của Nhật Bản khi phục dựng kinh thành Nara là lấp cát phủ lên hiện vật và di tích thật, trên đúng vị trí đó mới phục chế con đường xưa, không thiếu một viên gạch nào. Sẽ có một hệ thống chiếu sáng phụ trợ cho nổi bật cái trục "thần đạo" xưa. Bên cạnh đó cần có một bảo tàng nhỏ, hệ thống các bảng chú thích. Chắc cũng không tốn nhiều kinh phí vì công trình có diện tích không lớn lắm.
Tin chắc rằng nếu làm lại và làm đẹp công trình bảo tàng ngoài trời Đoan Môn này sẽ là một kinh nghiệm quý cho nhiều công trình khác nữa trong tương lai. Mặt khác, đây sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn có một không hai của thủ đô: Con đường Thần đạo mà vua Trần, vua Lê từng dạo bước chỉ có một mà thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận