29/09/2015 19:46 GMT+7

Mua hóa đơn khống, chiếm đoạt 110 tỉ đồng tiền hoàn thuế

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Trong hai ngày 28 và 29-9, TAND tỉnh Kiên Giang đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo, chiếm đoạt 110 tỉ đồng tiền hoàn thuế.

Các bị cáo nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án - Ảnh: K.Nam

Tám người bị đưa ra xét xử gồm Trần Hữu Thọ, Trần Thị Mỹ Chi, Võ Thanh Tuyến (cùng ngụ xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành), Huỳnh Văn Trong (ngụ thị xã Hà Tiên, Kiên Giang), Lâm Tuấn Phát, Phạm Thị Thanh Thủy (ngụ quận 6, TP.HCM), Võ Phê Rô (ngụ tỉnh Đồng Tháp) và Lưu Văn Toàn Thắng (ngụ tỉnh An Giang).

“Làm ăn” theo… phong trào

Trước tòa, bị cáo Trần Hữu Thọ khai nhận khoảng tháng 6-2010 nghe một số người bàn chuyện xuất khống hóa đơn để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước rất “dễ ăn”, Thọ bắt đầu “nghiên cứu” và nhận thấy đúng là quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) có sơ hở.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Thọ đã thành lập Công ty Khánh Ly, giao con rể là Võ Thanh Tuyến làm giám đốc; Công ty Hữu Thành Vinh do Thọ làm giám đốc và Công ty Tường Ngọc Vy do Trần Thị Mỹ Chi (con gái Thọ) làm giám đốc.

Sau đó, Thọ nhờ một số người quen như: Vit Rung, NgoV Heng (chủ tiệm tạp hóa ở tỉnh Kampot, Campuchia), Võ Phê Rô (giám đốc Công ty Phát Đạt, đăng ký tại Campuchia) ký kết hợp đồng ngoại thương, đồng thời mở tài khoản cho những người này tại các ngân hàng trong nước.

Để có nguồn hóa đơn khống, Thọ tìm đến hai bị cáo Lưu Văn Toàn Thắng và Lâm Tuấn Phát do biết hai người này có hàng loạt công ty tự đứng tên hoặc nhờ vợ, người thân đứng tên như: Cảnh Phong, Lâm Nguyên, Thiên Trường, Hoàng Bảo Anh, Phước Thành... Ngoài ra, Thọ còn mua hóa đơn khống từ Trung tâm thương mại - dịch vụ Hà Tiên.

30% hàng thật, 70% khống nhằm tránh bị phát hiện

Thọ và các bị cáo thỏa thuận giá bán hóa đơn khống là 3% giá trị hóa đơn, đồng thời thỏa thuận với mỗi hóa đơn đều có tỉ lệ 30% hàng thật, 70% khống nhằm tránh bị phát hiện.

Để hợp thức hóa số hóa đơn, Thọ chuyển đúng 100% giá trị xuất khống cho Phát và Thắng rồi thông báo để hai bị cáo này biết rút tiền chuyển trả lại Thọ qua nhiều tài khoản ngân hàng do Thọ lập dưới nhiều tên khác nhau.

Khi đã có hóa đơn đầu vào, Thọ tiến hành ký kết hợp đồng xuất khẩu khống với các đối tác Campuchia bằng cách giả chữ ký của những người này, đồng thời mượn hộ chiếu, giấy đăng ký kinh doanh, ủy nhiệm chi ký sẵn… để lập các tờ khai hải quan, khai số tiền nhập cảnh, nộp tiền vào tài khoản đã lập sẵn trước, tự chuyển tiền của mình thanh toán cho đối tác rồi tự rút trở lại. Sau đó, Thọ đem toàn bộ chứng từ lập thủ tục xin hoàn thuế GTGT.

Thấy Trần Hữu Thọ “làm ăn” có hiệu quả, lần lượt thành lập tới ba công ty nên đến tháng 10-2010, bị cáo Huỳnh Văn Trong hưởng ứng “phong trào” bằng cách lập ra Công ty Huỳnh Trang do mình làm giám đốc, nhờ con gái ruột Huỳnh Thị Kiều Trang làm chủ sở hữu.

Bằng thủ đoạn tương tự, bị cáo Trong cũng tìm đối tác Campuchia tên Sang Lok (ngụ tỉnh Sihanouk) ký kết hợp đồng ngoại thương. Sau đó mua hóa đơn khống từ Lâm Tuấn Phát để làm thủ tục chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước.

Suốt thời gian từ giữa năm 2010 đến tháng 7-2013, các bị cáo đã thông đồng, cấu kết chiếm đoạt tổng cộng gần 110 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT. Trong đó Thọ chiếm đoạt trên 74,47 tỉ đồng, Trong chiếm đoạt trên 35,5 tỉ đồng.

Kết thúc phần tranh tụng, đại diện viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Thọ mức án chung thân, Huỳnh Văn Trong 18-20 năm tù, Lâm Tuấn Phát 14-16 năm tù, Phạm Thị Thanh Thủy 12-14 năm tù, Lưu Văn Toàn Thắng 12-14 năm tù, Võ Thanh Tuyến 4-6 năm tù, Trần Thị Mỹ Chi 2-3 năm tù (bị cáo Chi đang mang thai tháng thứ 6), Võ Phê Rô 2-3 năm tù.

Sau khi nghị án, chủ tọa Lê Trọng Hân tuyên bố tòa sẽ tuyên án vào chiều 6-10.

Hại vợ, con, bạn bè vào tù

Tham dự phiên tòa này, nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán khi thấy các bị cáo vì hám lợi mà đẩy vợ, con, bạn bè, người thân của mình vào vòng lao lý.

Bị cáo đầu vụ Trần Hữu Thọ lập doanh nghiệp rồi ép con gái ruột cùng con rể đứng tên làm giám đốc, tiếp tay hành vi phạm tội của bị cáo. Vợ chồng con gái và con rể bị cáo Thọ vào tù để lại hai con, lớn mới 6 tuổi, nhỏ mới 3 tuổi.

Bị cáo Lâm Tuấn Phát lập công ty giao cho vợ là Phạm Thị Thanh Thủy đứng tên. Hậu quả là hiện tại con của hai bị cáo mới 9 tuổi không ai chăm sóc, cha mẹ hai bên già yếu không ai lo.

Bị cáo Võ Phê Rô vì tin bạn mà đứng tên thành lập Công ty Phát Đạt rồi bỏ mặc. Dù không biết công ty này làm gì, nhưng Phê Rô cũng đã bị bắt tạm giam hai năm nay, cha mẹ già ở nhà không ai phụng dưỡng vì Phê Rô là lao động chính.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên