06/09/2022 19:56 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công Thương: 'Việc rút phép xăng dầu sẽ áp dụng tại thời điểm phù hợp'

N.AN
N.AN

TTO - Việc rút giấy phép các doanh nghiệp xăng dầu sẽ được thực hiện theo quyết định của Thanh tra Bộ Công Thương, song Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xem xét để áp dụng biện pháp rút giấy phép ở thời điểm thích hợp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Việc rút phép xăng dầu sẽ áp dụng tại thời điểm phù hợp - Ảnh 1.

Ông Đỗ Thắng Hải thông tin về việc rút phép với các doanh nghiệp xăng dầu - Ảnh: THẾ SẢY

Chiều ngày 6-9, họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức với sự chủ trì của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Có thể chưa áp dụng rút phép

Trả lời thông tin về việc tước giấy phép của 5 doanh nghiệp, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương, cho hay ngày 15-2 Bộ Công Thương ban hành quyết định thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, nhằm kiên quyết xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối, tổng đại lý và đại lý.

Qua kết quả điều tra và giải trình của doanh nghiệp, ngày 31-8 chánh thanh tra đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 11 đơn vị đầu mối và các công ty con, với tổng số tiền phạt là trên 13 tỉ đồng.

Ngoài ra quyết định xử phạt còn áp dụng bổ sung hình phạt rút giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ở phía Nam. Lỗi vi phạm theo ông Hải là do không đáp ứng được điều kiện hệ thống phân phối theo quy định hiện hành.

"Chắc chắn 5 doanh nghiệp này khi đã được tước quyền theo điều 9 của nghị định 83, sẽ không còn 19 quyền lợi và quyền hạn, kể cả nhập khẩu xăng dầu, không được mua xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác" - ông Hải khẳng định cần phải thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thông tin thêm, ông Hải cho biết Bộ Công Thương đã có báo cáo tại phiên họp Chính phủ. Đồng thời, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã họp để trước mắt xử lý phạt hành chính. Đối với hình thức tước giấy phép sẽ vẫn áp dụng nhưng trong thời điểm phù hợp.

"Cần căn cứ vào 3 nguyên tắc xử lý là xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm pháp luật, song cũng phải lưu ý đến khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vừa qua. 

Thêm nữa, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi cũng đang xử lý và hy vọng cố gắng tìm được biện pháp phù hợp nhất, tốt nhất trong thời điểm hiện nay" - ông Hải thông tin.

Đảm bảo nguồn cung: "Chúng ta đã làm tốt"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Việt Nam là một trong những nước đảm bảo nguồn cung năng lượng, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu bị hạn chế, nhưng vẫn kiên quyết đảm bảo nguồn cung xăng dầu và vừa qua "đã làm tốt".

Với câu hỏi việc chi sử dụng quỹ bình ổn có gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp hay không, ông Hải cho biết liên bộ đã phối hợp chặt chẽ trong điều hành. 

Về quỹ bình ổn xăng dầu, ông Hải cho rằng việc sử dụng quỹ bình ổn là linh hoạt. Bởi khi cần thì trích và khi cần thì chi, nguồn quỹ "không mất đi đâu vì đấy đều là tiền của chúng ta". Trên thực tế, trong 8 kỳ khi giá xăng tăng cao thì quỹ đã chi liên tục, đã giúp bình ổn giá xăng dầu trong nước có mức giá thấp hơn so với giá thế giới.

Cũng trả lời về việc duy trì quỹ bình ổn giá liệu có thiệt thòi cho người tiêu dùng hay không, ông Nguyễn Đức Chi, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng đây là công cụ được sử dụng trong trường hợp giá xăng dầu tăng sốc hay giảm mạnh, để điều hòa giá xăng dầu trong thị trường trong nước.

Về việc xem xét bỏ quỹ bình ổn, ông Chi cho hay bộ đưa ra nhiều phương án khác nhau, trong đó có việc tiếp tục giữ quỹ hay không, thay đổi không giữ quỹ nữa… Theo đó, ông đề nghị các doanh nghiệp, chuyên gia, người dân đóng góp ý kiến để lựa chọn phương án về quỹ bình ổn giá xăng dầu mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế.

5 doanh nghiệp xăng dầu bị rút phép lớn cỡ nào, ảnh hưởng ra sao đến nguồn cung? 5 doanh nghiệp xăng dầu bị rút phép lớn cỡ nào, ảnh hưởng ra sao đến nguồn cung?

TTO - Mặc dù việc tước giấy phép là hình phạt bổ sung nhưng lại là đòn "giáng" nặng với doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng tới cung cầu thị trường xăng dầu trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp bị rút giấy phép có thị phần và quy mô lớn ở miền Nam.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên