07/11/2007 17:21 GMT+7

Thời cơ vàng và nguồn nhân lực (*)

NGUYỄN TRUNG
NGUYỄN TRUNG

TTO - Chưa lúc nào vấn đề phát triển con người và nguồn nhân lực trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng ở nước ta như giai đoạn hiện nay. Đất nước đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, những cơ hội và thách thức chưa từng có. Nhưng thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất những cơ hội đang đến, thậm chí, có nguy cơ khó vượt qua những thách thức, kéo dài sự tụt hậu...

LTS: Tác giả của loạt bài Thời cơ vàng mới gửi cho chúng tôi những suy ngẫm rất quí giá của ông về việc phát triển nguồn nhân lực nước ta trước những thời cơ và thách thức to lớn của thời đại. TTO xin trích đăng những phân tích, giải pháp và lời kêu gọi như rút ruột của ông gửi đến thế hệ trẻ, gửi đến toàn xã hội...

HGHDOqdW.jpgPhóng to
TTO - Chưa lúc nào vấn đề phát triển con người và nguồn nhân lực trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng ở nước ta như giai đoạn hiện nay. Đất nước đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, những cơ hội và thách thức chưa từng có. Nhưng thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất những cơ hội đang đến, thậm chí, có nguy cơ khó vượt qua những thách thức, kéo dài sự tụt hậu...

Phát triển, nhưng vẫn xa tiềm năng

Đảng đã khẳng định: Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta, coi việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Tuy nhiên, từ ý tưởng trên đi tới đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện là cả một cuộc trường chinh gian khổ.

Kinh tế tăng trưởng và phát triển liên tục, 10 năm qua tăng trưởng trung bình 7%; 5 năm qua tăng trưởng trung bình 7,5%. Năm 2007 – năm đầu tiên là thành viên của WTO, chỉ số tăng trưởng GDP là 8,5%, của xuất khẩu 20,5%, thu hút FDI tăng 17% (TBKTVN ngày 15-10-2007). Năm 2007, Việt Nam được UNDP đánh giá là nước thứ 6 trong “top ten” của thế giới về thu hút FDI cho các năm 2008-2009 (sau TQ, Mỹ, Ấn độ, Nga, Brazil), xếp hạng môi trường kinh doanh được nâng cấp lên 13 bậc….

Sau 22 năm đổi mới, GDP tính theo đầu người tăng gấp 4 lần, đời sống của nhân dân nhìn chung được nâng cao rõ rệt. Việc ngày 16-10-2007 Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc khóa 2008-2009 cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Song chính những thành tựu đạt được này đối chiếu với công sức bỏ ra, với những điều kiện và cơ hội cho phép, phải chăng Việt Nam đang phát triển dưới mức tiềm năng của mình?

Giáo dục, đào tạo, và khoa học 22 năm qua phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào những thành tựu của đất nước. Trình độ giáo dục phổ cập và số lượng học sinh, lực lượng lao động có đào tạo, số người tốt nghiệp các bậc học tăng nhanh so với nhiều nước, đặc biệt trong vòng 10 năm 1993 -2002 tỷ lệ đói nghèo giảm còn một nửa (từ 57% xuống còn 28%).

Những thành tựu nêu trên được thế giới đánh giá là “star performer” trong đổi mới, trong gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội của nền kinh tế đang chuyển đổi (WB).

Trên đây là so sánh ta hôm nay với ta cách đây 22 năm. Tuy nhiên có vấn đề: trung tuần tháng 10-2007 cuộc họp đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội và cuộc họp của đoàn đại biểu quốc hội TPHCM đều nêu ý kiến: Đã đến lúc cần phải xem xét chất lượng cuộc sống so với tăng trưởng kinh tế đạt được. Đấy là chuyện ta so với ta.

Đứng chân trong thế giới này, nước ta còn phải làm hai so sánh nữa:

Một là: chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động so với các nước chung quanh, khoảng cách phát triển không thu hẹp được bao nhiêu; nếu lấy chỉ số thu nhập tính theo đầu người làm thước đo chung nhất, khoảng cách này có xu hướng đang rộng thêm.

Hai là: khả năng phát triển kinh tế theo chiều rộng đã tới mức trần, nước ta đứng trước đòi hỏi phải bằng mọi cách chuyển từ lợi thế so sánh dựa trên lao động giá rẻ và nhờ cậy vào tài nguyên, môi trường sang tạo ra lợi thế cạnh tranh chủ yếu dựa trên phát huy nguồn lực con người. Song nước ta đang vấp phải 3 trở lực lớn: chất lượng còn thấp về nguồn nhân lực, sự bất cập lớn của kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuât, năng lực quản lý hẫng hụt nhiều mặt.

Thực trạng hiện nay:

Báo cáo khảo sát “200 doanh nghiệp top của Việt Nam” của UNDP – Hà Nội xuất bản tháng 9-2007 cho biết: Qua phỏng vấn, các chủ doanh nghiệp Việt Nam đều cho rằng (a) họ phải đào tạo lại hầu hết mọi người ở mọi cấp bậc – học nghề, đại học, sau đại học - mà họ nhận vào doanh nghiệp của mình; (b) họ không tin tưởng vào hệ thống đại học và các viện nghiên cứu của trong nước, vì chất lượng giảng dạy thấp; nội dung yếu và lạc hậu; khả năng nghiên cứu thấp; sách vở và thiết bị đều thiếu, không đồng bộ, cũ kỹ, rất yếu về ngoại ngữ, năng lực tổ chức và quản lý thấp…

Tình hình chung nguồn nhân lực của nước ta hiện nay là: Sau 30 năm công nghiệp hóa, vẫn còn khoảng 70% lao động cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp; tỷ lệ học sinh trên triệu dân, tỷ lệ số trường các loại trên triệu dân, tỷ lệ số trường đại học trên triệu dân; tỷ lệ tốt nghiệp đại học trên triệu dân, tỷ lệ có học vị tiến sỹ trên triệu dân của nước ta đều cao hơn tất cả các nước có mức thu nhập bình quân theo đầu người tương đương như Thái Lan, nhưng chất lượng đang có nhiều vấn đề.

Điều tra của Bộ giáo dục và đào tạo năm 2006 cho thấy cả nước có tới 63% số sinh viên ra trường không có việc làm, 37% số còn lại có việc làm thì hầu hết phải đào tạo lại và có nhiều người không làm đúng nghề mình đã học, trong khi đó nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có FDI và nhiều dự án kinh tế quan trọng khác rất thiếu lực nguồn lực chuyên nghiệp. Khoảng 2/3 số người có học vị tiến sỹ trong cả nước không làm khoa học mà đang làm công tác quản lý; số bài báo khoa học được công bố hàng năm chỉ bằng khoảng ¼ của Thái Lan và bằng 0,00043% của thế giới, mặc dù số tiến sỹ của ta hàng năm nhận bằng thường nhiều hơn của Thái Lan, có năm cao gần gấp đôi…

Nguồn nhân lực nước ta đứng trước tình hình: trẻ (tính theo tuổi đời trung bình – một ưu thế lớn), đông (một ưu thế lớn khác, nước có dân số đứng thứ 13 trên thế giới), nhưng tỷ lệ tính trên triệu dân của số người có nghề và có trình độ chuyên môn rất thấp so với tất các nước trong nhóm ASEAN 6 và Trung Quốc; số cán bộ kỹ trị và có trình độ quản lý cao rất ít so với dân số cũng như so với quy mô nền kinh tế.

Theo điều tra của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2005: Nguồn nhân lực Việt Nam về chất lượng được xếp hạng 53 trên 59 quốc gia được khảo sát, song mất cân đối nghiêm trọng:

- Ở Việt Nam cứ 1 cán bộ tốt nghiệp đại học có 1,16 cán bộ tốt nghiệp trung cấp và 0,92 công nhân kỹ thuật, trong khi đó tỷ lệ này của thế giới là 4 và 10;

- Ở Việt Nam cứ 1 vạn dân có 181 sinh viên đại học, trong khi đó của thế giới là 100, của Trung Quốc là 140 mặc dù mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người của TQ khoảng gấp đôi của nước ta…

Kết quả chung là: Nhìn nhận theo góc độ đánh giá nguồn nhân lực, chất lượng con người Việt Nam thấp về nhiều mặt so với các nước ASEAN6 và Trung Quốc, có nhiều ưu thế không được nuôi dưỡng và phát huy đúng hướng. Có phải như thế không? – xin được xem xét.

Những nguyên nhân chính:

1. Không quan tâm và không kế thừa, phát huy những thành tựu giáo dục của nước ta đã tích lũy được trước đổi mới cũng như những thành tựu của thế giới, không khai thác lợi thế nước đi sau, thậm chí ít nhiều hoang tưởng, duy ý chí hoặc nhân danh phát huy sáng tạo đi tìm một con đường riêng, nhưng thực tế là lạc lõng (ví dụ: định thay bản chữ cái ABC, abc bằng bảng E,e; tình trạng bất cập của chương trình chuẩn, giáo án chuẩn; kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sỹ; một số chương trình nghiên cứu Kx; sáng tác ra học vị phó giáo sư; việc ồ ạt xây dựng trường đại học tại nhiều tỉnh - trong khi đó bằng đại học của nước ta không được quốc tế công nhận…)

2. Tiêu cực và chủ nghĩa cơ hội đã bóp méo những ý tưởng, những mong muốn tốt đẹp dành cho phát triển con người và nguồn nhân lực; làm sai lệch hướng vận dụng mọi nguồn lực.

3. Không lường đúng những khó khăn, mâu thuẫn gay gắt giữa một bên là khả năng cho phép của nguồn lực và một bên là đòi hỏi của phát triển; không lường đúng những mặt phức tạp và những khó khăn rất đa dạng, sâu xa của lĩnh vực thiết yếu bậc nhất và rất nhạy cảm này trong đời sống quốc gia, không nhận thức đúng những yếu kém lớn về năng lực tổ chức và quản lý của bộ máy nhà nước. Duy ý chí và bệnh thành tích đầu độc trầm trọng thêm tình trạng này.

4. Tri thức, tầm nhìn và đạo đức nghề nghiệp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo và quản lý lĩnh vực phát triển giáo dục và nguồn lực con người, dưới tầm so với đòi hỏi của nhiệm vụ.

Phát triển nhân lực - Đổi mới xã hội

Phát triển nguồn nhân lực về thực chất là ngày càng phải làm tốt hơn việc giải phóng con người. Đòi hỏi này đặt ra hai yêu cầu cùng một lúc: Phải tập trung trí tuệ và nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực, mặt khác phải đồng thời thường xuyên cải thiện và đổi mới môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, gìn giữ môi trường tự nhiên của quốc gia.

Vấn đề lớn nhất đặt ra cho nước ta không phải là cái nghèo, mà là ý chí phấn đấu với tất cả trí tuệ và nguồn lực có trong tay – điều này bao gồm cả ý chí xây dựng một thế chế chính trị và đời sống kinh tế - xã hội – văn hóa hướng vào phát huy những giá trị chân chính của con người, trước hết là tự do và nghị lực sáng tạo của nó; kế thừa những thành tựu của văn minh nhân loại.

Ngày nay không thể quan niệm đơn thuần nguồn nhân lực là lực lượng lao động với nghĩa đơn giản là những người làm công ăn lương, những người nông dân ít có điều kiện học hành... Cuộc sống ngày nay đòi hỏi phải nhìn nhận nguồn nhân lực bao gồm tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội và nghề nghiệp khác nhau, mọi địa vị xã hội từ thấp nhất đến cao nhất - kể từ người làm nghề lao động đơn giản nhất, nông dân, công nhân, người làm công việc chuyên môn, người làm khoa học, người làm nhiệm vụ quản lý, nhà kinh doanh, người chủ doanh nghiệp, giới nghệ sỹ, người hoạch định chính sách, quản lý đất nước... Tất cả đều nằm trong tổng thể của cộng đồng xã hội, từng người đều phải được đào tạo, phát triển và có điều kiện để tự phát triển, phải làm mọi việc để từng người đứng đúng chỗ của mình và chịu sự sàng lọc của cuộc sống.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bộ máy công quyền cũng phải đặt thành một ưu tiên. Nâng cao “quan trí”, nâng cao năng lực kỹ trị, nâng cao ý thức công bộc của đội ngũ cán bộ viên chức ăn lương nhà nước. Người ta hay nói nhiều đến ý thức thấp kém của người nông dân, người công nhân… Song hiện tượng đáng lo lắng hơn lại là cuộc sống có không biết bao nhiêu ví dụ về tác trách, về vận dụng hay thi hành sai luật pháp và những chính sách đúng đắn.

Nhìn nhận như vậy, quốc sách về phát triển nguồn nhân lực, về phát huy và sử dụng con người và người tài đòi hỏi phải gắn liền với việc đảy mạnh đổi mới trên nhiều phương diện – về lâu dài là đổi mới toàn diện cả thể chế và xã hội.

Với những điều trình bày trên, phát triển nguồn nhân lực ngày nay không thể chỉ đơn thuần một chiều hiểu theo nghĩa phát triển lực lượng lao động như lâu nay thường làm: mở thêm các trường, các cơ sở đào tạo nghề, cải tiến nội dung dạy, đổi mới chính sách lao động tiền lương, cải tiến công tác công đoàn, phổ biến kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân…

Đặt vấn đề với cách nhìn toàn diện, có nghĩa phải đồng thời và từng bước làm rất nhiều việc khác – ví dụ những việc đã liệt kê ra được như cải cách hành chính, xóa bỏ chủ quản, xóa bỏ bao cấp.., giảm biên chế, bổ túc và đào tạo lại đội ngũ cán bộ viên chức các cấp, mở rộng và nâng cao đội ngũ cán bộ kỹ trị, cán bộ quản lý, người làm chính sách, đổi mới chính sách phát huy con người và dùng người…; còn biết bao nhiêu việc chưa liệt kê ra được như trong phát huy dân chủ, trong đổi mới thể chế quốc gia, trong hội nhập sân chơi toàn cầu...

Phát triển nguồn nhân lực hiển nhiên đòi hỏi phải đồng thời đổi mới triệt để toàn xã hội hướng thiện - theo những giá trị chân chính – ví dụ, để có một môi trường xã hội trọng công bằng, kỷ cương, đạo đức; pháp luật được coi làm chuẩn mực; xã hội trở thành xã hội học tập.

Thắt lưng buộc bụng cho sự học

Trước khi bàn tiếp, xin kiến nghị:

1. Bất luận lựa chọn và quyết định giải pháp gì và trong bất cứ hoàn cảnh nào, ý chí muốn học, tinh thần ham học, quyết tâm chịu đựng mọi hy sinh khốn khó để học và học cho đến cùng của người dân nước ta cần được gìn giữ, nâng niu, cổ vũ.

2. Giải pháp nào cũng phải hạn chế xuống mức thấp nhất gánh nặng dồn lên vai học sinh.

3. Bình đẳng về cơ hội cho mọi người là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của xã hội văn minh, trong đó bình đẳng về cơ hội trong giáo dục là quan trọng bực nhất.

Xin nêu ra một số vấn đề dưới đây để thấy rằng tình hình dù bức xúc thế nào, cũng không thể nôn nóng được, vì cuộc sống không có liều thuốc tiên.

Vấn đề tăng học phí

Đây đang là vấn đề thời sự nóng hổi nhất.

Phó thủ tướng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: Tăng học phí là một đột phá trong tài chính cho giáo dục đại học, thay vì trả học phí thấp theo mức thu nhập hiện tại của quốc gia và người dân thì chúng ta phải trả học phí ở mức đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đa số người ra trường phải có việc làm và thu nhập khá.

Mức thu nhập này cho phép trả lại số tiền đã vay để trả học phí trước đó. Tức là lấy thu nhập của tương lai cao hơn rất nhiều so với học phí hiện tại để trả học phí ở mức có chất lượng đào tạo cao. Đối với bậc đại học, nếu không tăng học phí thì không thể giải quyết được vấn đề chất lượng…

Ông đã nhiều lần nhấn mạnh tăng học phí gắn với nói “không” với dạy học không có chất lượng, với dạy những điều thị trường không có yếu cầu.

Logic là như thế, song có nhiều ý kiến cho rằng thực hiện điều nói “không” này đòi hỏi nhiều thời gian và nhiều biện pháp đồng bộ, không thể ngày một có ngày hai có ngay được.

Trong giải quyết vấn đề có nhiều mối hệ lụy phức tạp, chọn khâu đột phá thường là cách tiếp cận cần thiết; song chính biện pháp “đột phá” lại đòi hỏi phải cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều mặt, nếu không biện pháp đột phá có nguy cơ: phá mà không đi tới đột. Có ý kiến nói: Chương trình đào tạo 20.000 tiến sỹ và 1 tỷ USD cho dạy nghề cho thấy thiếu tiền chưa phải là vấn đề nóng bỏng nhất đối với giáo dục. Ý kiến giáo sư Hoàng Tụy khá rõ: vấn đề nóng bỏng hơn là sự phân bổ và sử dụng đúng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước đang có trong tay…

Ngoài ra còn có một số người nêu câu hỏi: Hiến pháp quy định bậc tiểu học hoàn toàn miễn phí, tại sao vẫn có tình trạng đóng góp dưới dạng thu một loại phí hay học phí…

Còn nhiều câu hỏi khác nữa, tập trung vào nỗi bức xúc: Làm gì với mọi nguồn lực sẵn có trong tay sớm xây dựng nên một nền giáo dục đáng mong muốn?

Vì vậy, trước mắt vấn đề tăng học phí chỉ nên thực thi với tính chất là khâu đột phá sau khi đã có kế hoạch đầy đủ trên cơ sở rà soát và phân bố lại toàn bộ thu - chi cho giáo dục từ ngân sách nhà nước cũng như từ phần đóng góp của dân; chống thất thoát và tham nhũng trong ngành giáo dục; xóa bỏ những thu - chi không hợp lý trong ngành để dồn cho nâng cao chất lượng giáo dục.

Rất đáng cả nước thắt lưng buộc bụng để mà học. Điều này có nghĩa là huy động đóng góp phải đúng và gắn liền với cắt bỏ những lãng phí. Tôi xin nhấn mạnh xóa bỏ những lãng phí – ví dụ những khoản chi cho những công trình nghiên cứu vô bổ, những chi tiêu sai (như báo cáo Kiểm toán Nhà nước 2007 đã nêu ra) hay những khoản đầu tư sai từ ngân sách nhà nước, cắt bỏ những chi tiêu vì chạy theo thành tích hình thức, kể cả những việc học hình thức… Làm được như vậy chắc chắn nước ta không đến nỗi quá ít tiền để phát triển giáo dục.

Tựu trung lại, tăng học phí với tinh thần cả nước thắt lưng buộc bụng để mà học là rất nên. Cả nước cần quyết tâm làm như thế để sớm ra khỏi dốt và nghèo. Nhưng phải làm đúng với tinh thần thắt lưng buộc bụng – với nghĩa thu, chi từng xu từng đồng phải tính toán chi li: lấy từ đâu, chi vào việc gì, hiệu quả thế nào.

Không có lý do gì cả nước – bắt đầu từ Đảng đến toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống xã hội của cả nước - lại không dấy lên ý thức xây dựng một chuẩn mực đạo đức và văn hóa cho lẽ sống và ý chí phấn đấu: Thắt lưng buộc bụng cho cái học, cả nước học, toàn xã hội là xã hội học tập. Điều này đáng khao khát lắm, vì học như thế sẽ được trí tuệ mà nên người. Nhưng cũng thiết tha xin đừng làm việc này như một “phong trào”!

Vấn đề chất lượng giảng dạy

Có hai vấn đề lớn: Chương trình giảng dạy và người dạy.

Về chương trình giảng dạy: Hầu như có sự đồng tình rộng rãi phải cải tiến mạnh mẽ chương trình giảng dạy của các loại trường ở tất cả các cấp, nhưng cải tiến như thế nào để không đi vào vết xe của những đợt cải cách, cải tiến đã thực hiện trong 20 năm qua, thì chưa được bàn tới một cách triệt để, thực tế là đang còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trên báo chí, nhiều học giả Việt Nam sống trong nước và ở ngoài nước đã giới thiệu nhiều mô hình khác nhau của các nước có nền giáo dục tiên tiến (Phần Lan, Anh, Đan Mạch, Bỉ, New Zealand, Úc…).

Những kiến nghị này đều toát lên một số ý chung: Cải cách giáo dục đang trở thành vấn đề thời sự ở nhiều nước, chứ không riêng gì nước ta, đương nhiên mỗi nước có những vấn đề riêng của mình. Điểm giống nhau là không nước nào dám khoanh tay ngồi yên.

Ở Mỹ cải cách nhằm mục đích chính là cơ cấu lại nguồn nhân lực nước Mỹ đứng trước tình hình: xu thế “outsourcing” ngày càng mạnh của nền kinh tế Mỹ; hàng tiêu dùng rẻ đổ vào Mỹ ngày càng nhiều, đòi hỏi kinh tế Mỹ phải tiếp tục loại bỏ nhiều sản phẩm; lao động rẻ nhâp cư tăng mạnh. Ở nhiều nước Tây Âu, mục đích chính của những nỗ lực này là đẩy mạnh kinh tế tri thức và thích ứng với đòi hỏi mới của nền kinh tế toàn cầu hóa.

Trung Quốc và Ấn Độ nhằm nâng cao chất lượng đại học và đảy nhanh tiến độ tiếp cận, ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ mới. Nhật chú trọng hơn nữa đến giáo dục chủ nghĩa yêu nước đáp ứng yêu cầu nước Nhật sớm trở thành một cường quốc hoàn chỉnh cả kinh tế và chính trị.

Singapore – vì mục đích kinh doanh và vì muốn tiếp tục giữ vị thế quốc tế của mình - chú trọng làm mọi việc để trở thành “cái lò” đào tạo trí thức cho các nước (nhất là các nước trong khu vực), bao gồm cả việc mời những trường đại học quốc tế có tên tuổi sang mở trường trực tiếp ở Singapore, song ý đồ này không dễ gì thực hiện…

Ở Pháp, thư của tổng thống Sarkozy gửi các nhà giáo Pháp đặt vấn đề một cách toàn diện, bắt đầu từ đổi mới quan điểm dạy học – kể từ dạy các lớp học sinh nhỏ tuổi, sao cho nhân bản hơn, phát huy tốt hơn năng lực riêng của mỗi cá tính, tránh tình trạng dao động lúc quá nhấn mạnh cái này, khi quá nhấn mạnh cái kia; cần tuân thủ “mỗi thời kỳ lịch sử gợi ra những ước vọng riêng”…

Điểm qua như vậy, chúng ta sẽ được những gợi ý gì về nội dung và chất lượng giảng dạy? Đây là điều rất đáng suy ngẫm.

Về người dạy ở nước ta: Gần đây có nhiều tiếng nói trên báo chí thẳng thắn phê phán tình trạng chất lượng thầy dạy nhìn chung trong cả nước là thấp; không hiếm trường hợp thầy, cô giáo đứng nhầm bục dạy; dạy theo giáo án tủ, giáo án mượn; dạy theo theo lối mài chữ, chép chữ; tình trạng các trường thiếu thầy…

Nguyên nhân có nhiều và cũng được nêu lên khá đầy đủ trên báo chí.

Một trong những giải pháp được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra giải quyết vấn đề thiếu thầy nêu trên là đề án đào tạo 20.000 tiến sỹ, căn cứ vào Nghị quyết số14/2005NQ-CP ngày 02-11-2005 của Chính phủ về “đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020”.

Giáo sư Bùi Trọng Liễu nhận xét: “Đề án đào tạo 2 vạn tiến sĩ cho mươi năm tới lại không đủ sức thuyết phục. …Ông bộ trưởng có lý khi phát biểu muốn nâng một cách đáng kể tỉ số tiến sĩ [này], nhưng nếu số trường đại học có hạn thì dễ thực hiện hơn, còn nếu mở vung vãi quá nhiều đại học thì đề án trở thành bất khả thi. Bởi vì đào tạo tiến sĩ không dễ : đào tạo trong nước đã khó; gửi ra ngoài đào tạo cũng khó, vì các trường đại học nghiêm chỉnh nước ngoài cũng tuyển một cách chặt chẽ; không phải nghiên cứu sinh Việt Nam nào được phép đi du học cũng có thể ghi tên soạn luận án được, và ghi tên soạn luận án tiến sĩ rồi không có nghĩa là sẽ hoàn thành nổi một luận án. Đã có những trường hợp phải bỏ cuộc ».

Chất lượng nhà trường nước ta: Nhiều trường, nhiều trường lớn và đông, chất lượng nhìn chung thấp.

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện nay có 322 trường đại học và cao đẳng, trong đó khoảng 1/10 là dân lập (nghĩa là trường tư). Tiến sỹ Vũ Quang Việt cho rằng như thế là số trường quá nhiều so với tỷ lệ dân số và mức thu nhập quốc dân thu nhập – cao hơn Trung Quốc 15% mà mức thu nhập của nước ta chỉ bằng ½ của Trung Quốc.

Anh Vũ Quang Việt lưu ý quy mô một số trường của nước ta quá lớn: “…Đại học Quốc gia TPHCM 81 ngàn, Đại học kinh tế TPHCM 34 ngàn, Đại học Huế 81 ngàn, Đại học Đà Nẵng 52 ngàn, Đại học mở Hà Nội 46 ngàn, Đại học Thái Nguyên 34 ngàn... Đây là những đại học vào hàng khổng lồ nhất thế giới. Ở Mỹ, đại học lớn nhất là Arizona State cũng chỉ có khoảng 52 ngàn sinh viên. Các đại học hàng đầu của Mỹ chỉ khoảng 15 ngàn. Tôi không hiểu trong mỗi đại học Việt Nam có bao nhiêu sinh viên là chính khoá, còn bao nhiêu là tại chức, chuyên tu”.

Đó là đặc điểm chung nhất cho các loại trường từ tiểu học cho đến đại học, các học viện, viện nghiên cứu. Nguyên nhân phổ cập là nghèo. Tuy nhiên, một chiều đổ mọi tội lỗi nên cái nghèo sẽ không tìm được lối ra.

Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với tinh thần chống bệnh thành tích của năm 2006 và 2007 đưa ra nhiều con số, sự việc làm choáng váng cả nước, phản ánh toàn diện thực trạng nhà trường cấp trung học phổ thông của nước ta.

Thực tế nêu trên cho thấy đại học mang tính đại trà kéo dài nhiều năm như vậy trong một nước nghèo, và trình độ tổ chức và trình độ quản lý đều rất hạn chế, tất yếu để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đây là vấn đề rất khó tháo gỡ, càng khó tháo gỡ nhanh, nhưng trước sau không thể tránh né được.

Ngoại ngữ đang là một trong những vấn đề bức thiết nhất và cũng bất cập nhất của nhà trường nước ta. Không thể hình dung sống trong thế giới ngày nay không có ngoại ngữ. Con đường tiếp cận mọi thành tựu văn hóa, tiến bộ khoa học và kỹ thuật của thế giới, con đường hội nhập vào kinh tế và cộng đồng thế giới đều phải đi qua cái cầu ngoại ngữ. Con đường khai thác lợi thế nước đi sau và làm giàu trí tuệ của chính mình phải có ngoại ngữ hỗ trợ.

Đã đến lúc phải đưa chương trình dạy ngoại ngữ trở thành một phần bắt buộc trong chương trình giảng dạy từ cấp phổ thông – khả năng cho phép đến đâu thì thực hiện tới đấy rồi mở rộng dần ra – ví dụ bắt đầu từ các vùng đô thị và kinh tế phát triển. Vì yêu cầu hội nhập và vì ở sát nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc, học tiếng Anh và tiếng Hoa ngày càng trở nên cấp thiết.

Riêng về mặt văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ, phát huy truyền thống và bản sắc dân tộc. Còn rất nhiều việc phải làm để văn hóa Việt trở thành tâm hồn dẫn dắt con đường đi lên của đất nước, là yếu tố gìn giữ sự trường tồn của dân tộc ta. Để đứng được trong cạnh tranh của toàn cầu hóa, Việt Nam chẳng những cần hiển diện trước thế giới là một nền kinh tế mà còn là một hình ảnh văn hóa của chính mình.

Nâng cao quyền năng con người

Nếu được phép nêu ra một đề nghị với nhà nước, tôi xin nói: Đề nghị nội dung của nhiệm vụ phát triển con người và nguồn nhân lực của nước ta nên tập trung vào yêu cầu nâng cao quyền năng con người. Không thể cầm tay chỉ bảo từng người trồng cây gì con gì, làm sản phẩm nào để thoát được nghèo hèn.

Con người được nâng cao quyền năng về trí tuệ, về ý chí sẽ tìm được cho mình con đường đi lên, trong đời sống và lập nghiệp sẽ khó bị lừa hay bị bắt nạt, dễ tiếp thu cái mới và không dung tha cái lạc hậu, sẽ biết cách thực hiện và bảo vệ lợi ích của mình và lợi ích cộng đồng, sẽ làm được nhiều việc lớn. Đấy là con đường hứa hẹn nhất khắc phục sự tụt hậu của đất nước. Quốc gia có những công dân đầy quyền năng như thế, quốc gia này sẽ tiến lên văn minh hiện đại. Đề nghị này khó, nhưng rất nên.

Nếu được phép nêu ra một đề nghị như thế với người dân, với thanh thiếu niên, tôi xin nói: Yêu tổ quốc mình với tất cả bản lĩnh người Việt Nam, với tinh thần thắt lưng buộc bụng để mà học, với tất cả sự khiêm tốn đến nhẫn nhục, với lòng kiên nhẫn như đào núi lấp biển, xây dựng ý thức hiệp đồng, gìn giữ bằng được chữ tín, tất cả để làm chủ bản thân mình và làm chủ thực sự đất nước của mình, gìn giữ và không dung tha sự vi phạm quyền làm chủ này. Tôi hy vọng đó cũng là con đường mỗi bạn và cả nước ta có thể trở thành đối tác tin cậy của cả thế giới trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

.............................................

(*): Tựa đề và các tít nhỏ do TTO đặt

NGUYỄN TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên