Toàn văn phát biểu của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn DũngToàn văn phát biểu của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng
Phóng to |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đang trình bày Báo cáo của Chính phủ về "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011" trước Quốc hội sáng 20-10 - Ảnh: Việt Dũng |
Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011". Theo đó, trong năm 2010, nền kinh tế vĩ mô đã có bước cải thiện. GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Khu vực nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, dịch vụ tăng 7,5%. Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 đạt khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII được tiến hành trong 32 ngày làm việc với tổng thời gian gần một tháng rưỡi, nhiều hơn so với kỳ họp trước 8 ngày làm việc. Kỳ họp có 46 phiên họp toàn thể; 13 phiên họp được truyền hình trực tiếp, chiếm 28% thời lượng các phiên họp toàn thể; 16 phiên họp tổ so với kỳ họp trước là 10 phiên họp. |
Năm 2010, có khoảng 85.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 500 nghìn tỷ đồng; bình quân đạt gần 6 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 125% so với năm 2009, góp phần quan trọng phát triển sản xuất kinh doanh và tạo thêm nhiều việc làm mới.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.
Chính sách tiền tệ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, cơ bản bảo đảm được các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm: tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 25%. Tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường; thực hiện điều hành lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận và theo hướng giảm dần; tăng cường giám sát bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Tính đến hết tháng 9-2010, thị trường chứng khoán đạt mức vốn hóa khoảng 31,6% GDP.
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước tăng 19,1%, gấp hơn 3 lần so với kế hoạch. Nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, tổng kim ngạch nhập khẩu ước tăng 16,5%. Nhập siêu cả năm khoảng 13,5 tỷ USD, dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn tỷ lệ nhập siêu năm 2009 và đạt chỉ tiêu đề ra.
Sản xuất kinh doanh phát triển, cân đối cung cầu được bảo đảm, cùng với các biện pháp tăng cường kiểm soát giá và chống đầu cơ, thị trường giá cả đã dần ổn định. Mức tăng giá tiêu dùng 9 tháng là 6,46%, dự báo cả năm giá tiêu dùng tăng khoảng 8%, tuy chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (không quá 7%) nhưng trong bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp, đây là một cố gắng lớn, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm.
Trong năm 2011 phấn đấu đạt mức cao hơn 2010. Các chỉ tiêu kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7 - 7,5% so với năm 2010; GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu là 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010. Giảm nhập siêu xuống dưới 20%.
Tổng thu ngân sách nhà nước 590,5 nghìn tỷ đồng; Tổng chi ngân sách nhà nước 725,6 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5,5%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP. Tăng giá tiêu dùng khoảng 7%.
Phóng to |
Khách mời quốc tế dự kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII - Ảnh: Việt Dũng |
Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ cũng nêu lên kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, báo cáo về tình hình hoạt động của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin)... Đây cũng là vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm, gửi gắm trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày trước Quốc hội sáng nay (20-10). Theo đó, cử tri cả nước kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ cũng như việc kiểm tra đánh giá hiệu quả về hoạt động kinh doanh của các tập đoàn nhà nước khác, ngoài Vinashin...
Trong phiên khai mạc buổi sáng 20-10, Quốc hội tiếp tục lắng nghe trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, thay mặt Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Vào chiều nay (20-10), Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011.
Phóng to |
Các vị lãnh đạo chúc mừng các nữ Đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc - Ảnh: Việt Dũng |
Lãnh đạo Đảng bắt tay Đại biểu Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng |
Lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ chào xã giao - Ảnh: Việt Dũng |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, kỳ họp này sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường tính công khai để thực sự là diễn đàn của nhân dân.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII tập trung vào các vấn đề sau đây: Xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, bổ sung ngân sách địa phương năm 2011. Trong kỳ họp này, Quốc hội thực hiện thảo luận và thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết, đó là: Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật thanh tra (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính; Luật viên chức; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật khoáng sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp. Cho ý kiến về 09 dự án luật: Luật kiểm toán độc lập; Luật khiếu nại; Luật tố cáo; Luật đo lường; Luật phòng, chống mua bán người; Luật lưu trữ; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Luật Thủ đô. Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Xem xét một số báo cáo kết quả giám sát do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ bảy; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011. Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ và các ngành Tòa án, Kiểm sát về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác thi hành án, đặc xá, phòng, ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh; các báo cáo về việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; về kết thúc thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất; về hoạt động của Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin); về cho nước ngoài thuê, liên doanh trồng rừng ở khu vực biên giới và một số báo cáo chuyên đề khác. Đồng thời, với kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội cũng góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận