06/03/2010 12:00 GMT+7

Thời tiết thất thường, do đâu?

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Ghi nhận cách đây ba năm cho thấy trên thế giới có nhiều biến động thời tiết: tại miền Bắc nước Pháp vào đầu tháng 7-2007 nhiệt độ trung bình vào buổi trưa 20- 21oC và có mưa, một đợt lạnh bất thường cũng đã tràn qua Argentina và nhiệt độ dưới 0oC khiến 18 người chết...

Ngược lại tại Oregon, Mỹ, nhiệt độ cao đến 40,5oC khiến các đám cháy rừng bùng phát mạnh tại 6 bang của miền tây nước Mỹ. Theo mô hình khí hậu do Viện Pierre & Simon Laplace đưa ra, lượng mưa sẽ tăng 10 - 20% từ nay đến cuối thế kỷ tại vùng Bắc Âu, nhất là vào mùa đông, nhưng lại giảm với cùng tỉ lệ trên tại khu vực quanh Địa Trung Hải.

Vậy những tính khí “khó chịu” này của Trái đất là do đâu?

Một thế giới đang chao đảo

zZHY1nzs.jpgPhóng to
Lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều

Có thể nói các hoạt động sinh hoạt của con người đã khiến thời tiết cục bộ của một vài khu vực thay đổi. Nhiều thành phố lớn đã tạo ra những “tiểu vùng khí hậu” và làm gia tăng nhiệt độ lên một vài độ C. Ví dụ, phá rừng hẳn sẽ làm gia tăng khô hạn.

Khí hậu đang thay đổi thất thường và các nhà dự báo thời tiết cũng khó đoán chính xác được. Tuy nhiên, những hiểu biết của chúng ta về hiện tượng này đã có nhiều tiến bộ trong vòng vài thập niên gần đây. Con người ngày càng có những đánh giá chính xác hơn về diễn biến thời tiết của từng vùng địa lý và trên toàn hành tinh.

Trong khi đó, việc thay đổi khí hậu trên bình diện toàn cầu có những nguyên nhân tự nhiên và theo quan sát của giới khoa học theo dòng lịch sử, biến thiên nhiệt độ có những nguyên nhân khách quan sau:

- Tỉ lệ các chất khí thiên nhiên gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là khí cacbonic, trong cấu tạo của bầu khí quyển có thay đổi.

- Vị trí thiên văn của Trái đất thay đổi. Giả thiết này do Milutin Milankovic đưa ra khoảng năm 1911- 1941 và được cộng đồng khoa học tán đồng, theo đó giải thích được các vòng tuần hoàn khí hậu do vận động lệch tâm và tiến động của quả đất, khiến khí hậu của Trái đất có nhiều biến đổi.

- Hoạt động của mặt trời thay đổi với chu kỳ xuất hiện các “vết mặt trời” sau mỗi 11 năm, khi đó mặt trời sẽ phát ra nhiều năng lượng hơn và làm thay đổi nhiệt độ trên bề mặt Trái đất.

Và những ảnh hưởng mang tính ngẫu nhiên cũng được ghi nhận:

- Lượng bụi Trái đất phải hấp thu đã gia tăng đáng kể, từ hoạt động của các núi lửa và sự “xâm nhập” của các bụi thiên thạch. Tuy nhiên, giả thiết này gây tranh cãi nhiều nhất, theo đó khi hệ mặt trời - trong đó có Trái đất của chúng ta - đi ngang qua một đám mây bụi giữa các ngôi sao thì Trái đất sẽ hấp thụ một phần năng lượng ánh sáng và nóng hơn lên.

Song song đó, giới khoa học cũng nghi ngờ rằng chính con người đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra thiên tai liên tiếp. Đó là sinh hoạt hiện đại đã thải ra quá nhiều lượng khí thải nhà kính và hoạt động nông nghiệp đã làm thay đổi vòng tuần hoàn của nước trên bình diện toàn cầu.

Nhiệt độ Trái đất tăng 7oC vào năm 2100

VK83V65a.jpgPhóng to
Lượng khí thải CO2 gia tăng

Một tác động khác là hiện tượng mực nước biển dâng. Theo các chuyên gia khí hậu, nếu chúng ta không có biện pháp giảm khí thải nhà kính thì các khối băng ở vùng cực sẽ tan chảy nhanh chóng và gây ra một đợt dâng nước biển lên 1- 2m từ đây đến cuối thế kỷ.

Đó là một kịch bản tệ hại nhất cho hành tinh chúng ta. Vào tháng 11-2009, Viện Nghiên cứu về tác động của khí hậu tại Potsdam (Đức) công bố một tài liệu 64 trang trong đó tổng hợp các công trình khoa học về biến đổi khí hậu đã được đăng tải từ báo cáo của nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu vào năm 2007.

Các tác giả cho biết: “Nhiệt độ trung bình của không khí sẽ nóng lên từ 2 - 7oC vào năm 2010 so với thời kỳ tiền công nghiệp”. Cũng theo tài liệu này, trong suốt 1/4 thế kỷ gần đây nhất, nhiệt độ trung bình của khí quyển đã tăng 0,19oC mỗi 10 năm, điều này hoàn toàn trùng khớp với các dự báo được tính toán trên cơ sở việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Một trong những tác động đáng kể nhất của những thay đổi khí hậu trong tương lai là việc gia tăng hàng loạt hiện tượng thiên nhiên được gọi là “cực đoan”, đó là những xáo trộn về mặt nhiệt độ (thời kỳ nóng bức) hay về lượng mưa (hạn hán, lũ lụt).

RcZVB2Cy.jpgPhóng to
Trái đất sẽ trở thành "hành tinh chết"?

Bầu khí quyển sơ khai của Trái đất chứa rất nhiều khí cacbonic (CO2) và rất ít khí oxy (O2). Theo thời gian, nồng độ của hai loại khí này thay đổi, hiệu ứng nhà kính tự nhiên đã giúp Trái đất có cơ hội phát triển và giúp nhiều loài sinh vật có cơ hội tiến hóa.

Hiện tượng bất thường của thời tiết vốn không kiểm soát được là do nồng độ khí thải nhà kính tăng nhanh trong suốt quá trình tăng dân số và phát triển công nghiệp. Ảnh hưởng thì rất nhiều, nhất là về mặt sức khỏe con người: các mầm bệnh nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều, lượng mưa gia tăng, lũ lụt theo đó xuất hiện nhiều hơn.

Cũng do biến đổi khí hậu, nhiệt độ mùa đông có thể tăng lên 15oC tại Bắc bán cầu và những vùng địa lý nằm gần miền cực sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nói chung, chúng ta có thể sẽ phải hứng chịu một đợt nhiễu loạn khí hậu cực đoan như dông bão mạnh, bão tuyết, lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng.

Vậy cho nên cảnh báo của các nhà khoa học luôn không phải là thừa!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Trung Quốc, Thái Lan... đang chết khátĐồng bằng sông Cửu Long: gồng mình chống hạn, mặnÚc, New Zealand: thập kỷ nóng nhất trong lịch sửHội nghị biến đổi khí hậu Copenhagen

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên