25/06/2015 22:49 GMT+7

Lịch sử hai cây đờn đã giúp anh Trần-văn-Khê đoạt giải

ÁI LAN
ÁI LAN

TTO - Ba tuần sau khi đăng trân trọng ngay ảnh bìa nhạc sĩ trẻ Trần Văn Khê dự Đại hội âm nhạc sinh viên Budapest (Hunggari), Việt báo số 21-1949 tiếp tục đăng ảnh bìa về người nhạc sĩ trẻ này với bài viết bên trong về hai cây đờn mang đi thi của nhạc sĩ sinh viên Trần Văn Khê.

Nhạc sĩ trẻ Trần Văn Khê trên đường sang Thụy Sĩ và Hunggari khi dự Đại hội âm nhạc Budapest (Hungari) - Ảnh bìa Việt báo số 21-1949

Bài viết ký tên Ái Lan, gửi cho một người bạn ở Pháp.

Cũng như bài trước, bài này TTO xin được xin được phép giữ nguyên các hành văn, từ dùng và quy cách chính tả của người Nam bộ, người Sài Gòn lúc ấy (1949):

Bạn NGỌC-LAN, 

​Trong số báo trước, tôi đã hứa với bạn sẽ kể lại lịch-sử hai cây đờn của anh Khê. Chắc bạn đã mỉm cười, nếu bạn không bỉu môi thầm bảo: Lịch-sử quái gì hai cây đờn ấy.

Thì cứ ra chợ Cầu ông Lãnh mà mua, hay là mua lại đờn cũ của ai đó chớ gì.

Vâng, chính thế, nhưng bạn ạ, bạn có biết đâu trong hai cây đàn đó, nó còn ẩn náu bao nhiêu niềm uẩn khúc đầy triết lý của cái nghèo nơi một nghệ-sĩ chơn chánh như anh Khê chẳng hạn.

Vậy, mời bạn hãy đọc dưới đây một mẫu giai thoại… vui vui về hai cây đờn “bạch chãng” của anh Khê, nhưng tôi cấm bạn cười… ra nước mắt đấy!

Tại nhà ở, chúng tôi đang ngồi nói chuyện phiếm để đỡ sốt ruột trong lúc chờ anh Khê và vài người bạn khác, để dự một bữa tiệc tiễn chơn anh Khê sang Pháp, bỗng một tiếng két của chiếc xe xích-lô thắng ngoài ngõ, và tiếp theo một giọng cười đặc biệt của anh Khê là lúc nào cũng hồn nhiên, sung sướng, từ ngoài cửa ném vào. Một người bạn nói khẽ với tôi: “Anh ấy đi đến đâu là mang cả một vũ-trụ lạc quan đến đó”.

Lời phê-bình vắn tắt, nhưng rất đúng. Bạn không thể nào giữ được nỗi buồn, nếu bạn nghe giọng cười của anh Khê một khi đã cất lên.

Trong lúc chúng tôi nói lén anh, thì anh đã bước vào với hai cây đàn, một cũ, một mới. Cây cò còn mới tinh của anh, làm bằng một thứ cây gì trắng tươi như cây thông mà anh Khê gọi là màu “bach chãng”.

Tôi vội thuật lời nói lén của người bạn khi nãy với anh Khê, anh phá lên cười một chuổi dòn tan trong lúc anh cẩn thận đặt hai cây đờn xuống ván. Bỗng anh Khê hạ thấp giọng:

“Không biết giờ này, vợ tôi đã chạy ra tiền đi chợ chưa? Nhà chỉ còn có vài chục bạc, tôi đã lấy hết đi mua đờn từ sáng tới giờ”. Nói xong, anh lại cười, để cho chúng tôi… ra nước mắt!

- Anh mua đờn làm gì mà gấp đến phải vét cả tiền chợ?, tôi hỏi.

Anh Khê cho hay rằng anh định đem hai cây đờn đó sang Pháp đờn bậy chơi. Nhứt là trong lúc ở dưới tàu, linh-đinh trên mặt biển gần trót tháng.

Anh lại cho biết, cây cò anh mua ở Cầu ông-Lãnh, còn cây tranh, anh xin của cậu anh đem về chữa sửa lại mấy chỗ hư hỏng, vì nó đã cũ kỹ.

-  “Chưa đủ, anh phải đem theo một cái lon, hay cái nón lá xe kéo để người ta bỏ xu, khi anh ngồi đờn nơi mấy cái nhà ga xe điện”. Một người bạn nói đùa.

- “Mua thêm cây độc huyền và một cuốn thơ Lục vân Tiên”.

Tất cả các bạn đều rộ lên cười.

Sau khi cười dứt, anh Khê nghiêm trang nói:

“Được chớ! Nếu ngày nào thấy cần, tôi sẽ làm thế".

- Anh không mắc cở à? Tôi hỏi.

Khê nhìn tôi với đôi mắt trách thiện:

“Tôi làm gì mà mắc-cở? Nghèo, đi đờn mướn, hát dạo, kiếm tiền ăn, học, nếu nghề ấy có thể giúp tôi học”.

Sau khi dùng cơm xong, anh Khê đờn cho chúng tôi nghe trước khi anh lên đường.

Tối hôm ấy, một bác sĩ ở Cholon lại tiễn anh Khê và thết luôn chúng tôi một bữa cơm Tàu. Bộ đồ “vía” của anh Khê để dành mặc trong lúc đặc biệt, được nó trang hoàng vào người anh, huê dạng như… một chánh khách… chầu rìa.

Sau khi ăn uống xong, chúng tôi đón xe “tắc-xi” về Saigon. Trước khi lên xe, anh Khê kê miệng vào tai H… nói nhỏ: “Ê! H trả tiền xe nhé”.

Cách đó vài tháng, chúng tôi được đọc một bức thơ của anh Khê từ Pháp gởi về cho một người bạn tên H. Trong ấy, có một câu đã làm cho tôi cảm động và ghi nhớ mãi: “H… ạ! Sự sống của tôi ở Paris lúc nầy nguy ngặt quá vì số tiền bà gia tôi dự bị để gởi lần cho tôi tạm lúc đầu đã bị gián đoạn, do một việc rủi-ro bất ngờ. Lắm lúc, tôi muốn thực-hành lời nói đùa của các bạn trong buổi tiệc tại nhà P. là đem đờn kéo dạo ở mấy nhà ga. Nhưng bạn ạ! Chỉ vì một lẽ là tôi đã lên diễn đàn mấy lần trong những cuộc lễ của Tổng Hội Sanh Viên V.N tổ chức. Nếu tôi ra ngồi đờn hát như thế, sợ mất thể diện cho Hội. Còn về cá nhân tôi, tôi không ngại gì việc ấy…”

Hôm nay, tôi không ngờ hai cây đờn mà gia-đình anh Khê đã nhịn ăn một ngày để lấy tiền mua nó, nó đã giúp anh Khê đoạt giải nhì về âm nhạc cổ Việt Nam trước mấy ngàn đại-biểu sanh viên quốc-tế ở Budapest.

ÁI LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên