Phóng to |
Một lớp học của Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) - Ảnh: MINH ĐỨC |
Trên đây là một trong số những câu hỏi nóng bỏng được đoàn giám sát của Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra tại buổi làm việc với UBND TP.HCM sáng 9-5 về giải quyết kiến nghị của cử tri.
“Tự nguyện” đóng nhiều khoản?
"Vấn đề học phí ở TP.HCM khiến tôi băn khoăn từ lâu lắm. Mức học phí như hiện nay đã quá lỗi thời. Một khi chính sách không còn hợp lý thì người ta tìm cách đối phó. Mà khả năng đối phó này thiên về hướng tiêu cực nhiều hơn. Thực tế là các trường đã đặt ra vô số khoản thu ngoài quy định để đối phó với tình trạng trên khiến dư luận không hài lòng. Khổ nỗi những trường một mực trung thực lại gặp khó khăn, còn những trường biết “lách” một chút lại dễ chịu hơn. Nên hiểu rằng ghìm học phí tức là ghìm thu nhập của giáo viên" |
Về các khoản đóng góp khác của phụ huynh, theo Sở GD-ĐT TP, hằng năm ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với kế hoạch năm học của nhà trường, trong đó có các khoản đóng góp tự nguyện để thực hiện công trình của phụ huynh phục vụ dạy và học. Ngoài ra, phụ huynh còn thỏa thuận đóng góp một số chi phí trang trải cho nhu cầu của học sinh như nước uống, vệ sinh...
Sở GD-ĐT TP khẳng định thường vào đầu năm học, sở đều có lập đoàn thanh tra về các khoản thu chi của các trường. Kết quả ba năm (2008-2010) cho thấy các trường đã thực hiện nghiêm túc các khoản thu theo quy định của ngành về nội dung thu cũng như mức thu. Riêng các khoản đóng góp tự nguyện, sở khẳng định đa số đều có ý kiến nhất trí của phụ huynh và công khai tài chính khi tổ chức thực hiện.
Nghe đến đây, ông Trần Thế Vượng - ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trưởng Ban Dân nguyện - hỏi: “Báo cáo của sở khẳng định đã thực hiện nghiêm túc các khoản thu theo quy định của ngành, vậy TP.HCM thực hiện theo quy định của ngành, không cần biết quy định của Quốc hội, Chính phủ?”. Ông Vượng nói thêm: “Nhiều nơi cứ than học phí thu ở mức thấp, không đủ bù đắp chi phí, viện phí cũng than như vậy, giá điện cũng thế..., nhưng điều quan trọng cần nghĩ đến là thu nhập và đời sống người dân hiện nay ra sao”.
Chưa tăng học phí trong năm 2011
Tại buổi làm việc, ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết sau khi Chính phủ ra nghị định 49 về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí, Sở GD-ĐT TP đã tham mưu cho UBND TP về mức học phí mới, dự kiến thực hiện từ học kỳ 2 năm học 2010-2011. Tuy nhiên trước tình hình giá cả tăng cao, UBND TP thống nhất chưa trình HĐND mức học phí mới.
Ông Thuận nói: “Không tăng học phí nhưng các trường vẫn còn “khe” để vận dụng. Ngoài các đối tượng học sinh thuộc diện khó khăn được miễn giảm học phí, các đối tượng học sinh còn lại sẽ được thỏa thuận về mức đóng góp. Tôi lấy ví dụ: phụ huynh muốn cho con em mình sử dụng máy lạnh thì tự nguyện đóng tiền để trang bị máy lạnh. Những dạng như vậy nhà trường được phép huy động và được phép thu theo sự tự nguyện của phụ huynh học sinh”. Ông còn cho biết: “Tôi được phân công phụ trách giáo dục hai năm rồi nhưng không thấy đơn thư kiện tụng gì về việc này. Tuy nhiên phụ huynh có phát sinh tâm tư so sánh giữa trường giàu và trường nghèo, trường có điều kiện giảng dạy tốt và ngược lại”.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Kim Thanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP - bổ sung: ngoài sự đầu tư cho giáo dục TP chiếm hơn 20% ngân sách mỗi năm, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục một cách hiệu quả đã giúp ngành giáo dục TP phát triển được như ngày hôm nay. “Chúng tôi đã tiếp các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm của 63 tỉnh thành và các đoàn khách quốc tế. Rất nhiều người trong số họ ngạc nhiên về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở TP.HCM. Vì vậy mà TP đạt được các tiêu chí đứng đầu cả nước theo đánh giá của Bộ GD-ĐT. Ngoài học phí, các trường của TP còn thu các khoản như tiền nước uống, nha học đường, phụ đạo tăng tiết, ngoại khóa, vệ sinh phí, in đề kiểm tra, giấy thi, hội phụ huynh hằng tháng... Các khoản thu này là thực hiện cho sự phát triển của học sinh trong nhà trường và được phụ huynh đồng ý” - bà Thanh nói.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Trần Thế Vượng nhấn mạnh Luật giáo dục quy định rõ, nhất là điều 105 (không có khoản thu nào khác ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh), nhưng TP.HCM vẫn áp dụng một số quy định cũ về các khoản thu (chẳng hạn như thu cơ sở vật chất) và thu nhiều khoản khác. “Vấn đề này nên nhìn nhận như thế nào?” - ông Vượng hỏi, đồng thời nêu rõ quan điểm như vậy là không được, dù TP.HCM khẳng định nhiều khoản thu là cần thiết. Ông Vượng nói nếu thấy luật chưa phù hợp thì kiến nghị và cần thiết phải sửa, còn khi chưa đề cập gì thì điều quan trọng nhất là phải tôn trọng luật.
Kiến nghị tăng mức cho vay đối với người nghèo Tại buổi giám sát, Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dành thời gian để làm rõ một số vấn đề xoay quanh phản ảnh của cử tri là người nghèo khó tiếp cận vốn vay. Tại đây, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM kiến nghị Thủ tướng quy định mức cho vay tối đa của chương trình vay vốn giải quyết việc làm lên 30 triệu đồng/lao động, thay vì mức hiện nay là 20 triệu đồng/lao động. Tương tự, mức cho vay đối với người xuất khẩu lao động được kiến nghị tăng lên 50 triệu đồng/lao động xuất khẩu (hiện nay mức này là 30 triệu đồng). Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét các chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho người xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà trọ cho công nhân, sinh viên thuê. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM, bình quân năm cho vay khoảng 786 tỉ đồng cho hơn 46.000 hộ nghèo. Khi vay vốn, người nghèo không phải thế chấp tài sản... Lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội TP cho biết thêm ngoài nguồn vốn cho người nghèo vay như vừa nêu, ở TP.HCM còn có Quỹ xóa đói giảm nghèo và một số loại quỹ khác cũng hỗ trợ vốn cho người nghèo, có thể giải quyết cho hàng chục nghìn hộ có nhu cầu vốn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận