20/08/2013 19:08 GMT+7

Thủ tục thuế doanh nghiệp trong nước phiền hà nhất

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Sáng 20-8, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cải cách hành chính trong thực hiện dự án đầu tư.

g1yI6LRw.jpgPhóng to

Người dân đến nộp hồ sơ thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.ĐẠM

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc VCCI, kết quả khảo sát 8.053 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.540 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố ở VN thì thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng là nhóm thủ tục được đánh giá phiền hà hàng đầu cho các nhà đầu tư.

Với câu hỏi các doanh nghiệp rằng doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính nào, trong lĩnh vực nào là phiền hà nhất, kết quả trong 3.870 lượt ý kiến trả lời trên 8.053 doanh nghiệp trong nước tham gia khảo sát thì: thủ tục xây dựng, bảo hiểm xã hội, thủ tục đăng ký doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục đất đai và thủ tục thuế là năm lĩnh vực mà các doanh nghiệp dân doanh thường gặp khó khăn nhất.

Trong đó, thủ tục thuế đứng đầu, tiếp theo lần lượt là đất đai, tài nguyên môi trường, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư; thủ tục bảo hiểm xã hội; thủ tục về xây dựng; giao thông vận tải; thủ tục cấp chứng chỉ phòng cháy chữa cháy, liên quan đến công an; thủ tục hải quan…

Tuy nhiên, kết quả khảo sát doanh nghiệp FDI lại cho kết quả khác. Thủ tục được xem là phiền hà nhất lại là thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp chứng nhận đầu tư. Tiếp theo là thủ tục thuế, thủ tục xây dựng, thủ tục đất đai, tài nguyên môi trường, hải quan, lao động - thương binh và xã hội…

Dù có khác biệt nhưng theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, cảm nhận của các doanh nghiệp dân doanh trong nước cũng như các doanh nghiệp FDI về các thủ tục hành chính ở VN là khá tương đồng. Những thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thuế, đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng, hải quan, bảo hiểm xã hội… là những “nút thắt” cần được đẩy mạnh cải cách trong thời gian tới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hầu hết doanh nghiệp vào VN, đều phải qua các thủ tục để thực hiện đầu tư dự án. Tuy nhiên, báo cáo của nhóm nghiên cứu VCCI nêu hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp mà VCCI tiến hành khảo sát lại khá phức tạp, đang bị chồng chéo, chia cắt, phân tán và kết quả bị suy giảm hiệu lực thi hành, làm cho hệ thống pháp luật đầu tư thiếu tính ổn định, minh bạch.

Qua rà soát, từ khi nhà đầu tư khi có ý định đầu tư cho đến khi xây dựng nhà máy, chỉ trong bốn lĩnh vực về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng đã thì riêng quy trình thủ tục hành chính đã chịu sự điều chỉnh của 5 bộ luật, 10 nghị định, 9 thông tư và một lượng lớn văn bản hướng dẫn cấp tỉnh đa dạng, phức tạp mà thường “khó có thể thống kê đầy đủ”. Qua thống kê, giai đoạn bước vào thị trường đầu tiên, doanh nghiệp đã phải thực hiện ít nhất 18 thủ tục hành chính con chính thức trong bốn lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng.

Về các quy định ưu đãi đầu tư của VN cũng chưa nhất quán và phù hợp thực tiễn. Theo nhóm nghiên cứu, ví dụ như Luật đầu tư đưa ra ưu đãi, thì sau đó lại có luật khác hạn chế, hoặc bãi bỏ. Như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và nghị định hướng dẫn đã bãi bỏ ưu đãi đối với dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, trừ các khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Điều này không thống nhất với quy định của Luật đầu tư, gây cho nhà đầu tư quan ngại về tính nhất quán, ổn định trong chính sách của VN. Hay Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã bãi bỏ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định mức ưu đãi cao nhất đối với các dự án đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế, xã hội đã có quy định trước đó.

Về kiến nghị, nhóm nghiên cứu của VCCI nêu hiện chưa có một quy trình thủ tục đầy đủ, thống nhất từ khi chuẩn bị đầu tư đến lúc vận hành dự án, vì vậy, VN cần sơ đồ hóa toàn bộ quy trình hiện nay và sử dụng phương pháp “máy xén” để bỏ bớt các bước, thao tác, cũng như để xây dựng “mô hình chuẩn”, từ đó sửa các văn bản pháp luật liên quan. Nếu không, sẽ vẫn có tình trạng nhà đầu tư khi thực hiện dự án không rõ thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau, do mỗi địa phương áp dụng một quy trình khác nhau.

Nhóm nghiên cứu của VCCI cũng đề xuất khá mạnh mẽ: nên áp dụng “một luật sửa nhiều luật” để cải cách thủ tục hành chính về đầu tư. Có thể ban hành các luật hoặc nghị định về “Bộ thủ tục hành chính” đối với một số lĩnh vực quan trọng liên quan nhiều đến doanh nghiệp và dân sinh. Ví dụ: Luật về trình tự và thủ tục đầu tư của doanh nghiệp, trong đó nêu các quy định khác trái với luật này đều bị bãi bỏ. Như vậy, VN sẽ có một bộ thủ tục hành chính hoàn thiện về đầu tư của doanh nghiệp.

18 thủ tục hành chính con trong bốn lĩnh vực mà doanh nghiệp phải thực hiện khi mới bước vào thị trường VN:

eU35UAcA.jpg

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên