15/11/2012 08:43 GMT+7

Thư ngỏ gửi ông bộ trưởng Bộ Nội vụ

T.C.
T.C.

TT - Năm ngoái, chứng kiến bữa ăn chỉ có cơm trắng và canh loãng của các cháu học sinh trong khu nội trú dân nuôi tại một trường ở xã vùng cao Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái, tôi và vài người bạn rủ nhau góp tiền gửi lên hằng tháng để mua thêm thức ăn, mong sao mỗi bữa ăn mỗi cháu có thêm một, hai miếng thịt.

qiEJZUcC.jpgPhóng to
Một tờ rơi giới thiệu dự án “Cơm có thịt” ở Mỹ do sinh viên thực hiện

5.841 học sinh được ăn cơm có thịt

Bắt đầu từ bài viết “Hôm nay lên Suối Giàng”, đăng ngày 18-10-2011 trên blog của ông Trần Đăng Tuấn (nguyên phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam), dự án “Cơm có thịt” đã được lập ra để giúp trẻ em các trường mầm non vùng cao không phải triền miên ăn những bữa cơm chỉ với muối và canh loãng.

Đến nay đã có 5.841 học sinh ở 46 trường thuộc các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 5,4 tỉ đồng.

Chúng tôi có viết về chuyện đó trên các blog cá nhân của mình, khi đó không phải là kêu gọi ủng hộ mà chỉ là những dòng tâm sự. Nhưng rồi hàng trăm người đã qua mạng thúc giục lập ra một địa chỉ để cùng chung tay “gắp thịt” vào bát cơm cho các bé học sinh vùng cao, và rồi chúng tôi tạm lập một tài khoản để nhận và chuyển những đóng góp đó lên các trường thuộc các khu vực khó khăn nhất ở Tây Bắc.

Sau một thời gian, rất nhiều bạn chưa từng quen biết đã đăng ký ủng hộ thường xuyên hằng tháng. Và chúng tôi cũng quyết tâm sẽ theo đuổi dự án “Cơm có thịt cho học sinh vùng cao” dài hơi hơn. Do đó đã lập hồ sơ xin thành lập quỹ từ thiện “Cơm có thịt” gửi Bộ Nội vụ vào cuối tháng 5-2012. Trong những ngày đầu, người đại diện cho tôi và nhóm sáng lập viên được chuyên viên của bộ hướng dẫn bổ sung vào hồ sơ. Sau đó mỗi khi liên lạc hỏi kết quả, chuyên viên đó đều nói rằng sẽ trình khi lãnh đạo đi công tác về.

Cuối tháng 10-2012, tức là tròn năm tháng sau khi nộp hồ sơ, sốt ruột quá, qua điện thoại tôi đã đề nghị chuyên viên thụ lý hồ sơ giải thích tại sao hồ sơ chưa được xem xét và không có một thông báo văn bản nào về kết quả xem xét. Theo chuyên viên này thì chẳng có vướng mắc gì, chẳng qua lãnh đạo đi công tác suốt nên chưa trình được. Cũng có một điều nữa là chuyên viên có vẻ không thích cái tên quỹ “Cơm có thịt”.

Có vậy thôi mà năm tháng trôi qua không có một hồi âm, dù chúng tôi hàng chục lần hỏi. Nghị định 30/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 ghi rõ thời gian tối đa để trả lời chấp nhận hay không chấp nhận hồ sơ xin phép lập quỹ xã hội - từ thiện là 45 ngày.

Tôi sẽ không nói gì về chuyện có hay không có việc lãnh đạo vụ và bộ bận đến mức suốt năm tháng chỉ có đi hết chuyến công tác này đến chuyến khác, đến mức chuyên viên chẳng thể trình được hồ sơ. Chuyện đó ông bộ trưởng biết hơn tôi. Còn về chuyện thứ hai là cái tên quỹ “Cơm có thịt”, dù chưa nhận được đề nghị bằng văn bản nào từ quý bộ đề nghị giải trình, tôi cũng xin giải thích: Nhóm tham gia từ đầu của hoạt động này chủ yếu là những nhà văn, nhà báo. Họ chắc không thiếu chữ nghĩa để đưa ra những cái tên sang trọng. Nhưng rồi chúng tôi đã quyết định để nguyên cái tên ban đầu đó, vì hai lẽ: Một là, nó đúng là mục tiêu, nguyện vọng mà chúng tôi muốn góp phần nhỏ bé để hiện thực hóa nó trong cuộc sống học sinh nội trú vùng cao. Hai là: nhiều ngàn người góp tiền cho hoạt động này đã chẳng thấy cái tên ấy có gì không hay, không tốt. Hiện nay không chỉ trong nước mà sinh viên Việt Nam ở nhiều nước, bắt đầu từ Úc, cho đến Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Singapore... đang gọi nhau đến với “Cơm có thịt”, và chưa thấy ai không hài lòng với cái tên đó. Khi cái tên (dẫu hay, dẫu chưa hay) nhiều người ủng hộ đã biết, việc thay đổi sẽ không tốt cho hiệu quả hoạt động.

Tôi viết thư ngỏ này không nhằm mục đích đề nghị ông bộ trưởng đôn đốc việc cấp phép cho quỹ “Cơm có thịt”. Bộ trưởng dẫu có đích thân làm thay nhân viên thì cũng chỉ được một vài lần. Chúng tôi sẽ có cách làm phù hợp luật pháp để tiếp tục giúp các em vùng cao mà không cần thành lập quỹ như nhiều, rất nhiều người Việt Nam đang làm. Tôi viết thư này là mong bộ trưởng bỏ thời gian để xem xét hai việc.

Thứ nhất, mong bộ trưởng cho rà soát lại có bao nhiêu hồ sơ đề nghị thành lập quỹ xã hội - từ thiện còn đang nằm tắc đâu đó ở bộ. Nguyên do ở đâu, có phải là sự chậm trễ quan liêu đơn thuần, hay có sự e ngại nào với việc quản lý hoạt động thiện nguyện?

Thứ hai: trước khi làm hồ sơ xin cấp phép thành lập quỹ, chúng tôi đã vất vả để tìm cách có nguồn tiền ở mức 2 tỉ đồng để sau này được Bộ Nội vụ công nhận có đủ điều kiện hoạt động. Nhưng sau khi chúng tôi nộp hồ sơ, theo quy định mới mức tiền mà quỹ nhất định phải có từ ban đầu đã cao hơn gấp vài lần (theo nghị định 30/2012-NĐ/CP đã nói ở trên là 5 tỉ đồng trở lên). Quy định này tất nhiên xuất phát từ những điều hợp lý, nhưng không phải cho mọi trường hợp. Thành lập quỹ không phải lúc nào cũng là người hay đơn vị nhiều tiền. Quan trọng là quỹ có vận động được nhiều người ủng hộ không. Nếu cứ phải có nhiều tiền mới lập được quỹ thì mới chỉ là “Lá lành đùm lá rách”. Thậm chí không phải lá lành, mà lá rất lớn mới được quyền đùm lá rách. Nhưng chúng ta chẳng vẫn thường hay nói tiếp nữa là: “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” đó sao.

Đây là quy định của Chính phủ, nhưng ta đều biết các nghị định dẫu do Thủ tướng hay Phó thủ tướng ký đều được soạn thảo và đề xuất từ các bộ, ngành. Hi vọng ông bộ trưởng nghiên cứu và nếu thấy điều kiện mức tiền góp để được lập quỹ từ thiện có cái chưa hợp lý, ông hãy tham mưu, đề xuất sửa đổi cho hợp lý hơn.

Chúc ông bộ trưởng sức khỏe.

Trân trọng.

Cậu chủ quán trước cửa trường, sau mới biết rằng có vợ là giáo viên, cho biết: Trường tiểu học có 80 đứa nội trú. Phải có từ 100 đứa nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi tuần 2kg và 5.000 đồng tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ lục vấn mãi: Sao lại 5.000 đồng thì chúng nó ăn uống kiểu gì? Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế... (trích).

Trong bếp ngoài nồi cơm đang nấu, một nồi nữa chắc để nấu canh, còn thì chẳng có đồ đạc gì cả.

Hỏi: 80 đứa chỉ ăn cái nồi cơm này đủ à? Bác người Mông nói: Nồi to lắm đấy, 13-14 cân gạo mới đầy đấy. Lại hỏi: Thế ăn cơm với cái gì? - Với canh rau... Bây giờ mới nhìn ra chỗ tôi tối có mấy bó rau cải bé tẹo, mà lại đã úa vàng một nửa. Không hiểu canh nấu với gì, vì mắm muối giấu ở đâu chứ không có trong bếp. Hỏi: Sao ít rau thế? - Ừ, không đủ đâu, phải mua thêm nữa đấy. Thế có thịt cá ăn bao giờ không? - Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mua cho ăn một bữa có thịt...

(Trích bài “Hôm nay lên Suối Giàng” 18-10-2011- blog Trần Đăng Tuấn)

Lãnh đạo Bộ Nội vụ chưa tiếp cận hồ sơ

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định lãnh đạo Bộ Nội vụ chưa tiếp cận hồ sơ xin thành lập quỹ từ thiện “Cơm có thịt”.

* Theo phản ảnh của ông Trần Đăng Tuấn thì chuyên viên giải quyết hồ sơ nói rằng do lãnh đạo bộ bận quá nên chưa trình lên được?

- Không phải như vậy. Nếu trình lên thì bất cứ lúc nào chúng tôi cũng xem xét. Có thể là đang trong quá trình trao đổi, thống nhất với nhau. Ví dụ như thủ tục có khi nghiên cứu không đầy đủ cho nên phải trao đi đổi lại. Thông thường, chuyên viên trực tiếp làm việc gần hoàn chỉnh các vấn đề có liên quan với ban sáng lập rồi mới báo cáo lên lãnh đạo phê duyệt.

* Thưa ông, việc thành lập một quỹ từ thiện có khó không?

- Quy trình lập quỹ như vậy không khó nếu chuẩn bị đầy đủ theo pháp luật. Trong việc thành lập các hội, các quỹ có vấn đề là điều lệ hoạt động thường phải làm đi làm lại. Ví dụ như hội thì còn chờ đại hội, còn đối với quỹ khi ra quyết định thành lập đồng thời công nhận điều lệ luôn, cho nên điều lệ phải được hoàn chỉnh kỹ lưỡng.

* Ông Trần Đăng Tuấn băn khoăn xung quanh vấn đề thời gian tối đa để trả lời chấp nhận hay không chấp nhận hồ sơ xin phép lập quỹ xã hội - từ thiện là 45 ngày, mà nay đã năm tháng chưa có hồi âm?

- Có thể là các vụ chuyên môn xem hồ sơ xong lại chuyển cho các anh điều chỉnh. Các vụ chuyên môn làm xong thì mới trình chúng tôi để ký hay không ký. Về thủ tục, đặc biệt là điều lệ, nếu chưa hoàn thiện thì phải trao đi đổi lại.

* Theo quy định hiện nay, mức tiền mà các quỹ nhất định phải có từ ban đầu (các sáng lập viên phải góp) là từ 5 tỉ đồng trở lên, như vậy liệu có quá nhiều cho hoạt động từ thiện đôi khi là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”?

- Nghị định trước đây quy định là 2 tỉ đồng, nhưng nghị định mới điều chỉnh lên 5 tỉ đồng, và không chỉ điều chỉnh về tiền mà còn một số vấn đề khác. Quỹ từ thiện cũng phải đảm bảo các nguyên tắc pháp luật và còn phải chặt hơn vì liên quan nhiều đến kinh tế, vì sau này ngoài tiền đóng góp ban đầu thì các nhà lập quỹ còn có thể có những hoạt động như vận động, quyên góp cả xã hội. Một số vấn đề khác, ví dụ liên quan đến tên quỹ, đều được quy định cụ thể trong nghị định 30.

T.C.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên