21/09/2010 10:27 GMT+7

Thông hầm Thủ Thiêm

NGỌC ẨN - NGỌC HẬU
NGỌC ẨN - NGỌC HẬU

TT - Hôm nay (21-9) diễn ra lễ hợp long thông hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn, nối trung tâm TP.HCM với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo kế hoạch, quý 2-2011 hầm dìm lớn nhất Đông Nam Á này hoàn thành, người dân có thể qua sông bằng hầm cùng với việc hoàn thành toàn bộ đại lộ Đông - Tây.

7iaFcTnz.jpgPhóng to
Nhà thầu Obayashi (Nhật) huy động cán bộ nhân viên hoàn thành các công đoạn còn lại trước lễ hợp long hầm Thủ Thiêm (ảnh chụp ngày 20-9) - Ảnh: T.T.D.

Hiện tại hầm đã được thông từ bờ Q.1 đến bờ Q.2. Lễ hợp long diễn ra tại cửa hầm Thủ Thiêm phía Q.1, được truyền hình trực tiếp trên HTV9 lúc 7g45.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông đô thị TP, hầm Thủ Thiêm được thiết kế cho 45.000 ôtô và 15.000 xe gắn máy lưu thông/ngày. Đường hầm này được xây dựng nhằm mở rộng không gian đô thị TP.HCM, góp phần biến vùng đất mới Thủ Thiêm trở thành khu trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ khu vực.

Tất cả cho ngày hợp long

FaGNDn6l.jpgPhóng to
Vị trí hợp long hầm Thủ Thiêm, nơi nối giữa đốt hầm số 4 và đường dẫn phía quận 1 (ảnh chụp chiều 20-9) - Ảnh: T.T.D.

Đại lộ Đông - Tây

Tổng chiều dài 21,8km, dành cho 8-12 làn xe lưu thông đi qua bảy quận huyện, trong đó có 1,49km hầm Thủ Thiêm. Dự án có xây mới và cải tạo 11 cầu, xây tám cầu bộ hành; tổng vốn đầu tư 660 triệu USD. Công trình được khởi công tháng 2-2005, dự kiến hoàn thành trong quý 2-2011.

- Ngày 2-9-2009 khánh thành đại lộ Đông - Tây đoạn từ cầu Calmette đến quốc lộ 1A dài 13,3km đã giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực nội ô TP.

- Ngày 15-8-2010, thông xe cầu vượt Cát Lái giải quyết ách tắc cho xa lộ Hà Nội và thông xe 2km liên tỉnh lộ 25B (từ đường Lương Định Của đến xa lộ Hà Nội) đã giải quyết ùn tắc giao thông trên đường vào cảng biển Tân Cảng Cát Lái.

Ngày 19-9, chúng tôi đến công trường xây dựng hầm Thủ Thiêm, nơi có 600 kỹ sư và công nhân đang tất bật làm việc ở độ sâu đến 27m dưới sông Sài Gòn để chuẩn bị cho ngày hợp long.

Gắn bó từ đầu với công trình xây dựng hầm Thủ Thiêm gần sáu năm nay, kỹ sư Tạ Thái Hùng (làm việc cho nhà thầu Obayashi Corporation) chỉ vào đoạn khoan vách hầm màu trắng có bề rộng 1,25m cho biết đây là đoạn hợp long nối đốt hầm số 4 và đường dẫn vào hầm phía Q.1 để nối thông đôi bờ sông Sài Gòn Q.1 và Q.2. Đơn vị thi công đang đổ bêtông tạo dốc từ đường dẫn đốt hợp long vào đốt hầm số 4. Phía bên trong vách của đốt hầm số 3, các công nhân đang tất bật đổ bêtông nền đường thoát hiểm.

Bước những bước chân đầu tiên đến đốt hầm số 2, chúng tôi đã thấy luồng ánh sáng hắt xuống từ cửa hầm dẫn vào hầm Thủ Thiêm phía Q.2. Còn tại đốt hầm số 1, các công nhân, kỹ sư đang đu người trên giàn giáo phía trên để bơm chất gia cố xử lý một số chỗ trên bản nóc hầm. Cuối cùng, ánh sáng cũng đã ngập tràn trước mắt chúng tôi khi đến bờ phía đông của hầm Thủ Thiêm.

Kỹ sư Trần Nhật Nam, ra trường năm 2007 và đến luôn hầm Thủ Thiêm làm việc, kể đến giờ anh vẫn không hề quên cảm giác bập bềnh khi cùng một nhóm kỹ sư ở bên trong đốt hầm từ 6g sáng đến hơn 2g chiều để đo, bơm nước ra vào bể, điều chỉnh tạo cân bằng trong suốt quá trình lai dắt đốt hầm trên sông.

Nhớ lại lần đầu tiên lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 1 vào ngày 7-3-2010, ông Lương Minh Phúc - trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM - cho biết đưa đốt hầm dài 92m, rộng 33m, cao 9m và nặng 27.000 tấn đi trên sông có nhiều đoạn uốn khúc và hẹp từ bể đúc ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) về Q.1 dài 22km cảm thấy còn khó hơn đưa tàu biển vài chục ngàn tấn cập cảng.

Công đoạn dìm hầm xuống đáy sông Sài Gòn rất vất vả và phải thận trọng trong từng thao tác. Việc dìm đốt hầm số 4 - đốt hầm cuối cùng - còn phức tạp hơn vì khối bêtông khổng lồ đó lắp đặt dưới đáy sông chỉ được xê dịch trong khoảng cách 1,25m, phải khớp vào các cọc chịu lực được lắp đặt dưới đáy sông Sài Gòn với sai số cho phép không được quá 10mm.

Ông Phạm Văn Hương (người Hà Tĩnh), công nhân hàn cắt côppha sắt đúc bêtông, cho biết nhiều người ở quê khi biết ông làm trong hầm Thủ Thiêm cũng gọi điện hỏi thăm. “Không ai tưởng tượng được quy mô của đường hầm. Tôi phải giải thích với họ những quy mô to lớn của đường hầm chui bên dưới sông Sài Gòn cùng với những trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để làm mát và hệ thống thoát khí đường hầm” - ông Hương nói.

3IBe5O38.jpgPhóng to
Công nhân chuẩn bị cho lễ hợp long tại lối vào hầm Thủ Thiêm phía Q.1, TP.HCM (ảnh chụp sáng 19-9) - Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Xe máy qua hầm, còn chờ ý kiến

Sau lễ hợp long hầm Thủ Thiêm, công trình xây dựng đại lộ Đông - Tây còn tiếp tục thực hiện nhiều công việc dưới hầm như lắp đặt hệ thống thông gió, điện, chiếu sáng, thoát nước... Kỹ sư Nam cho biết: “Sau khi hợp long xong, công việc còn lại của đơn vị thi công là đổ bêtông cân bằng đốt hầm số 4 và đổ bêtông hoàn thiện toàn bộ đường hầm thuộc bốn đốt hầm. Nhà thầu sẽ cố gắng hoàn tất công đoạn đổ bêtông trong khoảng một tháng”.

Theo các kỹ sư thi công công trình, việc đổ bêtông hoàn tất có nghĩa là hầm Thủ Thiêm đã hoàn tất được 95% khối lượng công việc.

Trên tuyến đường từ hầm Thủ Thiêm bờ Q.2 đến liên tỉnh lộ 25 dài khoảng 7km sẽ tiếp tục hoàn thiện mặt đường và hoàn thành xây dựng các cầu. Đồng thời để chuẩn bị việc đưa vào khai thác hầm Thủ Thiêm, TP.HCM đã thành lập trung tâm quản lý vận hành tuyến đường hầm Thủ Thiêm.

Theo kế hoạch, trong quý 2-2011 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn bộ tuyến đại lộ Đông - Tây từ nút giao thông Cát Lái đến quốc lộ 1A dài gần 22km. Theo thiết kế ban đầu, hầm Thủ Thiêm sẽ cho xe gắn máy lưu thông qua lại dưới hầm. Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM cho biết vẫn đang chờ ý kiến chính thức về vấn đề này.

Ông Lương Minh Phúc cho biết dự án đại lộ Đông - Tây đoạn ở xa lộ Hà Nội sẽ kết nối với dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai) và đoạn ở quốc lộ 1A sẽ xây dựng tuyến đường kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM - Long An - Tiền Giang). Do đó, đại lộ Đông - Tây không những sẽ rút ngắn thời gian đi từ trung tâm TP.HCM về các tỉnh mà còn tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế của TP.

Quá trình thi công hầm Thủ Thiêm

Fbe1WTei.jpgPhóng to
Sơ đồ vị trí hợp long hầm Thủ Thiêm - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Hầm Thủ Thiêm có tổng chiều dài 1.490m, trong đó gồm bốn đốt hầm với tổng chiều dài 370m, đoạn hầm dẫn phía Q.1 dài 585m, đoạn hầm dẫn phía Q.2 dài 535m.

- Tháng 9-2007, đổ mẻ bêtông đầu tiên đúc bốn đốt hầm ở bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai). Việc đúc bốn đốt hầm hoàn thành vào tháng 5-2008 và được chỉnh sửa kết thúc vào ngày 30-8-2010.

- Quá trình lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm từ bể đúc Nhơn Trạch theo đường sông về TP dài hơn 20 km: ngày 7-3-2010 lai dắt đốt hầm số 1, ngày 5-4 lai dắt đốt hầm số 2, ngày 4-5 lai dắt đốt hầm số 3 và ngày 4-6 lai dắt đốt hầm số 4. Hôm nay hợp long đoạn nối đốt hầm số 4 vào bờ phía Q.1.

NGỌC ẨN - NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên