17/05/2018 14:27 GMT+7

Thu phí hạ tầng ATM, ngân hàng lớn muốn, ngân hàng nhỏ lắc đầu

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Các ngân hàng (NH) gần đây hạn chế đầu tư mới máy ATM, trong khi quy định mới về thanh toán lại không thúc đẩy đầu tư mới máy ATM để giải quyết tình trạng quá tải tại nhiều thời điểm.

Thu phí hạ tầng ATM, ngân hàng lớn muốn, ngân hàng nhỏ lắc đầu - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng nhỏ đầu tư ít máy ATM e ngại nếu phải trả phí hạ tầng trong khi các ngân hàng lớn muốn tăng phí - Ảnh: XUÂN HƯNG

Nhiều NH hạn chế đầu tư thêm máy ATM do chi phí cao mà phí thu được khá thấp.

Ít đầu tư vì sợ lỗ

Theo thống kê của Hội Thẻ VN, trong năm 2017, 41 tổ chức phát hành thẻ chỉ đầu tư thêm 973 máy ATM. Trong đó đầu tư lớn nhất là Sacombank với 155 máy, Agribank lắp thêm 126 máy, VPBank thêm 97 máy. Khoảng 10 NH lắp thêm vài chục máy, còn lại, một vài NH chỉ tăng thêm 1-2 máy. Có 14 NH không lắp thêm máy ATM nào trong năm qua, trong số này có cả NH lớn như BIDV.

Lý do ngại đầu tư thêm máy, theo lý giải của các NH lớn là càng đầu tư càng lỗ. Cụ thể, trung bình 1 ATM mỗi tháng thực hiện từ 3.000 - 5.000 giao dịch.

Trong khi với giao dịch rút tiền nội mạng NH chỉ thu được phí 1.100 đồng/giao dịch, trường hợp rút tiền ngoại mạng phí là 3.300 đồng/giao dịch nhưng NH phải chia sẻ phí với tổ chức chuyển mạch nên mức phí thu được không nhiều.

Chưa kể, máy ATM càng nhiều thì gánh nặng khoản tiền "chết" trong máy ATM càng cao. Với NH có 2.000 máy ATM, mỗi máy ATM nạp 500 triệu đồng thì phải mất 1.000 tỉ đồng không sinh lãi. Những dịp lễ tết, nhu cầu rút tiền cao thì số tiền này còn lớn hơn, có khi ngang ngửa số tiền nhàn rỗi trong tài khoản của khách hàng.

Thu phí hạ tầng ATM, ngân hàng lớn muốn, ngân hàng nhỏ lắc đầu - Ảnh 2.

Phí hạ tầng ATM chưa hợp lý

Một trong những giải pháp là tăng phí các NH có thẻ thực hiện rút tiền cho NH có máy ATM. Cuối tuần qua, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) gửi văn bản đến các NH thông báo thay đổi mức phí chia sẻ giao dịch rút tiền ATM đối với tổ chức thành viên chỉ tham gia chiều phát hành thẻ.

Theo đó, mức phí chia sẻ mà tổ chức chỉ phát hành thẻ không có mạng lưới ATM sẽ tăng lên 8.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm thuế GTGT), áp dụng từ ngày 1-8-2018. Trong khi đó, với những đơn vị phát hành thẻ có máy ATM vẫn giữ nguyên như hiện tại.

Nhiều NH đánh giá đây là chính sách không hợp lý, bởi NH nào chỉ có một máy ATM cũng sẽ không chịu mức phí cao. Có nghĩa cơ chế trên chỉ nhắm vào các công ty tài chính.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Phượng, phó tổng giám đốc Agribank, cho biết theo ý kiến của các NH đưa ra trước đây, phí hạ tầng nên quy định theo hướng khách hàng rút tiền tại máy ATM của NH khác (ngoại mạng), chính NH phát hành thẻ phải trả phí cho NH thanh toán.

Còn chủ thẻ thì không bị tác động vì vẫn trả phí 3.300 đồng/giao dịch như lâu nay.

"Quy định như trên nhằm tạo lập cuộc chơi công bằng. Chứ nếu theo hướng của Napas đưa ra thì không toàn diện và rất dễ lách luật vì các tổ chức tín dụng có thể đầu tư một máy ATM để vô hiệu hóa quy định phí hạ tầng" - bà Phượng nói.

Bà Phượng cũng cho biết Agribank sẽ có văn bản có ý kiến về quy định trên vì hiện nay mức phí chia sẻ mà tổ chức chỉ phát hành thẻ không có mạng lưới ATM phải trả cho NH thanh toán là 2.000 đồng/giao dịch (chưa gồm VAT) được các NH cho là quá thấp, không đủ bù chi phí.

Theo đại diện VietinBank, nhiều NH phát hành thẻ tính toán và thấy chi phí để đầu tư cho một giao dịch rút tiền ATM quá lớn nên thà trả phí cho NH thanh toán và miễn phí cho người dùng thẻ chứ không đầu tư máy. Từ đó tạo nên gánh nặng cho các NH lớn vì thu không đủ chi.

Trong khi đó, với quy định mà Napas đưa ra sẽ không cải thiện được tình hình vì các NH nhỏ có lượng máy ATM ít ỏi trong khi lượng thẻ lớn vẫn không phải trả phí hạ tầng.

Tăng thêm phí để NH đầu tư máy ATM

Giám đốc trung tâm thẻ một NH cổ phần lớn tại Q.3 (TP.HCM) cho biết sẽ có văn bản góp ý theo hướng ủng hộ hướng khách hàng rút tiền tại máy ATM ngoại mạng thì NH phát hành thẻ phải trả phí cho NH thanh toán.

Đồng thời NH này sẽ kiến nghị nâng mức phí hạ tầng lên cao hơn, có thể là 10.000 đồng/giao dịch. Lý do, mức phí 8.000 đồng/giao dịch khá sát với giá vốn, không tạo động lực cho các NH đầu tư hệ thống, không khuyến khích phát triển mạng lưới ATM như mục tiêu mà Napas đưa ra khi quy định phí hạ tầng.

Thực tế, chỉ có công ty tài chính không có máy ATM, còn lại hầu hết NH đều có máy ATM.

Trong khi đó phía Napas cho biết do đến ngày 1-8 mới chính thức thu phí nên trong giai đoạn này, với vai trò là cơ quan điều phối chính sách Napas sẽ ghi nhận ý kiến góp ý từ phía các NH đến trước ngày 25-5.

Gần 4.000 thẻ/máy ATM

Theo số liệu mới nhất, VN hiện có 17.709 máy ATM, trong khi số thẻ toàn thị trường là 77 triệu thẻ.

Nếu trừ số thẻ tín dụng, còn khoảng 70 triệu thẻ ghi nợ nội địa (ATM) thường xuyên rút tiền để chi tiêu. Như vậy, tỉ lệ trung bình hiện khoảng 4.000 thẻ/máy ATM.

Bốn NH gốc quốc doanh là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đang dẫn đầu thị trường với tổng cộng 8.940 máy ATM.

Riêng Agribank có 2.626 máy và cũng là NH có số lượng máy ATM nhiều nhất thị trường. Về phía các NH cổ phần, Techcombank đứng đầu với 1.117 máy, xếp sau là Sacombank với 1.033 máy, Đông Á 959 máy.

Không đầu tư ATM, đơn vị phát hành thẻ phải trả thêm gấp 4 Không đầu tư ATM, đơn vị phát hành thẻ phải trả thêm gấp 4

TTO - Từ ngày 1-8, mức phí chia sẻ mà tổ chức chỉ phát hành thẻ nhưng không có mạng lưới ATM chấp nhận thanh toán phải trả sẽ tăng từ 2.000 lên 8.000 đồng/giao dịch (chưa gồm thuế giá trị gia tăng).

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên