![]() |
Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã có bài Vịnh ông tiến sĩ giấy như vầy: “Cũng cờ cũng biển cũng cân đai/ Cũng gọi ông nghè, có kém ai/ Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng/ Nét son điểm rõ mặt văn khôi/ Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ/ Cái giá khoa danh ấy mới hời/ Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe/ Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi”. Đó là hình tượng tiến sĩ giấy thật, có tác dụng giải trí và giáo dục trẻ em.
Hễ có chính danh thì mới định phận. Chúng ta phải gọi nhiều vị tiến sĩ ngồi lềnh khênh trong các cơ quan nhà nước hôm nay là các vị tiến sĩ giấy giả. Tiến sĩ giấy giả là các vị tiến sĩ bằng người thật; có tham vọng đạt chức danh tiến sĩ để thơm râu bổ phổi với đời; được ngồi vào một cái ghế đẹp nào đó để hưởng bổng lộc. Có thể họ chưa đậu tú tài, cử nhân hoặc đã đậu nhưng không có công trình nghiên cứu thực tế. Cũng có thể, họ không viết ra được luận văn nào nhưng được sự xúi giục tích cực của người hướng dẫn, họ sao y bản chính hoặc xào nấu tích cực luận văn của nhiều người khác mà nên tiến sĩ.
Đại phàm, luận văn phải được bảo vệ trước hội đồng. Theo sự phân công, mấy người này đặt câu hỏi vặn lại (tục gọi là phản biện), mấy người khác đứng ra bảo vệ (tục gọi là nhất trí). Cuối cùng, mọi người nhất trí hết. Hội đồng lập biên bản, công nhận học vị tiến sĩ. Tiến sĩ giấy giả ra đời như vậy. Thương thay cho nhiều tiến sĩ giấy giả, chữ viết như cua bò, văn chương rất bì bõm, thế nhưng ghế ngồi của họ cao, quyền lực của họ lớn; chẳng ai dám nghi ngờ cái học vị của họ là giả hay thật.
Tiến sĩ giấy giả thật thông minh! Họ thường chọn những nội dung, đề tài nghiên cứu không dính dáng gì tới toán học, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, công nghệ máy tính cả. Bởi lẽ, chọn những thứ ấy có mà chết. Họ chọn những món mơ hồ hơn nhiều. Đại phàm, cái gì càng mơ hồ thì càng khó rờ, lại càng khó định lượng, định tính. Cho nên, họ lọt qua cánh cửa tiến sĩ một cách ngoạn mục. Vì vậy mà đội ngũ tiến sĩ giấy giả ngày càng ì xèo, đông vui, hoành tráng trong thời chúng ta.
Cắt nghĩa sự phì đại này, nhiều người nói đó là do qui luật cung cầu. Bởi thời ta cần tiến sĩ nên phải “sản xuất” hàng loạt tiến sĩ giấy giả để đáp ứng nhu cầu ấy. Địa phương nào cắc cớ đặt ra chỉ tiêu trong 5 năm nữa phải có 200 tiến sĩ thì người ta cứ thế mà đào tạo ra tiến sĩ, trong đó có nhiều tiến sĩ giấy giả. Cũng có người cho rằng tiến sĩ giấy giả chỉ có trong cơ quan nhà nước mà không có trong doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp tư nhân; ấy là vì cơ quan nhà nước khoái mác tiến sĩ nên tiến sĩ giấy giả dễ vào, dễ được “cơ cấu”. Có vị trước khi về hưu “làm phước” ký giấy bổ dụng 60 cán bộ đầu ngành; tiến sĩ giấy giả đương nhiên được ơn mưa móc. Ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân chuộng người thực chất có trình độ chuyên môn cao; không khoái bằng cấp và kỹ năng nói dóc nên tiến sĩ giấy giả ra rìa.
Thế nhưng trên hết, người ta vẫn cho rằng sở dĩ tình hình tiến sĩ giấy giả lềnh khênh là do cách ứng xử không kiên quyết của các cơ quan nhà nước đối với những cán bộ chơi bằng giả. Cho đến bây giờ, việc phát hiện bằng giả là khá nhiều nhưng chưa có ông chơi bằng giả nào phải ra trước cơ quan pháp luật. Thậm chí, có nơi còn hợp thức hóa chuyện dùng bằng giả bằng cách cho… học lại, thi lại, “phấn đấu” thêm. Bằng giả có thể làm chết người nhưng người chơi bằng giả thì chưa có ai chết.
Anh nọ học rất giỏi, kiến thức rất rộng, tuổi mới 45, mơ ước làm cái tiến sĩ. Anh hỏi thăm những tiến sĩ giấy giả đi trước, họ nói thật với anh phải có trên 200 triệu đồng thì mới mong làm tiến sĩ vì phải chi đủ thứ, đủ người. Anh tính lại vợ chồng mỗi tháng chỉ làm ra trên 12 triệu, nuôi 2 đứa con. Tiền đâu mà có trên 200 triệu? Bèn cụt hứng, không dám làm tiến sĩ (thật) nữa. Có người khuyên anh rằng nghèo thì chớ bao giờ bày đặt làm cái học vị tiến sĩ. Lời khuyên ấy đúng là lời vàng ngọc.
Tuổi Trẻ Cười số 495 ra ngày 15/3/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận