10/07/2016 10:23 GMT+7

Thử nhìn khác về “quyền được chết”

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TTO - Thật ra vấn đề an tử hay còn gọi là “cái chết êm dịu” đã được tranh luận, thảo luận nhiều tại một số nước Hà Lan, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ, Canada... và hiện cũng có chưa đến mười nước cho phép thực hiện “cái chết êm dịu”.

Khi bàn đến chủ đề này, nhiều ý kiến biện minh rằng thực hiện quyền được chết là một hành động nhân đạo, hoặc cho rằng được chết cũng là một cái quyền của con người giống quyền được sống vậy.

Thế nhưng có nhiều phân tích và ngay cả giới bác sĩ đã chứng minh rằng sự thật đằng sau việc thực thi “cái chết êm dịu” là một chính sách dựa trên nền tảng kinh tế hơn là về quyền con người hoặc nền tảng nhân đạo.

Việc thực thi "cái chết êm dịu" giúp các chính phủ tiết kiệm rất nhiều ngân sách chăm sóc y tế, sức khỏe người dân bởi chỉ cần tiêm một mũi thuốc khoảng 10 đôla hoặc rút ống thở... là giúp người bệnh ra đi thanh thản. Điều này có nghĩa chi phí sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với hàng tỉ đôla mà chính phủ phải chi cho việc chăm sóc sức khỏe hay chăm sóc y tế cho người bệnh.

Theo số liệu tham khảo từ bác sĩ người Canada Paul Lefort, có đến 80% bệnh nhân ở nước này không tiếp cận được các dịch vụ “điều trị tạm thời”, tức loại điều trị không nhằm giúp khỏi bệnh mà là nhằm làm thuyên giảm sự đau đớn của người bệnh về thể xác cũng như tinh thần do họ không có tiền hoặc do nhà nước không cấp kinh phí để thực hiện việc chữa trị (Nguồn: http://www.aleteia.org/fr/sante/actualites/quebec-leuthanasie-cest-economique-5954002).

Trong khi đó, giáo sư luật và chính trị học thuộc Đại học Paris 2 Jean-Claude Martinez làm một phép tính đơn giản: điều trị tăng cường một bệnh nhân nặng tốn khoảng 5.000 euro/ngày, nếu kéo dài cuộc sống được mười ngày thì chi phí sẽ là 50.000 và nhân lên cho khoảng 200.000 bệnh nhân nặng thì tốn khoảng 10 tỉ euro và điều này làm chính phủ khó cân đối ngân sách.

Như vậy, đặt trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm cộng với tỉ lệ thâm hụt ngân sách có xu hướng tăng, chính sách thắt lưng buộc bụng cùng với đó là tỉ lệ người già ngày nhiều hơn trong cơ cấu dân số bị xem là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Việc thực thi chính sách an tử, dù được mệnh danh là “chết trong phẩm giá” thật ra là nhằm làm cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng chi trả cho các dịch vụ điều trị tạm thời được chết nhanh hơn nhằm làm giảm gánh nặng về kinh tế cho nhà nước.

Chính vì vậy giáo sư Jean-Claude Martinez gọi cái chết êm dịu là “giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” vì nó là biểu hiện của sự thoái thác của nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Do vậy theo chúng tôi, việc thực hiện hay không thực hiện chính sách “cái chết êm dịu” tại VN cần được thảo luận một cách rộng rãi hơn và cần những lập luận rõ ràng hơn vì quyền sống của con người.

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên