Phóng to |
Các đại biểu gửi gắm đến Chủ tịch nước, Thủ tướng những tâm tư, mong mỏi của cử tri về các vấn đề liên quan tới phòng chống tham nhũng, lãng phí, xử lý các sai phạm về kinh tế, thất thoát tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai...
Phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) nói: “Kinh tế VN năm 2008 suy giảm, 2009 lạm phát, 2010 tái lạm phát trở lại cho đến tận ngày nay, bệnh giống “nhồi máu cơ tim” nhưng Thủ tướng vẫn xoay xở được”.
Cũng theo ông Trừng, có hai tồn tại cần khắc phục. Thứ nhất, tình hình tham nhũng diễn ra nghiêm trọng trong khi Thủ tướng là trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Thứ hai, nhân dân giao Thủ tướng quyền rất lớn nhưng Thủ tướng đã không dùng hết quyền này để xử lý cấp dưới sai phạm.
Thắng lợi trong đối ngoại “Hoạt động đối ngoại của Thủ tướng rất thắng lợi, đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế của đất nước với khu vực và thế giới”- đại biểu Nguyễn Đăng Trừng nhận định. Nêu rõ hai ưu điểm rất nổi bật trong nhiệm kỳ công tác của Thủ tướng là hoạt động đối ngoại và phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cho rằng việc phấn đấu để cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế hoàn chỉnh là một nỗ lực rất phù hợp xu thế phát triển hiện nay trên thế giới. Những thắng lợi đạt được trong hoạt động đối ngoại đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình phát triển của đất nước, nhất là về mặt kinh tế. |
Đại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội) đánh giá báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và của Thủ tướng là nghiêm túc, lãnh đạo Chính phủ đã phát huy tốt vai trò trong điều hành đất nước.
Nhưng bà Khánh có điểm băn khoăn vì Hiến pháp quy định Thủ tướng có những quyền rất rõ và nếu Thủ tướng căn cứ vào những nhiệm vụ, quyền hạn này để tự đánh giá nhiệm kỳ của mình thì sẽ cụ thể hơn.
Đại biểu Phạm Quốc Anh (Đồng Nai), chủ tịch Hội Luật gia VN, cũng đánh giá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nhưng Chính phủ đã giữ được ổn định chính trị, kinh tế vẫn phát triển. Song ông Quốc Anh - từ thực tế công việc - nêu: giải quyết khiếu nại tố cáo của Chính phủ chưa thật sự chuyển biến rõ, nhất là khiếu nại đất đai.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) điểm lại chặng đường bốn năm qua của Thủ tướng, Chủ tịch nước và chia sẻ thực tế chủ tịch nước, Thủ tướng vẫn chưa phát huy được hết vai trò, quyền như Hiến pháp quy định.
Từ bài học tinh thần của người Nhật trong thảm họa, ông Dương Trung Quốc cho rằng Chính phủ mới “tác chiến” với những thách đố kinh tế và chưa quan tâm đến lĩnh vực ảnh hưởng đến tâm thế, tinh thần của dân tộc.
“Ta khâm phục Nhật Bản về tinh thần cộng đồng, nhưng VN cách đây 40 năm cũng đã như thế. Ta có thể sơ tán cả chục vạn dân ra khỏi Hà Nội trong một đêm, người dân từng giao nhà, giao con cho người không phải người thân cũng không sao”.
Từ việc Chính phủ nhanh chóng cho di tản lao động VN ra khỏi Libya vừa qua, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhìn nhận Chính phủ “đã thực thi tốt bổn phận”. Từ đây, ông Xuân “đặt hàng”: mong Chính phủ có trách nhiệm hơn với các cô dâu Việt ở Đài Loan, thủy thủ VN trên các tàu biển bị nạn...
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng vẫn còn “tư duy cai trị” trong một bộ phận công chức khiến khoảng cách chính quyền và nhân dân đang tăng lên. “Cần nhận diện điều này để chính quyền không xa dân”.
Ông Hùng đánh giá trong mối quan hệ với Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ chưa lắng nghe hết các ý kiến, trong khi bản chất mối quan hệ trên là quan hệ với dân. “Chính phủ cần có cơ chế đầy đủ hơn trong tiếp thu, xử lý vấn đề đại biểu nêu thì hiệu quả điều hành sẽ tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) lưu ý Chính phủ khóa mới về tình trạng có nhiều bộ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng khi có vấn đề xảy ra thì không biết xử lý thế nào. Ông dẫn chứng: “Bà con mua phải thuốc trừ sâu dỏm không biết trách nhiệm thuộc về ai. Quốc hội, Chính phủ khóa mới nên lưu ý vấn đề này”.
Là người phát biểu cuối cùng trong phần thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Thám (TP.HCM) cho rằng trong những người ngồi ở hội trường đây, “mai mốt nếu ai làm thủ tướng, chủ tịch nước mà tiếp thu ý kiến của các đại biểu đánh giá nhiệm kỳ Thủ tướng, Chủ tịch nước hiện nay thì làm việc sẽ tốt hơn”.
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng 11 đại biểu đã phát biểu thẳng thắn, xác đáng và “đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, Chủ tịch nước tiếp thu để hoàn thiện báo cáo, rút kinh nghiệm điều hành”.
Ngán xử án hành chính Thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của chánh án TAND tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao tại tổ sáng 25-3, bên cạnh việc đề cập đến bức xúc của xã hội như tỉ lệ án phải hủy, sửa, oan sai còn khá nhiều nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với hai ngành này. Là người trong ngành, chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu cho biết: “Ở tỉnh tôi từ đầu năm đến nay tòa án đã phải thụ lý hơn 2.800 vụ án, có thẩm phán phải xử bốn vụ một ngày. Là thẩm phán, ai mà muốn bản án do mình xét xử bị sửa, hủy? Ngán ngẩm nhất là xử án hành chính, vì án hành chính là xử quan mà!”. Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) đề nghị phải chú ý chế độ chính sách đối với thẩm phán và kiểm sát viên nếu muốn họ đứng vững. “Lương thư ký tòa án được hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi đó lương tài xế các văn phòng luật sư cũng ngang ngửa như vậy, tình hình đó là không thể chấp nhận được” - ông Trừng nói. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng nhìn nhận “lương không đủ sống để họ độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Tân nói về việc “tòa án khó trở thành cơ quan độc lập trong quá trình tố tụng” chừng nào “tòa án còn (cơ cấu) theo cấp hành chính”. Trong khi đó, từng là bí thư huyện ủy ngồi nghe ba ngành báo cáo án (Công an, Viện KSND, TAND - NV), phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên Vũ Quang Hải khẳng định sinh mạng chính trị của cán bộ TAND, Viện KSND nằm trong tay cấp ủy các địa phương nên thẩm phán khó mà độc lập. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận