26/03/2016 13:23 GMT+7

Thời thông cáo thượng vàng hạ cám và tin giật gân?

TÙY PHONG - YẾN THANH
TÙY PHONG - YẾN THANH

TTO - Vụ bê bối truyền thông “phim tui đến Cannes” mới đây là một ca mà gọi từ chuyên môn là bị “tổ trác”, chứ không ít vụ khác đã diễn ra suôn sẻ, “hết sức thành công”.

Tranh minh họa.

Sau bài Chuyện "Phim tui đến Cannes" và bi hài tin vịt cồ, xin giới thiệu tiếp đến bạn đọc ý kiến về tình trạng "lạm dụng thông cáo báo chí" hiện nay trong làng truyền thông của bạn đọc Tùy Phong - Yến Thanh:

Gốc rễ của mọi chuyện là từ những email thông cáo báo chí mà mọi phóng viên liên quan đều nhận được hầu như “mỗi ngày, mỗi giờ”.

Ai làm công tác truyền thông đều biết đến kỹ thuật viết thông cáo báo chí hiện đại được gọi là “viết để in luôn”.

Ví dụ như “thông cáo báo chí” về việc bộ phim Việt Nam được LHP Cannes chọn tranh giải vừa qua có nội dung được biên soạn gần như “hoàn hảo” để các phóng viên có thể “in luôn”, “post luôn” mà không cần mảy may kiểm chứng.

Bạn có thể tin được không khi giờ đây, những người chuyên soạn thông cáo báo chí lắm khi còn tài năng và giỏi nghề hơn cả những “phóng viên” tập sự hoặc một số phóng viên báo mạng non kém hiện nay.

Trước đây, khi ngành quảng cáo còn chập chững những bước đầu tiên, thì các thông cáo báo chí hay nặng về tính trình bày, tự quảng cáo, nôm na là tự khen, được viết ở ngôi thứ nhất. Các phóng viên phải mang về xử lý lại khá mất thời gian để thành một tin hay bài trên báo. 

Thực tế nhiều khi do phóng viên quá lười, hoặc do cũng không nắm rõ nội tình ra sao nên bỏ qua tin luôn và hiệu quả của thông cáo báo chí dạng như vậy rất thấp. 

Chính vì lý do này mà các "chuyên gia" đã sáng tạo ra cách viết thông cáo báo chí “viết để in luôn”, với cách viết theo đúng như tên gọi: để cho phóng viên chỉ việc mang về nộp bài là xong!

Mọi thứ trong thông cáo đã rất chỉn chu, theo đúng chuẩn báo chí rồi. Thậm chí thông cáo còn được viết sao cho độc giả cảm thấy... vô cùng khách quan.

Trong những thông cáo báo chí của làng giải trí bây giờ, ngoài nội dung thông tin chi ly, đầy đủ, nhiều hình ảnh đính kèm cho người nhận tha hồ chọn lựa đăng tải, thậm chí còn có cả một “list” những tựa đề bài báo được nhào nặn ra sẵn cho các phóng viên mặc nhiên chọn lựa sao cho hấp dẫn bạn đọc click vào. Ví dụ:

Mê trai đẹp, Lê Khánh bị đánh ghen

Long Nhật được khen đẹp ngang ngửa danh ca Bảo Yến

Minh Nhí kể chuyện góc khuất nghề diễn trên sân khấu hài

“Chị em bóng gió” Minh Nhí - Long Nhật trở lại đại náo 

Minh Nhí, Long Nhật “xàm” để lấy nước mắt khán giả

Lê Khánh bất ngờ lấy chồng Hàn Quốc

Lê Khánh quằn quại khi chia xa người yêu

NSƯT Kim Tử Long trúng tiếng sét ái tình

Kim Tử Long hội ngộ Thanh Tòng, Quế Trân trên sân khấu hài

Kim Tử Long quỳ gối xin cưới con gái của NSND Thanh Tòng

Kỹ thuật viết thông cáo báo chí kiểu này hiện trở nên hết sức thông dụng và tràn lan ở VN, trong nhiều lãnh vực: bất động sản, mặt hàng gia dụng và văn hóa giải trí…

Trong các lĩnh vực trên, giới truyền thông vẫn còn chút niềm tin nào đó với văn nghệ sĩ, vẫn có gì đó ưu ái với sách, phim, nhạc, kịch… bởi trân trọng những sáng tạo nghệ thuật và những người làm ra sản phẩm văn hóa, mang đến món ăn tinh thần cho đời sống công chúng.

Ở phương diện tích cực, những thông cáo báo chí văn hóa nghệ thuật, giải trí giúp cho các phóng viên có nguồn thông tin chính thống, chính thức từ các đơn vị, công ty và nghệ sĩ. Các nguồn thông tin, dữ liệu này rất phong phú, đa dạng.

Việc trích dẫn nội dung thông cáo báo chí, hình ảnh gốc được cung cấp tư nguồn rõ ràng vào bản tin là điều cần thiết để tăng giá trị và tính xác thực của thông tin, hình ảnh. Chúng ta nên nhớ rằng ngành PR (Public Relations - là “quan hệ (với) công chúng” hay “giao tế cộng đồng”) chuyên nghiệp ra đời ở Mỹ vào năm 1900 với xuất phát điểm là nhằm tạo cầu nối thông tin trung thực giữa các tổ chức (thương mại hoặc phi thương mại) với công luận.

Rõ ràng thông cáo báo chí có giá trị không thể phủ nhận và không thể thiếu trong môi trường truyền thông phát triển hôm nay.

Tuy nhiên, ở mặt khác, những thông cáo báo chí được viết rất “có nghề” ấy đã góp phần tạo ra những bản tin “tô hồng” một chiều, rất thiếu kiểm chứng độc lập và nguy hiểm hơn, là một trong những nguyên nhân khiến “ai cũng có thể trở thành phóng viên được” khi chỉ cần làm thao tác “copy and paste” (sao chép và đăng tải lại).

Một bộ phận "thợ viết" cũng từ đó quên dần chuyện cần đi thực tế, lười tiếp xúc, lơ là kiểm chứng và lâu ngày tự biến mình trở thành “phóng viên salon” hồi nào không hay.

Các quảng cáo trá hình núp bóng thông cáo báo chí về cuốn sách nào đó mới ra đời, về bộ phim nào đó sắp chiếu, một MV của ca sĩ vừa ra lò vẫn là những thứ được một số phóng viên viết lại mà ít thắc mắc gì về tính xác thực và những “hậu trường” uẩn khúc đằng sau nó. 

"Trong bất cứ tình huống nào, nhà báo cũng không thể dễ dãi với PR. Công chúng cần những tin bài phản ánh đúng bản chất sự kiện hay sản phẩm, chứ không phải các thông cáo báo chí - họ cần nhà báo để xác minh những thông tin này" - trích bài báo của Phó giáo sư NGUYỄN ĐỨC AN, giảng viên cao cấp ngành báo chí tại ĐH Bournemouth (Anh) đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần 6-2004. 

* Đón xem tiếp Kỳ 3: Hậu quả đến rồi chứ không phải không!

*Xem Kỳ 1: Chuyện "Phim tui đến Cannes" và bi hài tin vịt cồ

TÙY PHONG - YẾN THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên