Với mục tiêu xuất khẩu lâm sản 17,5 tỉ USD và thủy sản 10 tỉ USD trong năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thực chất, kịp thời khắc phục khó khăn.
Hỗ trợ doanh nghiệp thực chất về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa
Trước tăng trưởng kinh tế cả nước trong quý 1 ước đạt 3,32%, trong đó lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là 2,52%, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát các khó khăn, thách thức với ngành lâm sản, thủy sản.
Chẳng hạn như nguyên vật liệu đầu vào phải nhập khẩu; tranh chấp thương mại; các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản bị thu hẹp; chính sách của các nước thay đổi…
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, phát triển tích hợp, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản; tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường…
Thủ tướng đánh giá nông nghiệp, trong đó có sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thủy sản, là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của 2 lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Thủ tướng lưu ý, khi có vấn đề phát sinh, Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, hỗ trợ, chia sẻ một cách thực chất về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa; chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT, đến quy chuẩn Việt Nam về mức thải chế biến thủy sản và quy chế mức thải ao nuôi thủy sản…
Ban hành một số cơ chế, chính sách về lâm nghiệp, thủy sản
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý bộ này phải xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội; xây dựng một số mô hình sản xuất giống, mô hình xúc tiến đầu tư…
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.
Bộ Công Thương hỗ trợ phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí vốn trung hạn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ lâm sản tập trung…
Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào khâu chọn, tạo giống, trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản, khâu chọn, tạo giống thủy sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chính sách đất đai phù hợp tình hình, thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp xu thế chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; ưu tiên thủy sản. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản.
Xây dựng thương hiệu cho tôm, cá tra, cá ngừ
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chủ trì, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ. Thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận