Chủ tịch EVN Dương Quang Thành và Phó chủ tịch EIB Kris Peeters đã ký kết biên bản ghi nhớ, tạo tiền đề cho sự đóng góp của EIB vào quá trình phát triển bền vững và lộ trình chuyển dịch năng lượng của EVN - Ảnh: N.PHÚC
Sáng 10-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Luxembourg.
Trong phòng họp lớn của trụ sở tòa nhà EIB ngay giữa thủ đô Luxembourg ngập tràn ánh sáng trời, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với kiến trúc tòa nhà đã tận dụng được nắng và gió, cho thấy các bạn có tầm nhìn xa khi hướng tới phát triển bền vững.
Với Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đến ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, nên Việt Nam cần nhiều nguồn lực về tài chính.
Để thực hiện thì nguồn lực bên ngoài có ý nghĩa quan trọng và đột phá để huy động vốn, các nguồn viện trợ nhằm tập trung cho phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị hai bên thảo luận để tiến tới ký kết lại thỏa thuận hợp tác lên tầm cao mới, xử lý các dự án còn tồn đọng, vốn đã ký từ trước đó vào năm 1997, nhưng hiện đang còn khiêm tốn chỉ với 5 dự án có tổng giá trị 561 triệu euro.
Trong đó tập trung vào các dự án như tạo thuận lợi tối đa trong việc tiếp nhận trả nợ trước hạn với dự án thủy điện Nậm Pung; triển khai hiệp định tín dụng cho các dự án thủy điện nhỏ, phong điện; sớm đi đến ký được 2 hiệp định vay vốn cho dự án metro 03 Hà Nội và metro 02 TP.HCM tuyến Bến Thành - Tham Lương hiện triển khai còn chậm.
Đối với những dự án tới đây, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung vào phát triển xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đề nghị EIB tiếp cận công bằng, công lý theo tinh thần của Chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Thủ tướng mong EIB chia sẻ vì Việt Nam còn là một nước nghèo, đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, cho nên điều kiện vay cần phải khác với các nước khác, thông thoáng hơn mà không quá khắt khe.
"Với những nước đang phát triển như Việt Nam, việc hỗ trợ vốn cần nhanh, thuận tiện hợn, có ưu đãi về lãi suất để thực hiện các dự án chuyển đổi năng lượng, mục tiêu cuối cùng là đưa ra mức giá mà người dân phải chi trả được.
Bởi thu nhập của người dân Việt Nam là 4.000 USD, nên cần có mức giá phù hợp với thu nhập người dân và để có mức giá phù hợp thì phải giảm vốn đầu vào, trong đó có chi phí vốn vay ngân hàng" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng kể lại, vừa rồi Việt Nam đã đàm phán với Nhật Bản để có chính sách hợp tác ODA thế hệ mới với lãi suất hợp lý hơn. Việc các nhà tài trợ đưa ra lãi suất và thủ tục hợp lý để đảm bảo được công bằng, công lý.
Về thủ tục, Thủ tướng bày tỏ mong muốn hai bên nghiên cứu thủ tục đơn giản hơn, dễ thực hiện hơn. Như vừa rồi thảo luận với WB, ông cho biết cũng thẳng thắn đề nghị thực hiện thủ tục hiệu quả hơn, tránh rườm rà để không phát sinh tiêu cực.
Bày tỏ ấn tượng về những vấn đề được Thủ tướng nêu, Phó chủ tịch EIB Kris Peeters thống nhất cần có những trao đổi, thảo luận để hướng tới hợp tác mới trong tương lai. Ông cam kết sau cuộc gặp này sẽ bắt tay ngay vào công việc, thảo luận với phía Việt Nam và các bên liên quan để đổi mới, sửa đổi điều khoản cho vay, thủ tục cho vay...
Giám đốc điều hành EIB toàn cầu Markus Berndt bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai các dự án cụ thể. Về đề nghị cải tiến cơ chế, thủ tục cho vay, ông Markus Berndt cho rằng đây cũng là vấn đề về phía của EIB, nên sẽ nỗ lực củng cố hơn nữa thể chế chính sách, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh thúc đẩy hợp tác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận