Mười người trăm tính, chung sống riết quen, chẳng ai trách anh làm gì, để anh chơi một mình vậy!
Bất ngờ một bữa nọ anh tạt qua phòng y vụ, sờ vai tôi, rủ tôi ra ngoài hành lang, chỗ bệnh nhân ngồi chờ. Anh ấp a ấp úng:
- Má tôi thúc quá! Chị viết giùm tôi một bức thư, nói tôi đồng ý yêu cô ta và cưới cô ta làm vợ, biểu cô ta đừng nóng ruột, cha mẹ đặt đâu tôi ngồi đó, sáng mai chị đưa thư gấp cho tôi.
Ra đề tài nội dung bức thư xong, anh dúi cho tôi một gói kẹo sô-cô-la.
- Thôi đi! Ai biết mặt mũi ra sao? Mà sao phải cha mẹ đặt đâu anh ngồi đó. Anh có yêu cô ta không? - Tôi lên mặt và không giấu tự ái.
- Không yêu cô ta thì yêu ai? Ai cũng chê tôi. Chớ hồi đó tôi cũng có yêu, nhưng không thành nên bây giờ tôi chai luôn, chỉ nghĩ tới cha mẹ già.
- Thôi, để tôi viết, nhưng anh phải chép thành tuồng chữ của anh nhen!
Thư gởi em yêu của anh!
"Cây đa trước miễu ai biểu cây đa tàn
Bao nhiêu lá rụng anh thương nàng bấy nhiêu".
Từ bữa gặp em tới thăm má anh tới nay, nhớ em, anh ngồi đứng không yên, công việc bỏ phế, chỉ nhớ mình em. Hiện nay, anh đang có cha mẹ già, không thể nào sớm thăm tối viếng. Anh thấy em hiền lành chơn chất, rất xứng với anh. Vậy anh thề sẽ là người chồng tốt đặc biệt của em. Em không được từ chối.
Chồng tương lai của em.
Tôi xếp lá thư hình trái ấu, chua thêm mấy câu hát đưa em của má tôi:
Mần thơ trái ấu gởi thấu cho chim
Chim đưa cho gió, gió đưa cho nàng.
Sáng hôm sau đúng hẹn, lần đầu tiên tôi thấy mặt anh buồn so, anh nhét cái thư dưới máy đánh chữ và viết cho tôi: “Chị viết thư kỳ quá, xưa như trái đất, chị phải viết cho ướt át. Tôi nghe chị đọc báo cáo hàng tháng hay lắm. Bộ chị không muốn tôi có vợ hả?”.
Sao anh ta quạu đeo với tôi chớ? Nhưng rồi thấy anh khổ quá, tôi giác đát: “Ngày thường thấy anh sống khô khan, máy móc nên tôi viết cho giống tánh của anh. Muốn ướt át thì để tôi viết lại”. Ảnh cười, lại lo lót cho tôi hai trái chuối xiêm.
Đêm đó, vì bí và gấp quá, tôi soạn lại những bức thư tình mà tôi đã nhận được của mấy người yêu tôi. Tôi “sao y” một bức:
Em hằng mơ tưởng của anh!
Người ta không có ai khen em đẹp, nhưng những người chê em xấu đều mê mẩn em khi em nói chuyện và khi em cười. Khi cái miệng em cười thì đôi mắt em cũng cười; ngược lại khi môi em mím chặt, anh càng thấy đôi mắt em cười lên sáng trưng, và thổ lộ rất nhiều lời dịu dàng, đôn hậu.
Em hãy trả lời anh, đừng dè dặt, đừng nghi ngờ. Anh là người con hiếu thảo, là người chồng sẽ yêu em mãi mãi, sẽ chia sẻ với em mọi trắc trở, và sẽ là người cha có trách nhiệm với con cái. Anh mãi mãi là người đảng viên một lòng một dạ. Em sẽ tự hào về anh.
Chồng tương lai.
Anh nhận được bức thư tình “sao y” của tôi rồi vô cơ quan, anh tạt qua “đàn cò trắng” cười nói lí nhí, làm ai cũng lấy làm lạ, khen sáng nay tốt trời! Anh lại tạt qua phòng y vụ, đưa cho tôi một bọc bánh men.
Thời gian trôi qua không cản nổi. Sau chiến tranh, gặp lại anh bạn “khô như ngói”, giờ có vợ con đề huề, cha mẹ già vẫn sống thọ. Anh đã là giáo sư, vợ anh là bác sĩ, con cái dâu rể đi ra đi vô muốn chật nhà. Anh rủ tôi tới nhà anh ăn cơm. Anh cảm ơn tôi. Anh khoe vợ anh lâu lâu còn lấy “bức thư tình của anh gởi” ra đọc, lần nào cũng rưng rưng nước mắt, làm tôi nhớ chị quá trời!
Trở về, trong đêm chiếc bóng, tôi tiếc sao mình không mở văn phòng: “Tại đây có xào nấu thư tình giá rẻ mà hiệu quả”.
Tuổi Trẻ Cười Xuân hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận