05/04/2016 17:05 GMT+7

Thiệt hại do hạn mặn: không quan chức nào thấy mình khuyết điểm

V.TR
V.TR

TTO - Chiều 5-4, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn tại 5 huyện và thị xã ở các huyện ven biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng (phải) kiểm tra ruộng lúa bị chết do ảnh hưởng hạn, mặn tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông - Ảnh: V.TR
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng (phải) kiểm tra ruộng lúa bị chết do ảnh hưởng hạn, mặn tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông - Ảnh: V.TR.

Theo Sở NN&PTNT, đến nay phần lớn diện tích lúa đông xuân ở các huyện này đã thu hoạch xong hoặc đang chín, không cần nước nữa. 

Đợt hạn và xâm nhập mặn vừa qua gây thiệt hại 3.284ha, tương đương 73 tỉ đồng. Nặng nhất là huyện Gò Công Đông với 1.867ha, thị xã Gò Công 917ha. Ngoài ra còn có 113ha cây ăn trái và 40ha cây sả bị chết, thiệt hại khoảng 17 tỉ đồng.

Mặc dù Bộ NN&PTNT đánh giá công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn của tỉnh Tiền Giang thành công ngoài mong đợi, song Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng vẫn không hài lòng khi các địa phương vẫn còn để xảy ra thiệt hại khiến rất nhiều hộ nông dân gặp khó khăn.

Điều đáng tiếc là tại cuộc họp này không có địa phương nào, ngành nào nhận trách nhiệm hay tự kiểm điểm vì làm chưa tốt công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn nên để xảy ra thiệt hại.

Huyện nào cũng nói mình làm tốt và đổ lỗi thiệt hại là do người dân không chấp hành lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tự ý xuống giống trễ…

Ông Bùi Thái Sơn (phó Ban dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang) bức xúc: “Biết rằng người dân xuống giống trễ, lúa chết thì tự họ chịu rồi, nhưng phải hỏi vai trò của trưởng ấp, bí thư chi bộ, các đoàn thể và chính quyền địa phương ở đâu?

Chúng ta có cả bộ máy chính quyền và đoàn thể huyện đến xã, ấp nhưng không vận động được dân, không có biện pháp chế tài khi người dân làm không đúng chủ trương chung thì cần phải rút kinh nghiệm”.

Ông Võ Văn Bình (phó bí thư Tỉnh ủy) cũng không hài lòng khi không có ai nói về trách nhiệm, khuyết điểm của cá nhân, đơn vị, ngành mình.

“Ngành khí tượng thủy văn làm tốt công tác dự báo chưa? Các cán bộ, công chức, viên chức đi học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài về phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn có vận dụng được vào thực tế góp phần làm giảm thiệt hại cho dân hay không?”, ông Bình đặt câu hỏi.

Ông Lê Văn Hưởng nói mặc dù cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chống hạn và xâm nhập mặn tại các huyện phía đông nhưng không ai được phép mừng vì có rất nhiều người dân bị thiệt hại, cuộc sống khó khăn, hạn hán và xâm nhập mặn vẫn còn đang diễn biến phức tạp.

80.000ha cây ăn trái ở các huyện phía tây đang có nguy cơ bị thiệt hại, hơn 1 triệu dân đã phải sử dụng nước máy bị nhiễm mặn nhẹ…

“Ngoài việc lúng túng, chúng ta phải thừa nhận là nhận thức của chính quyền các cấp trong công tác phòng chống hạn, mặn chưa cao chứ không phải là làm tốt hết đâu.

Sau cuộc họp này các huyện phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm để tới đây làm tốt hơn. Cuộc chiến chống hạn, mặn vẫn còn rất gay go, căng thẳng. Toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Tiền Giang phải tập trung thực hiện các giải pháp để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại” - ông Hưởng nói.

V.TR
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên