05/02/2004 16:48 GMT+7

Thơ xuân của Trần Nhân Tông

NGÔ VĂN PHÚ (Báo Văn Nghệ Trẻ)
NGÔ VĂN PHÚ (Báo Văn Nghệ Trẻ)

Vua Trần Nhân Tông, người đã cùng vua cha Thánh Tông chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông và là người sáng lập thiền phái Trúc Lâm - cũng đồng thời là một nhà thơ với nhiều bài cảm tác về mùa xuân đầy tinh tế và sâu sắc.

SGoVubTX.jpgPhóng to
Các vua nhà Trần (thế kỷ 13) dùng núi rừng Yên Tử làm nơi tu hành và phát triển đạo Phật, hình thành phái Trúc Lâm Tam tổ -Ảnh: Vietnamtourism
Vua Trần Nhân Tông, người đã cùng vua cha Thánh Tông chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông và là người sáng lập thiền phái Trúc Lâm - cũng đồng thời là một nhà thơ với nhiều bài cảm tác về mùa xuân đầy tinh tế và sâu sắc.

Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của đời Trần. Ông thừa hưởng sự thông tuệ của ông nội là Thái Tông và cha là Thánh Tông, lên ngôi năm 1278, mất năm 1320.

Nhân Tông là vị vua cùng Thượng hoàng Thánh Tông chủ trì hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông oanh liệt nhất, cũng là vị vua sáng suốt, kiến tạo những năm đầu xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Ông còn là người lập ra thiền phái Trúc Lâm, cùng Trần Thái Tông, xây dựng thiền phái riêng ở trời Nam này, và có những học thuyết về thiền học khá sâu sắc. Nhưng vua cũng là người yêu thiên nhiên, hay làm thơ.

Ông để lại nhiều thơ trong các tập Thơ Trần Nhân Tông, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ. Nhưng hiện nay, theo các nhà sưu tập thơ Lý Trần, thì chỉ giữ lại được 31 bài thơ của ông. Trong 31 bài thơ này, có đến gần chục bài thơ về mùa xuân. Có thể về mùa xuân, nhà vua hay đi du ngoạn, và từ đó làm thơ.

Đây là một nét xuân ban mai:

Xuân hiếu

Buổi sớm mùa xuân

Thủy khởi khải song phiBất tri xuân dĩ quy Nhất song bạch hồ điệp Phách phách sấn hoa phi

Ngủ dậy tung song cửa Nào hay xuân đã sang Một đôi bươm bướm trắng Gặp hoa, cánh vội vàng.

Nhà thơ bất ngờ trước cảnh xuân đến, càng bất ngờ thấy cái rộn rã của mùa xuân qua đôi bướm trắng chớp cánh bay đến với hoa. Tình kín đáo mà cảnh thì hồn nhiên. Thi tứ đã chớp được cái khoảnh khắc ấy. Còn đây là ý nghĩ khi đến vãn cảnh chùa Cổ Châu:

Đề Cổ Châu hương thôn tự

Đề chùa Cổ Châu

Thế số nhất sách mặc Thời tình lưỡng hải ngân Ma cung hồn quản thậm Phật quốc bất thăng xuân

Số đời thật mờ mịt Mắt giấu tình bên trong. Cai quản cung ma chặt Đất Phật xuân thong dong

Từ chùa nghĩ về xứ Phật. Cõi thiền vậy đấy, nhưng biết đâu, khi mùa xuân đến thì cái tình vẫn nhen nhóm. Muốn tu được thì không gì khác phải giữ sao cho không có đất của sự cám dỗ thì mùa xuân cửa Phật mới thật yên ổn. Chuyện Phật ư? Chuyện đời và cả chuyện răn mình nữa đấy chứ!

Còn đây là xuân trên hồ Động Thiên:

Động Thiên hồ thượng

Trên hồ Động Thiên

Động Thiên hồ thượng cảnh Hoa thảo giảm xuân dung. Thượng đế liên sầm tịch Thái thanh thì nhất chung

Cảnh hồ Động Thiên nọ, Hoa cỏ giảm mầu xuân Thượng đế thương hiu quạnh Tầng xanh chuông bỗng ngân

Trần Lê Văn dịch

Hồ ở nơi vắng vẻ cằn khô, khiến vẻ xuân hoa cỏ cũng kém phần. Nhưng cái phần xuân ở trên tầng trời xanh vẫn dồi dào lắm. Và trời đã đem cái hương xuân ấy từ trời đến cho vùng đất xa xôi hẻo lánh này qua những tiếng chuông ngân... Phải có tâm hồn tinh tế đến thế nào mới nhận biết được cái tình của vũ trụ, không để cho một nơi nào dù hiu quạnh phải thiệt thòi. Cái tâm nhân hậu bao la mới có được cái tứ thơ như thế.

Nhà vua thường hay quyến luyến với cái vẻ xuân, và lần nào người cũng nhận được những điều sâu kín từ trong những ngày xuân ấy. Người viết:

Xuân cảnh

Cảnh xuân

Dương liễu hoa xuân điểu ngữ trì Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi Khách lai bất vấn nhân gian sự, Cộng ỷ lan can khán thúy vi!

Khoan nhặt chim kêu hoa liễu dầy Họa đường thềm dãi bóng mây bay Chuyện đời khách đến không hề hỏi Cùng tựa lan can ngắm cảnh ngoài.

Mùa xuân đẹp đến nỗi không muốn bàn đến chuyện thế sự nữa. Khách đành cùng chủ tựa lan can mà ngắm vẻ xanh thắm của mùa xuân.

Nhưng bài thơ hay nhất của Trần Nhân Tông về mùa xuân lại là bài Xuân nhật yết chiêu lăng:

Xuân nhật yết Chiêu lăng

Ngày xuân thăm Chiêu lăng

Tì hổ thiên môn túc Y quan thất phẩm thông Bạch đầu quân sĩ tại Vãng vãng thuyết Nguyên Phon

Nghiêm trang nghìn cửa quân hùm, Trăm quan bảy phẩm một vùng cân đai. Bạc đầu, chàng lính nhắc hoài, Chuyện Nguyên Phong cũ những ngày ruổi rong

Đến thăm lăng mộ của Trần Thái Tông, vào mùa xuân, trước ba quân hùng mạnh, trăm quan rờ rỡ. Sau lúc bái yết lạy ở trước lăng, hỏi chuyện người lính già, thì ông ta luôn nhắc đến chuyện thời Nguyên Phong, tức là đời Trần Thái Tông... Thế là khi đất nước triều đình hùng mạnh, thì những người lính lại là người nhớ đến những ngày khởi nghiệp gian nan vất vả nhất. Ý tứ thật sâu sắc. Cái ý ngày xuân, được nhắn nhủ kín đáo và thâm trầm xiết bao. Một vị vua anh hùng, một vị học giả uyên thâm, mới có được những vần thơ xuân như thế.

NGÔ VĂN PHÚ (Báo Văn Nghệ Trẻ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên