![]() |
Chiêu moi tiền của các tiệm sửa xe thuộc loại “mỗi cây mỗi hoa”: Có tiệm thì chuyên cháy mobin sườn, tiệm khác thì chết bugi, cháy IC, lại có tiệm không bao giờ cháy gì cả, chỉ cháy có mỗi mobin lửa như tiệm sửa xe V.A ở quận Gò Vấp chẳng hạn. Mà lạ một điều là đa số những xe mang vào tiệm này bị phán là “cháy mobin lửa rồi, phải quấn lại mới chạy được” đa phần là xe mang biển số tỉnh.
Thằng em họ tôi - có con xế Surius mới mua chưa được một năm - kể giọng bực tức: “Xe đang chạy, bỗng nhiên nổ cà giựt rồi tắt máy, mang vào tiệm V.A sửa thì thợ kêu để đó đi, chiều ra lấy. Đến chiều ra nhìn cái hóa đơn tính tiền mà chóng mặt, gần một triệu đồng, trong đó số tiền lớn nhất là quấn 8 tép mobin lửa”. Nói rồi, nó đưa cho tôi xem cái hóa đơn ghi tiền quấn một tép mobin lửa là 70.000 đồng chưa tính tiền công. “Vì chưa lãnh lương, nên em phải cầm cạc-vẹt xe (giấy đăng ký xe) để lấy tiền trả, lấy xe xong em mang ra hãng nhờ kiểm tra thì người ta nói cái mobin lửa vẫn bình thường, không có chuyện mới quấn”.
Vì sợ thằng em nói oan cho người “tử tế” của tiệm sửa xe “tử tế”, tôi quyết định mượn con xế attila cũ của thằng bạn có vấn đề về xú-páp để mang ra tiệm sửa xe V.A.
Xe bị hư xú-páp thường hay tắt máy nửa chừng do mất hơi, muốn xe chạy bình thường thì phải sấy lại xú-páp. Thế nhưng khi đem xế ra tiệm V.A tôi thấy gã thợ làm vài động tác đơn giản như thử xem bình còn điện không và thử lửa rồi phán: “Xe bị cháy mobin lửa rồi, phải mở ra kiểm tra quấn lại thì mới chạy được”. Miệng nói tay làm, gã gỡ mobin lửa ra. Nhìn cái mobin lửa tôi thấy nó không có dấu hiệu gì là bị cháy, tôi hỏi: “Sao tôi thấy nó vẫn bình thường mà?”. “Thợ người ta nhìn vô mới biết là cháy hay không, chứ không phải thợ, nhìn sao biết?” - gã đáp. “Vậy phải quấn lại hay thay cái mới?”. “Quấn cũng gần bằng tiền mua cái mới nhưng quấn thì xài tốt hơn vì có bảo hành”. Nói xong gã định lấy kéo cắt dây điện thì tôi ngăn lại với lý do không đủ tiền; gã vứt đồ xuống, vùng vằng chửi gì đó rồi kêu một gã khác đến gắn vào cho tôi. Mất 30.000 tiền công tháo ra ráp vào, tôi không tiếc, mà chỉ tiếc là tại sao tiệm sửa xe V.A là một cơ sở bề thế như vậy mà để thợ làm ăn không tử tế tí nào!
Theo một thợ sửa xe của hãng YAMAHA cho biết thì mobin lửa của xe Surius có 8 tép, 4 tép lửa, 4 tép đèn. “Xe mới mua từ một đến hai năm không bao giờ có chuyện bị cháy mobin lửa, mà nếu có cũng chỉ cháy một đến hai tép thôi, không thể cháy một lúc 8 tép” - anh khẳng định thế.
Đủ chiêu chặt chém
Cũng như bao ngành nghề kinh doanh kèm chặt chém khác, thợ sửa xe gắn máy cũng có nhiều chiêu chặt chém thuộc hàng kinh điển khiến cho nhiều chủ xe chỉ biết cười ra nước mắt. Một chị bạn của tôi kể: “Mới mua chiếc Lead hôm trước, hôm sau mình đi làm về thì có người chạy đằng sau bảo em ơi, xe em cháy kìa. Nghe thế mình hoảng hồn dừng lại thì người ấy bảo đưa xe vào tiệm của anh ta cách đó vài mét để kiểm tra. Mang xe vào, anh ta móc trong xe ra một cục nhựa màu đen, bảo là IC bị cháy và thay cái mới. Cứ nghĩ cái cục đó chỉ vài chục nghìn nhưng thay xong anh ta tính đến 500.000 đồng”. Chị cho biết thêm, không phải một mình chị được “người tử tế” chạy theo báo cháy xe, xe bốc khói mà nhiều người cũng bị chính người đàn ông đó “báo mộng”. Và lần nào đưa xe vào tiệm, ông ta cũng móc ra IC, mobin sườn và dọa: “nếu không thay cái mới sẽ dẫn đến chập điện, cháy xe”. Đối với “phụ nam” không rành về xe nghe dọa còn sợ huống chi phụ nữ, nghe dọa cháy xe là vãi linh hồn, bảo thay mười cục IC hay mobin họ cũng gật đầu chứ nói chi một cục.
Lần khác, tôi có việc phải ra trung tâm Sài Gòn. Xe đang chạy thì chết máy, tìm “đỏ con mắt bên phải, mệt con mắt bên trái” cũng không thấy tiệm sửa xe nào.
Đang chán nản thì may quá, ngay góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có một điểm sửa xe vỉa hè; đưa xe vào, nhìn qua cái “cấu hình” của gã thợ cùng mớ đồ nghề nghèo nàn, tôi biết tay nghề của gã này chỉ dừng lại ở việc bơm hơi vá ép. Vậy mà lúc đưa xe tôi lên lề gã nổ như súng liên thanh: “Nhìn qua là biết xe này bệnh nặng lắm nhưng vào tay anh thì bệnh cỡ nào cũng chạy tốt”. Lôi mớ đồ nghề nghèo nàn ra, gã mở mở vặn vặn một lúc rồi bảo: “Cháy mobin sườn, mất lửa luôn rồi” rồi đề nghị tôi thay mobin sườn với giá 350.000. Trời tối, tiệm sửa xe thì thuộc loại “quý hiếm” nên tôi đành cắn răng để thay. Mà theo lời gã thì “hàng Nhật, bảo hành vĩnh viễn”. Thế nhưng, vài hôm sau thì chiếc xe lại giở chứng, đem xe ra tiệm quen tôi tá hỏa khi anh thợ sửa xe cho biết xe bị cháy mobin sườn. Phải thay cái mới với giá 70.000. Thắc mắc là mobin mới thay thì anh cho biết là xe tôi có thay nhưng không phải thay mobin sườn mà thay bugi, còn cái mobin sườn bị cháy là cái tôi thay ở tiệm anh hơn 2 năm trước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các thợ sửa xe thường tung chiêu bằng các cách lúc chủ xe không để ý sẽ rút dây cấp lửa của mobin sườn. Còn với chiêu quấn tép lửa thì đổ chồng lên đó một lớp keo mới, để khi nhìn vào chủ xe tưởng là mới quấn, hoặc thay đồ mới. Có tiệm còn chỉnh cả con ốc bố để xe bị tuột bố, nên khi nổ máy vào số xe vẫn không chạy và đề nghị thay bố nồi với giá cắt cổ. lại có tiệm ăn bẩn đến mức thay ruột xe thay vì cậy và mở bên phải thì họ mở bên trái làm cho mấy cục cao su đùm văng ra để thay cao su mới.
Nói về tiệm sửa xe tung chiêu móc túi thì có lẽ kể hoài không hết. Vì thế khi mang xe đi sửa, các chủ xe cần mang đến những tiệm quen biết hay cửa hàng ủy nhiệm, để tránh bị “thay đồ đểu lấy tiền thật”.
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận