Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ lớn trong năm nay - Ảnh: VGP
Chiều 3-8, tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Báo cáo các bộ cho hay giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến 31-7 ước khoảng 186.848 tỉ đồng, mới đạt 34,47% kế hoạch. Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch.
Nhiều giải pháp, giải ngân vẫn chậm
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay thống kê sơ bộ giải ngân đạt khoảng 48.000 tỉ đồng trong tổng số 301.000 tỉ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến mạnh, giải ngân chậm vẫn là căn bệnh kéo dài nhiều năm nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng "tiền để đấy không tiêu được" là "rất xót ruột và sốt ruột", nên cần thẳng thắn phân tích các nguyên nhân, vướng mắc, giải pháp.
"Đâu là vấn đề thuộc về thể chế, thẩm quyền thuộc về ai? Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố là những người nắm rõ nhất việc này, chúng ta nắm giữ các nguồn lực mà nhìn thấy ách tắc thì chắc chắn phải sốt ruột, lo lắng, trăn trở, trừ những người vô cảm", Thủ tướng nói.
Theo báo cáo, có khoảng 21 tồn tại, khó khăn vướng mắc về đầu tư công, liên quan tới thể chế, chính sách (như đất đai, tài nguyên, môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, đấu thầu và đầu tư công); tổ chức triển khai thực hiện; cũng như các khó khăn mang tính đặc thù.
Từ thực tiễn các bộ ngành có tỉ lệ giải ngân cao cho thấy bài học quan trọng là đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong đôn đốc, kiểm tra. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết so với khoảng 600 dự án đầu tư công trong nhiệm kỳ trước, cả nhiệm kỳ, tỉnh sẽ tập trung vào 10 dự án trọng điểm, có tính chất động lực, nên đã giải ngân được 58% vốn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết tỉnh tập trung cho các dự án lớn mang tính trọng điểm, như tuyến đường kết nối Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang, hiện đã giải ngân khoảng 59%.
Sẽ ban hành nghị quyết thúc giải ngân vốn
Nhiều ý kiến cho rằng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cần sớm sửa đổi quy định liên quan như: Luật đất đai (như thống kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, giá đất, giá đền bù, thu hồi…), Luật NSNN (về phân cấp nhiệm vụ chi), Luật xây dựng, Luật khoáng sản… Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.
Biểu dương đơn vị làm tốt, đạt mức giải ngân trên 50% và phê bình các đơn vị giải ngân dưới mức bình quân cả nước, Thủ tướng cho rằng thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ khó. Trong khi năm 2022, lượng vốn đầu tư công cần giải ngân lên tới 542.000 tỉ đồng, gấp hơn 2,5 lần năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110.000 tỉ đồng so với năm 2021.
Vì vậy, cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, giải pháp quyết liệt hơn như đề cao hơn nữa trách nhiệm bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành. Nghiên cứu việc tự điều chỉnh vốn trong nội bộ. Các bộ ngành, địa phương chưa làm tốt thì phải khiêm tốn, cầu thị, học hỏi, thành lập các tổ công tác, đôn đốc, giao ban hằng tháng…
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về nội dung này, tạo chuyển biến thực sự trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận