Giờ đây đi du lịch, Ada (bìa phải) đã biết chọn khách sạn nào cho phù hợp - Ảnh: HƯƠNG LAN |
Mình bắt đầu nghĩ đến việc tập cho con gái Ada quản lý tiền, dạy con biết cách chi tiêu sau khi xảy ra một sự kiện.
Đó là vào dịp sinh nhật 9 tuổi của Ada, con muốn được tặng quà là một bộ sửa chữa xe lửa Tomy. Tuy nhiên món đồ chơi này có giá cao hơn so với quy định mua quà của hai mẹ con đã thỏa thuận.
Phải nói thêm là bạn ấy rất thích mô hình đường ray xe lửa Thomas Tomy nên mỗi dịp sinh nhật trước đây mình đều mua tặng con một vài món để mở rộng mô hình của mình.
Mình cũng muốn mua cho Ada nhưng lại sợ tạo cho con thói quen muốn gì được đó. Sau khi tham khảo ý kiến của thầy giáo bé mình được tư vấn một cách giải quyết khá hay.
Mình cho bạn ấy một số tiền bằng với quy định mua quà của hai mẹ con. Số tiền còn thiếu để có thể mua được món đồ chơi mình sẽ “tạm ứng” trước nhưng bạn ấy sẽ phải chứng minh được khả năng chi trả của mình.
Và kết quả là bạn ấy viết cho mình (mèo mẹ) một tờ giấy “nợ” như sau.
“Con muốn mua bộ sửa chữa xe lửa giá 800.000
Con có 363.000
Mèo mẹ cho con 300.000 nhân dịp sinh nhật
Tổng cộng con có 663.000
Con còn thiếu mèo mẹ 137.000
Mỗi tháng con tiết kiệm được 10.000 tiền ve chai
Trong vòng 14 tháng con sẽ trả dư cho mèo mẹ 3.000”.
Sau khi tính toán để viết giấy “nợ”, bạn ấy phát biểu là món quà mình muốn mua “mắc” quá, phải để dành tiền cả năm mới mua được.
Sau lần đó mình bắt đầu tập cho Ada quản lý tiền, tính toán việc sử dụng tiền như thế nào. Bắt đầu bằng việc mở một tài khoản đứng chính tên bạn ấy trong ngân hàng với số tiền ban đầu là tiền lì xì năm đó.
Ngoài nguồn tự bạn ấy có thể kiếm được từ việc thu gom ve chai trong nhà, mình tạo nguồn thu cho Ada bằng cách chuyển vào tài khoản cho bạn ấy một số tiền cố định không quá lớn và giải thích rõ đây là số tiền mẹ cho để con tiết kiệm.
Lâu lâu cho con một khoản tiền với lý do là học bổng của công ty mẹ dành cho bé đạt học sinh giỏi hay phần thưởng tặng cho bé được nhiều điểm 10…
Giao account cho con quản lý tài khoản online trên máy tính để con cảm nhận được số tiền thay đổi như thế nào.
Hai mẹ con cũng có sự thỏa thuận rõ ràng các khoản chi tiêu nào do cha mẹ trả, khoản nào con phải tự trả.
Ví dụ như: tiền photo tài liệu ôn thi trong trường cha mẹ cho nhưng tiền nuôi heo đất thì con phải tự lo; mỗi mùa hè cha mẹ cho con đi du lịch một nơi nhưng nếu con muốn đi nơi thứ hai thì phải tự chi trả chi phí cho bản thân mình.
Mỗi khi bạn ấy muốn mua món gì, làm việc gì cần đến tiền thì mẹ yêu cầu phải tính toán là lấy tiền từ đâu ra, nếu mượn của mẹ thì sẽ trả như thế nào ?
Hè năm rồi bạn ấy đã cùng mẹ lập kế hoạch chi tiêu và dùng tiền tiết kiệm để chi trả cho chuyến đi Nha Trang của mình. Và hiện nay đang tiếp tục lập kế hoạch và tiết kiệm cho chuyến du lịch vào hè năm nay.
Sau một thời gian thì mình thấy cũng có đôi chút tác dụng. Bạn ấy đã biết tính toán khi muốn đi chơi hay mua một món quà mình thích.
Mỗi khi nhận được tiền ông bà cho đều dành một phần để gửi vào tài khoản tiết kiệm. Đi du lịch cũng biết lựa chọn nên ở khách sạn nào...
Ada (giữa) và các bạn trong chuyến Nha Trang bằng tiền tiết kiệm của mình - Ảnh: HƯƠNG LAN |
Các bài viết và ý kiến đăng tải trên TTO về việc Dạy con xài tiền là ý kiến và quan điểm cá nhân của người viết. Bạn đọc có thể đồng tình, chia sẻ hoặc có ý kiến khác. Bài vở xin gửi về tto@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận