Phóng to |
Theo hướng dẫn mới của Bộ Tài chính về cách tính thuế thu nhập cá nhân, sẽ có nhiều người bị loại khỏi diện miễn thuế. Trong ảnh: hướng dẫn thủ tục về thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Tôi là một giáo viên dạy văn, vì thế bạn bè bèn bắt tôi cắt nghĩa “khoan sức dân” là gì? Tôi trả lời thế này: Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, khoan (danh từ) là một dụng cụ để tạo lỗ bằng cách xoáy sâu vào.
Khoan còn là động từ, có nghĩa là dùng khoan xoáy sâu vào tạo thành lỗ; hoặc “Thong thả đừng vội, đừng thực hiện ngay việc định làm”. Còn trong Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh, khoan có nghĩa rộng rãi, độ lượng. Còn theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong di chúc của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã nhấn mạnh “khoan thư sức dân”. Nhà cầm quyền thời bình, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải lo cho đời sống của dân, cấm kỵ nhất là làm cho dân thêm khổ cực. Vì vậy, nếu học theo tiền nhân để nói, chính xác thì phải là “khoan thư sức dân” chứ không phải “khoan sức dân”. Nói ngắn gọn thế, không khéo lại bị xuyên tạc thành “khoan thủng sức dân”!
Đấy là cuộc chuyện trò của chúng tôi ngoài xã hội, còn khi về nhà, cởi bỏ chiếc áo dài ra thì chúng tôi thành những bà nội trợ bận bịu, lo lắng vì mâm cơm gia đình; vì tiền ăn tiền học, tiền sữa, tiền điện nước cùng vô vàn các thứ tiền khác. Tôi nghĩ có lẽ bà thứ trưởng cũng giống chúng tôi, sau giờ làm việc về nhà thì cũng là một bà nội trợ. Nhưng bà nội trợ thứ trưởng giỏi hơn chúng tôi ở chỗ: bà khẳng định rằng với mức giảm trừ gia cảnh 6 triệu đồng/tháng cho người thu nhập chính và 2,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc vào năm 2014 là đã khoan thư sức dân (nói cho chính xác là phải có chữ “thư”), nghĩa rằng với chừng đó là đủ sống.
Thưa bà, chúng tôi không đợi tới năm 2014 mà áp dụng ngay từ bây giờ cũng đã thấy số tiền đó không đủ. Tôi xin dẫn chứng chuyện nhà: hai đứa con của tôi, một học mẫu giáo và một học cấp II. Cả hai cháu đều học trường công lập chứ không phải trường tư hay trường quốc tế. Mỗi tháng chúng tôi đóng cho hai cháu là 1,7 triệu đồng. Con bé học mẫu giáo đóng 900.000 đồng, được ăn bữa sáng và bữa trưa. Thằng anh đóng 800.000 đồng được vỏn vẹn bữa trưa.
Hiệu trưởng trường thằng bé của tôi học vẫn than thở:”Một bữa ăn năm ngoái trị giá 25.000 đồng phong phú hơn hẳn bữa ăn thu 30.000 đồng của năm nay, nhưng không dám tăng thêm vì phụ huynh than quá”. Lấy theo mức cơ bản của nhà trường, tôi còn lo cho hai đứa chúng nó hai phần ăn chiều (2x30.000 đồng = 60.000 đồng) và một phần ăn sáng cho thằng anh (một ổ bánh mì 15.000 đồng) trong 22 ngày (tổng cộng 1,65 triệu đồng). Chưa kể chúng nó còn đến tám ngày nghỉ cuối tuần tôi phải lo đủ ba bữa với tổng cộng 1,2 triệu đồng (75.000 đồng x 8 ngày x 2 đứa). Như vậy với những khoản tôi vừa nêu, nó đã ngốn hết ngân quỹ của chúng tôi đến 4,55 triệu đồng.
Thưa bà, theo mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đưa ra, hai cháu nó chỉ được phép sống với 4,8 triệu đồng; như vậy tôi còn có 250.000 đồng, làm sao lo cho hai cháu uống thêm sữa, may áo quần, mua sách vở...? Và đó là chúng nó không được phép bệnh đấy!
Đọc xong bài phỏng vấn bà trên Tuổi Trẻ, chúng tôi đâm lo vì biết đâu mình và các bạn bè là những bà nội trợ kém, vụng tính? Vì vậy, rất mong được bà - với tư cách là đồng nghiệp nội trợ với nhau - bằng kinh nghiệm của mình, hãy chỉ cho chúng tôi biết làm thế nào để chi tiêu đủ cho hai đứa con với 4,8 triệu đồng/tháng ở năm 2012 này chứ khoan nói đến năm 2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận