14/11/2012 20:15 GMT+7

Thiếu chính sách kịp thời, nông dân sẽ bỏ ruộng...

QUỐC THANH ghi
QUỐC THANH ghi

TTO - Nhiều đại biểu (ĐB) đã bấm nút đăng ký chất vấn Thủ tướng nhưng không còn thời gian dành cho các chất vấn này. Tuổi Trẻ đã ghi lại đôi điều mà các ĐB muốn nói, muốn gửi gắm đến Thủ tướng.

* Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu):

Báo động với Thủ tướng: nông dân sẽ bỏ ruộng nếu…

Tôi bấm nút chất vấn Thủ tướng để mong rằng Thủ tướng và Chính phủ thấy rõ trách nhiệm của mình cần quan tâm đúng mức đến đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, thực hiện được vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên từ năm 2010-2011, nhiễm mặn đã làm ảnh hưởng đến khoảng 600.000ha (trong tổng số khoảng 1,5 triệu ha đất sản xuất lúa vụ đông xuân). Hiện nay có hàng trăm nghìn hecta đất sản xuất lúa có khả năng bị nhiễm mặn. Ở đồng bằng, người dân còn rất khó khăn với khoảng 70% sống bằng nghề nông. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thấp kém. Trước tình hình đe dọa của thiên tai, xâm nhập mặn vào đồng ruộng…, liệu đồng bằng sông Cửu Long có tiếp tục giữ vững vai trò, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia hay không? Có đảm bảo cùng cả nước góp phần thực hiện nghị quyết của Quốc hội giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa hay không? Đây là vấn đề tôi rất quan tâm.

Để thực hiện mục tiêu và sứ mạng trên, chỉ có quyết tâm chính trị thì không thể thực hiện được mà cần những chủ trương, chính sách cụ thể. Người nông dân không thể đảm đương gánh vác sứ mệnh này nếu vẫn là những người khó khăn và đồng bằng sông Cửu Long không thể là vùng tiếp tục chịu tụt hậu so với mặt bằng chung cả nước. Do đó, tôi muốn Thủ tướng có thông điệp làm sao để người dân vùng này yên tâm tiếp tục sản xuất, làm tốt vai trò vựa lúa của cả nước. Nếu không, người nông dân sẽ bỏ ruộng hoặc sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực cho gia đình họ mà thôi.

* Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):

120.000 tỉ đồng từ cổ phần hóa doanh nghiệp sử dụng ra sao?

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã trải qua 20 năm và thu được một số thành công nhất định. Nhà nước đã thu về một số tiền từ quá trình này: tiền bán, giải thể, phá sản doanh nghiệp; cổ tức từ vốn cổ phần của Nhà nước… Tính đến 30-6-2012 thu được khoảng 120.000 tỉ đồng. Nhưng số tiền này không về ngân sách nhà nước mà được chi theo các quyết định do Chính phủ ban hành. Cụ thể là chi cho trợ cấp lao động thôi việc, mất việc do sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp. Đó là khoản chi hợp lý, nhưng khoản chi này rất nhỏ, chỉ khoảng 2%.

Trong khi đó, phần lớn nguồn tiền này để chi bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế, tổng công ty… với trên 67.000 tỉ đồng. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn tồn quỹ khoảng 27.000 tỉ đồng, được gửi ngân hàng thương mại lấy lãi.

Tình hình cân đối ngân sách nhà nước hiện nay rất eo hẹp, nhiều khoản chi đầu tư phát triển: giao thông, bệnh viện, trường học… thiếu tiền triển khai. Số tiền trên nên sử dụng như thế nào cho hiệu quả nhất, có lợi cho toàn dân. Thiết nghĩ Thủ tướng nên chuyển một phần nguồn tiền thu từ cổ phần hóa, từ cổ tức vốn cổ phần nhà nước về ngân sách nhà nước để chi cho đầu tư phát triển là hợp lý nhất.

QUỐC THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: nông dân