Điểm chung của các vụ án này là tình trạng sử dụng các vật dụng sinh hoạt, phương tiện nguy hiểm như dao, gậy, côn nhị khúc... thậm chí công cụ hỗ trợ, vũ khí để gây án.
Có cần thủ hung khí?
Phân tích về thực trạng trên, TS tâm lý Đinh Phương Duy cho rằng nhu cầu tự vệ, phòng thân là nhu cầu tự nhiên của mỗi người. Tuy nhiên tự vệ, phòng thân bằng phương tiện gì, cách thức có phù hợp với chuẩn mực xã hội hay không thì phụ thuộc vào các yếu tố.
Trước hết là sự giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội còn khiếm khuyết trong việc giáo dục cho học sinh, người trẻ về các giá trị đạo đức, sống nhân ái, hành xử nhân văn.
Bên cạnh đó, việc rèn luyện cho các bạn trẻ về bản lĩnh sống, bản lĩnh xử lý các vấn đề khi gặp mâu thuẫn, kỹ năng phòng vệ chính đáng theo chuẩn mực... cũng chưa tốt.
Tiếp đến, cơ chế bảo vệ sự an toàn, lành mạnh cho đời sống của mọi người trong xã hội chưa đảm bảo cũng là nguyên nhân dẫn đến việc duy trì tâm lý phải tự vệ bằng các phương tiện, hung khí.
Chẳng hạn tình trạng bắt nạt trong học đường mà nhà trường không kịp can thiệp, bắt nạt, tệ nạn ngoài xã hội nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật chậm giải quyết, giải quyết không hiệu quả, không nghiêm. Thêm vào đó là tác động từ sự bất ổn của xã hội, game và phim ảnh bạo lực.
"Loại trừ trường hợp các đối tượng hình sự sử dụng hung khí để sẵn sàng gây án thì với các tình huống kể trên có thể dẫn đến tâm lý cất giữ vật dụng nguy hiểm để phòng thân. Khi bột phát sử dụng để giải quyết mâu thuẫn thì dẫn đến hậu quả đáng tiếc về tính mạng, sức khỏe các bên và đối diện sự trừng phạt của pháp luật...", ông Duy phân tích.
Đồng tình, luật sư Hà Hải - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cũng cho rằng một bộ phận người trẻ thiếu nhận thức về pháp luật, về hậu quả có thể gây ra mà chỉ nghĩ đơn giản là sử dụng phương tiện nguy hiểm để phòng thân.
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân là lực lượng thực thi công vụ, bảo vệ pháp luật đã chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của họ khiến nhiều người trẻ giảm sút niềm tin vào cơ chế bảo vệ của pháp luật.
Cần hành xử theo chuẩn mực pháp luật
Từ thực trạng trên, theo TS Đinh Phương Duy, trong xã hội có nhiều chuẩn mực, trong đó chuẩn mực pháp luật là rất quan trọng. Vì vậy nếu ý thức thượng tôn pháp luật, hành xử theo chuẩn mực thì không còn cần phải dùng đến các phương tiện nguy hiểm, hung khí để phòng thân.
"Muốn như vậy thì lực lượng thực thi pháp luật phải nghiêm, đủ sức bảo vệ người dân. Nếu xã hội còn bất ổn, bạo lực, cướp giật, bắt nạt tràn lan... thì rất khó để người dân an tâm và nạn thủ sẵn hung khí khó dừng lại", TS Duy góp ý.
Luật sư Hà Hải cũng cho rằng đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần nâng cao nhận thức về hành xử theo quy định pháp luật.
"Thay vì rút hung khí phòng thân ra giải quyết một cách bản năng thì mỗi người cần kiềm chế và nghĩ ngay đến việc lựa chọn cơ chế bảo vệ phù hợp theo quy định như trình báo đến cơ quan công an. Hãy để con dao chỉ là vật dụng sinh hoạt chứ không trở thành hung khí", luật sư Hà Hải góp ý.
Theo luật sư Hà Hải, một khi bốc đồng rồi giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí, tùy theo hậu quả có thể bị xử lý hình sự về các tội danh như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Trong đó khung hình phạt cao nhất có thể gặp phải là tử hình đối với tội giết người.
Còn về hành vi tàng trữ, sử dụng các phương tiện, hung khí để phòng thân, tùy vào chủng loại người tàng trữ, sử dụng có thể bị xử phạt hành chính về hành vi "sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả" theo nghị định 144/2021.
Người sử dụng còn có thể bị xử lý về tội danh như: tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Xích mích là nghĩ đến... hung khí
Tình trạng va quẹt trên đường, mâu thuẫn bột phát thì các bên lại dùng hung khí để giải quyết là khá phổ biến:
q Mới đây (21h ngày 4-10), anh C.V.T. (ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TP.HCM) sau khi đi ăn cùng ba người bạn đã đi trên xe mô tô về lại nhà trọ. Khi đi trên đường số 14 (khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú B) xe của bạn anh C.V.T. có né nắp cống thì bị tài xế xe công nghệ từ phía sau chửi và vượt lên cầm vật nhọn tấn công.
Anh C.V.T. dừng lại hỏi chuyện thì bất ngờ bị tài xế rút vật nhọn đâm thấu ngực trái. Công an TP Thủ Đức đang truy tìm tài xế xe công nghệ.
Ngày 31-8, Công an quận 11 (TP.HCM) truy xét nhóm thanh niên dùng dao chém ba người bị thương do mâu thuẫn khi "giật cô hồn" trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16, quận 11.
q Ngày 22-5, Công an quận 11 (TP.HCM) bắt giữ ba thanh niên do mâu thuẫn cầm hung khí ẩu đả với nhóm người khác tại đám cưới ở nhà hàng Đầm Sen Water Park...
Ngoài những tình huống đã gây ra hậu quả như trên, không ít các ghi nhận khác có hành vi dùng hung khí đe dọa người khác và hậu quả rất khó đoán nếu một bên không "hạ hỏa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận