Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng nên có cơ chế đặc thù cho vùng thì mới có thể phát triển giáo dục và đào tạo nghề hiệu quả, vì trong năm năm qua theo đề án 1033 vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.
Ông Bùi Hồng Quang, phó Vụ trưởng vụ kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT cho biết ngoài tỉ lệ trẻ đến trường còn thấp, tỷ lệ phân luồng sau THCS tuyển vào TCCN và độ tuổi cấp THPT dưới 50% thì tỉ lệ bỏ học vẫn còn cao (0,45%), nhiều phòng học xuống cấp trầm trọng, thiếu phòng học mầm non, hiện vùng vẫn còn 1.905 phòng học tạm, 2.608 phòng học nhờ. Thiếu giảng viên đầu ngành và thừa giảng viên trình độ thấp.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sau 5 năm thực hiện đề án 1033 cũng đạt những thành tựu như 99% trẻ 5 tuổi đến trường, 10,5% học sinh dân tộc nội trú ở cấp THCS và THPT, đạt 190 sinh viên/vạn dân (tăng 60 sinh viên).
Đồng thời thực hiện nhiều chính sách đối với người học như miễn giảm học phí, cấp học bổng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế như phổ cập MN và trẻ dưới 36 tháng đến trường đạt dưới 11%, cấp THPT chưa đến 50%, tỉ lệ qua đào tạo nghề còn thấp…
“Với tình hình hiện nay, cần đẩy nhanh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng với điều kiện biến đổi khí hậu của vùng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội”, ông Ga nói.
Còn ông Trần Hồng Quân, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau băn khoăn hiện nay các điểm lẻ nhiều hơn các trường học chính ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo, một số xã chỉ có 1, 2 trường mầm non, nhiều điểm trường đi lại vất vả nên phụ huynh ít đưa con đến trường cho nên chỉ tiêu Bộ đưa ra 18% trẻ vào nhà trẻ, 85% trẻ vào mẫu giáo là rất khó.
Tương tự ông Lê Văn Chín, phó giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre cho biết trong năm năm qua tỉ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường tăng không quá 5%.
“Ngành giáo dục tỉnh thiếu và yếu về mọi mặt từ ngân sách, nguồn lực, cho đến lực lượng. Hiện tỉnh cần hơn 400 giáo viên, 200 phòng học để mở rộng qui mô trường lớp, cơ may mới đáp ứng đủ chỉ tiêu đưa ra”, ông Chín nói.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề dạy và học nghề cũng cần có nhiều thay đổi để tránh đào tạo rồi bỏ không, hoặc có trường mà không có người học sẽ gây lãng phí. Hiện nay toàn vùng có hơn 364 cơ sở dạy nghề.
Tỉnh Long An đề nghị nên để doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo để phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng. Bởi trước giờ đa số những “sản phẩm” của giáo dục đều bị doanh nghiệp “chê” vì đào tạo một đường, thự tế một nẻo. Đồng thời cũng cần nâng cao trình độ giáo viên dạy nghề, bởi 12 năm qua chương trình dạy nghề chưa được sửa đổi, quá lỗi thời so với phát triển xã hội.
Còn ông Nguyễn Minh Triết, hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang cho biết hiện nay đào tạo nghề khó khăn rất nhiều mặt như giáo viên dạy nghề rất yếu khâu thực hành do không được bồi dưỡng nâng cao, lương lại thấp không thu hút được người giỏi, thiết trang thiết bị trong khi một số nơi lại thừa gây lãng phí vô cùng.
“Hiện nay lương giáo viên dạy nghề, kể cả phụ cấp quá thấp, như vậy sẽ không thu hút được người giỏi về, không có giáo viên giỏi thì không thể có sinh viên giỏi”, ông Triết chia sẻ.
Tuy nhiên ông Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ lại cho rằng ai cũng có quyền học trung cấp hoặc đại học nếu phân luồng đồng nghĩa bắt buộc ai học trung cấp, ai học đại học, đó là sự giới hạn cần phải cân nhắc lại. “Nếu xã hội có nhu cầu thì tự nhiên sẽ có người học, nếu không mang lại hiệu quả, xã hội lại không cần thì nên dẹp bỏ chứ không nên bắt người học để trung tâm tồn tại”, ông Xê nói.
Ông Bùi Hồng Quang đề nghị nên ưu tiên đầu tư kinh phí, trang thiết bị xây dựng trường mầm non, có chính sách biên chế cho giáo viêm mầm non, tăng phụ cấp cho giáo viên dạy nghề, miễn giảm học phí, bố trí chỗ ở cho học sinh học nghề để thu hút học sinh. Dự kiến phấn đấu đến năm 2020 thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận