16/06/2022 17:30 GMT+7

Thông tin cần biết về nhồi máu cơ tim cấp

T.D.V - BS NGUYỄN TRỌNG TUẤN
T.D.V - BS NGUYỄN TRỌNG TUẤN

Nhồi máu cơ tim là tình trạng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, nhận biết nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa sẽ giúp tăng cơ hội điều trị hiệu quả chứng bệnh này.

Thông tin cần biết về nhồi máu cơ tim cấp - Ảnh 1.

Tổn thương trong nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim là gì?

Tim được cấp máu bởi 2 nhánh mạch máu chính gồm động mạch vành phải và động mạch vành trái. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi, do sự tắc nghẽn đột ngột của động mạch vành, thường liên quan đến mảng xơ vữa. Phần cơ tim nhồi máu bị chết đi, gây giảm chức năng co bóp, dẫn đến các hậu quả xấu như suy tim, sốc tim, đột tử do tim,…

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý cấp cứu tim mạch, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tháng 12-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu với hơn 80% số ca do nhồi máu cơ tim.

Đối tượng nào dễ mắc phải?

- Hút thuốc lá

- Tăng huyết áp

- Đái tháo đường

- Tai biến mạch máu não

- Rối loạn mỡ máu

- Bệnh thận mạn

- Người ít vận động, thừa cân, béo phì

Các triệu chứng

- Cơn đau thắt ngực, thời gian kéo dài trên 20 phút, mức độ đau thay đổi tuỳ bệnh nhân từ nặng ngực, khó thở, cảm giác nóng rát trước ngực, cảm thấy tim bị bóp nghẹt, đau dữ dội liên tục, đau vã mồ hôi. Cơn đau có thể lan lên vai, cổ, hàm, sau lưng, hoặc vùng bụng trên rốn.

- Hồi hộp, trống ngực

- Buồn nôn, nôn ói

- Xây xẩm, chóng mặt, ngất

- Một số bệnh nhân chỉ cảm giác mệt mơ hồ vùng ngực

Phương pháp điều trị

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần đến thăm khám ngay tại bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán kịp thời.

Điều trị hỗ trợ oxy, giảm đau kết hợp điều trị chính là can thiệp mạch vành trong "thời gian vàng".

Can thiệp mạch vành là thủ thuật chuyên sâu thực hiện bởi các bác sĩ tim mạch can thiệp. Bệnh nhân vẫn tỉnh táo và giao tiếp được trong quá trình tiến hành thủ thuật. Bác sĩ tiêm thuốc gây tê tại vị trí cổ tay hoặc đùi, sau đó luồn vào động mạch người bệnh hệ thống ống dẫn theo hướng về tim. Thông qua thuốc cản quang và màn hình chụp, bác sĩ xác định được vị trí và mức độ tắc nghẽn mạch máu. Bệnh nhân được đặt ống thông vào vị trí bị tắc nghẽn, giúp máu lưu thông trở lại.

Thông tin cần biết về nhồi máu cơ tim cấp - Ảnh 2.

Can thiệp động mạch vành qua da

Phòng ngừa bệnh

- Cần có thói quen ăn uống hạn chế mỡ động vật, tăng cường rau xanh củ quả

- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tối thiểu 30 phút/ngày, duy trì tối thiểu 5 ngày/tuần

- Khuyến cáo bệnh nhân ngừng hút thuốc lá, bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình

- Giảm cân, giảm số đo vòng bụng được chứng minh phòng ngừa nguy cơ xơ vữa mạch máu

Khám sức khoẻ tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức

Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức đã mở các phòng khám tim mạch nhằm hỗ trợ bệnh nhân đến khám, tầm soát và điều trị các vấn đề tim mạch.

Từ năm 2020, bệnh viện đã triển khai chụp và can thiệp động mạch vành qua da – một kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch về điều trị can thiệp cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Trong 8 tháng đầu năm 2020, bệnh viện đã tiếp nhận và can thiệp thành công cho 433 bệnh nhân. Đến tháng 5-2022, con số này đã tăng lên trên 1000 bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh viện cung cấp các thiết bị theo dõi, đánh giá chức năng tim mạch như Holter huyết áp 24 giờ, Holter điện tâm đồ 24– 48 giờ, nghiệm pháp điện tâm đồ gắng sức, siêu âm doppler màu tim,… cùng đội ngũ bác sĩ tim mạch nhiều năm kinh nghiệm, tận tâm chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh.

T.D.V - BS NGUYỄN TRỌNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên