Thịt nhân tạo được 'nuôi' trong đĩa Petri - Ảnh: REUTERS
Theo Đài BBC, cùng với những đánh giá tích cực, khả quan về thịt nhân tạo, Viện Adam Smith cũng khuyến nghị Chính phủ Anh nên bắt đầu sản xuất thịt nhân tạo để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực thế giới.
Ước tính tới năm 2050, nhu cầu thịt toàn cầu tăng khoảng 70%.
Thịt nhân tạo là cách "nuôi thịt" trong phòng thí nghiệm theo nguyên lý các nhà khoa học lấy tế bào gốc của con vật, như bò, rồi nhân bản lên nhiều lần. Theo đó, từ một tế bào cơ nhỏ, hàng chục tỉ tế bào sẽ nảy nở, chúng liên kết với nhau trở thành mô cơ.
Năm 2013 người ta đã lần đầu tiên ăn thử chiếc bánh burger dùng thịt được "nuôi" theo cách này tại London. Tuy nhiên, để làm cái bánh đó người ta đã mất thời gian 1 năm và chi phí hơn 200.000 bảng Anh.
Hiện tại các công ty không chỉ làm thịt bò nhân tạo mà còn làm cả thịt gà tây và thịt gà thông thường nhân tạo. Đã có doanh nghiệp tại Anh lên kế hoạch thương mại hóa đại trà các sản phẩm thịt nhân tạo vào năm 2021.
Theo Viện Adam Smith, việc tách khỏi cách khai thác thịt động vật hiện nay sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính tới 96% và giải phóng được tới 99% diện tích đất nông nghiệp vốn đang phục vụ cho ngành chăn nuôi.
Ngoài ra, thịt này cũng giúp giảm số trường hợp ngộ độc thực phẩm vì thịt được sản xuất trong các điều kiện có kiểm soát.
Chưa kể, theo ông Jamie Hollywood của Viện Adam Smith, trong tương lai thịt nhân tạo sẽ có giá bán rẻ hơn nhiều.
Trong 5 năm nữa, theo ông, giá bán một chiếc burger kẹp thịt bò nhân tạo sẽ giảm từ 200.000 bảng Anh xuống còn 8 bảng Anh hoặc thậm chí rẻ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận