B12 là một loại vitamin thiết yếu, đóng vai trò cần thiết trong việc hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh và sản xuất ADN - Ảnh: Shutterstock
Những nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin B12
Có ý kiến cho rằng vitamin B12 có thể lưu trữ trong cơ thể vài năm nên hiếm có trường hợp thiếu vitamin này. Trên thực tế, điều này không hoàn toàn đúng. Vì cơ thể không thể tự tạo ra vitamin B12 nên bạn phải lấy nó thông qua các nguồn thực phẩm hoặc chất bổ sung. Mà việc hấp thụ loại vitamin này sẽ giảm dần theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thiếu vitamin B12.
Gặp các vấn đề về miễn dịch: Thiếu máu là một tình trạng miễn dịch khiến ruột non khó hấp thụ B12. Điều này dẫn đến mức B12 thấp.
Kém hấp thụ: Một số người không thể hấp thụ B12 do tổn thương đường ruột hoặc trải qua phẫu thuật. Ví dụ những người đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc cắt bỏ một phần ruột của họ có thể có nguy cơ bị thiếu B12.
Chế độ ăn uống kém: Vitamin B12 có trong thực phẩm từ động vật, chẳng hạn như cá, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng và sữa. Nếu không ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm có thể bị thiếu B12. Sự thiếu hụt có thể rất rõ ở những người theo chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt trong ít nhất một vài năm.
Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến tuổi tác (trên 60 tuổi), đang mang thai, cho con bú và có bệnh lý tiềm ẩn khiến họ sử dụng lâu dài một số loại thuốc như thuốc hạ đường huyết, thuốc điều trị trào ngược axit cũng có thể cản trở sự hấp thụ B12 và gây thiếu hụt B12.
Thiếu vitamin B12 gây vấn đề sức khỏe nào?
B12 là một loại vitamin thiết yếu, đóng vai trò cần thiết trong việc hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh và sản xuất ADN.
Lượng vitamin B12 cần thiết cho cơ thể phụ thuộc vào độ tuổi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), để duy trì mức B12 trong máu khỏe mạnh, lượng tiêu thụ hằng ngày của một người trưởng thành nên luôn luôn đạt 5,94 mcg đối với nam giới và 3,78 mcg đối với phụ nữ.
Khi mang thai và cho con bú, vì B12 tham gia vào quá trình tăng trưởng và phát triển của thai nhi nên phụ nữ cần bổ sung thêm ít nhất 2,6 mcg B12 mỗi ngày.
Việc thiếu loại vitamin này có thể xuất hiện những tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Các triệu chứng phổ biến nhất là: mệt mỏi, da nhợt nhạt, kết mạc nhợt nhạt (mô lót bên trong mí mắt), khó thở khi tham gia hoạt động thể chất, môi khô, lưỡi viêm, ngứa ran lòng bàn chân và bàn tay.
Ngoài ra, một số triệu chứng về thần kinh cũng sẽ xuất hiện: chóng mặt, mất thăng bằng, suy giảm trí nhớ, nhức đầu, đau váng đầu.
Thiếu B12 có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn như tổn thương thần kinh, có thể không hồi phục nếu không được điều trị.
Bổ sung vitamin B12 bằng cách nào?
Trước hết, chúng ta cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm phong phú. Một số món ăn chứa nhiều vitamin B12 như gan bò, ngao, cá ngừ, sữa chua, trứng, thịt gà.
Không nên tuân theo một chế độ ăn kiêng hà khắc nào quá lâu, vì bất kỳ chế độ nào cũng sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe và thiếu hụt vitamin nhất định.
Bên cạnh thực phẩm, nên bổ sung vitamin B12 thông qua thuốc. Vitamin B12 được tìm thấy trong các loại vitamin tổng hợp cũng như trong các chất bổ sung B-complex hoặc thuốc chỉ chứa B12.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận