08/04/2004 08:40 GMT+7

Thực chất của Tiger Force?

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TT - Đối tượng điều tra của loạt bài “Sự thật kinh hoàng về những bí mật bị chôn giấu” của nhật báo The Blade là những binh sĩ Mỹ thuộc Tiger Force đã từng gây ra một số tội ác chiến tranh tại VN vào những năm 1966-1967... Tiger Force là gì?

uHfP7g79.jpgPhóng to
TT - Đối tượng điều tra của loạt bài “Sự thật kinh hoàng về những bí mật bị chôn giấu” của nhật báo The Blade là những binh sĩ Mỹ thuộc Tiger Force đã từng gây ra một số tội ác chiến tranh tại VN vào những năm 1966-1967... Tiger Force là gì?

Thật ra đây chỉ là “tên hiệu” của trung đội thám báo (trinh sát) thuộc sư đoàn 101 không vận Hoa Kỳ, mà vào thời điểm năm 1967 được nhắc đến trong loạt bài điều tra, chứ không phải đây là một lực lượng gì lớn lao như “lực lượng đặc biệt” (Special Forces) vốn tương đương một binh chủng.Tuy chỉ là một trung đội, song do “thành tích” của họ khá dày nên gần 40 năm sau những người còn sống vẫn rất tự hào về mình, như có thể đọc được trên trang web của họ http://www.tigerforcerecon.com/.

“Website này nhằm tôn vinh những người thuộc một trong những đơn vị nhỏ được khen thưởng huân chương cao quí nhất trong cuộc chiến tranh VN. Lịch sử của chúng tôi là lịch sử của danh dự và lòng dũng cảm... Lịch sử huy hoàng của chúng tôi nay đang tiếp tục tại Iraq, cũng do Tiger Force đảm trách”.

EzOSBReh.jpgPhóng to
Jim Barnett (trái) và Robin Varney
Lần cuối cùng mà nội dung website này được cập nhật là hôm 28-2-2004, tức sau khi đã nổ ra những ầm ĩ từ loạt bài điều tra của tờ The Blade và sau khi đã có những tin tức về việc Bộ Quốc phòng Mỹ tổ chức điều tra vụ thảm sát ngày 28-7-1967 ở Quảng Ngãi. Điều đó có nghĩa một sự thách thức đối với những đe dọa điều tra, những phản ứng của dư luận cả ở Mỹ lẫn ở nước ngoài.Cho đến 15g ngày 7-4-2004, đã có 55.196 lượt người truy cập vào website này. Một tần suất truy cập không cao nếu so với các website báo chí, song là khá cao nếu so với website của một đơn vị mà quân số vào thời điểm đông nhất mới chỉ gồm 45 người.

Những bộ ảnh của đơn vị này, chụp từng năm khi còn tham chiến ở VN, vẫn còn được trưng bày trên mạng không một chút che đậy. Như bức ảnh Jim Barnett chụp ở Đức Phổ năm 1967. Jim Barnett là một trong những cựu thành viên của trung đội Tiger Force nay bị The Blade phanh phui. Jim Barnett (lúc đó là trung sĩ) thừa nhận đã bắn một bà mẹ trẻ không mang vũ khí... Còn nhiều ảnh chụp các thành viên khác của trung đội này, không cất giấu.

37 năm sau, không ai rõ rằng trung đội với 45 người này đã giết bao nhiêu thường dân VN. Tờ The Blade đặt câu hỏi đó và đã chịu thua, không trả lời nổi. Tuy nhiên báo này cũng đã ghi nhận lời khai của một số cựu binh: đến ngày 19-11-1967, trung đội Tiger Force đã đạt chỉ tiêu giết được 327 “đối phương”. Tại sao lại có chỉ tiêu này? Đó là để mừng số hiệu của tiểu đoàn mà Tiger Force trực thuộc: tiểu đoàn 327. Một trung đội mới được thành lập năm 1965 mà sau hai năm “chiến đấu” đã giết được 327 người, quả là một trung đội “anh dũng” bậc nhất!

Bởi thế, từ đó sư đoàn 101 không vận mới tiếp tục giữ tên hiệu Tiger Force cho các “hậu duệ” của trung đội này. Như có thể thấy qua ảnh dưới đây, chụp tại Iraq.

0DHeziZU.jpgPhóng to
Tiger Force, Iraq
Đặc điểm của những đơn vị thám báo như Tiger Force là gì? Đó là những đơn vị nhỏ gồm toàn những binh sĩ tình nguyện, lựa chọn từ các đơn vị tác chiến, được huấn luyện bổ sung về các môn như nhảy toán, sử dụng dao găm, tác xạ chính xác với súng hãm thanh, cận chiến, sử dụng chất nổ... nói chung là để trở thành những sát thủ âm thầm.

Ngoài kỹ thuật chiến đấu có thể được huấn luyện và hấp thu qua thời gian, các ứng viên còn phải chứng tỏ có năng khiếu bẩm sinh là không sợ ra tay, ra tay không run, ra tay chính xác, nhanh gọn, không ồn ào... Điều đó giải thích tại sao đã xảy ra những vụ giết người không thương tiếc bằng những phương cách thật “im lặng” như vụ sông Vệ (bởi Tiger Force). Đã có những người nay hối hận và tìm đến tờ The Blade để kể lại tất cả.

Một khi chính những người trong cuộc còn cảm thấy nhu cầu tự thanh thản, và chính những người Mỹ không liên quan cũng có nhu cầu được biết những gì đã thật sự xảy ra, thì việc điều tra cần được thúc đẩy đến cùng do lẽ nếu không làm rõ nội vụ thì sẽ còn có những vụ thảm sát khác ở bất cứ một nơi nào khác. Những người đã thiệt mạng oan uổng vẫn còn có thể làm được một điều gì đó cho những thế hệ sau: cái chết của họ phải ngăn chặn được cái chết của những người khác. Đó chính là lý do mà The Blade muốn phanh phui vụ này.

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên