Đó là đêm 15 rạng ngày 16-10-1985, chúng tôi ở trong một ngôi nhà kiên cố của một nơi cao ráo và an toàn nhất Huế: khu nội trú Trường Quốc học.
Vậy mà căn nhà vẫn sũng nước vì mưa theo cơn gió lớn thốc vào mái ngói, tuôn ào ạt như thể đang ở ngoài trời. Cả mấy chục đứa học sinh đang tuổi thanh niên run cầm cập, vì lạnh và vì sợ. Bên ngoài trời tối đen, gió và mưa càng lúc càng điên cuồng.
Tiếng tôn bay loảng xoảng, tiếng cây đổ rầm rầm, tiếng người kêu cứu bị lấp bởi tiếng gió rít như quái vật. Cho đến tảng sáng thì trời tạnh. Chui ra khỏi ngôi nhà đã bị cây cối đè bốn phía, tôi không còn tin vào mắt mình nữa: một bãi tan hoang.
14 năm sau, trời lại hành một trận "đại hồng thủy" vào tháng 11-1999, cả miền Trung chìm trong biển nước, số người chết lên đến 595 người. Tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất là Thừa Thiên Huế. Ai đã sống qua ngày tháng đó mới thấy rằng phải dùng từ "đại hồng thủy" mới có thể nói hết nỗi kinh hoàng của cơn lụt lịch sử đó...
Khi nhìn thấy người dân Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội... oằn mình dưới cơn bão Yagi, tôi như thấy mình đang ở dưới cơn gió kinh hoàng năm đó.
Hôm qua, lại thấy dân Thái Nguyên, Yên Bái kêu cứu trong đêm nước lũ dâng lên đến mức chưa từng thấy. Cả tỉnh Phú Thọ bàng hoàng khi nhìn tận mắt những chiếc xe rơi xuống sông cùng với chiếc cầu Phong Châu sụp đổ dưới làn nước lũ.
Tôi nghĩ ai cũng tê buốt người khi nhìn những hình ảnh đau xót và ai cũng thấy cần phải làm một việc gì đó để chia sẻ với đồng bào mình.
Nhưng điều quan trọng là phải làm sao để hạn chế tối đa những cơn tai biến của thiên nhiên ngoài sức chịu đựng của con người. Đó mới là việc cần làm và phải làm.
Không chỉ người dân vùng bão lụt miền Trung, bây giờ lại thêm người dân miền Bắc phải làm việc đó, mà người cả nước đã đến lúc phải cùng làm. Vì thiên tai không còn trừ một ai. Bão tố, lũ lụt, núi lở, sông lấp, hạn hán cháy bỏng không còn trừ một vùng miền nào nữa cả.
Khi cơn bão Yagi ngấp nghé Biển Đông, vẫn không mấy người nghĩ rằng sức tàn phá của nó lại khủng khiếp như vậy.
Vì theo quy luật xưa nay, các cơn bão đầu mùa mang số hiệu 1, 2, 3 thường đổ vào Bắc Bộ và không mấy nặng nề. Bão dịch chuyển dần vào đến miền Trung thì mới là bão lớn. Năm nay nhiều người cũng nghĩ vậy.
Ai ngờ bão số 3 mà sức công phá kinh hoàng, lại kéo dài thời gian chà xát cả một vùng từ ven biển đến tận thủ đô Hà Nội. Sau bão là mưa cấp tập khiến cho cả vùng núi non Tây Bắc tràn ngập, sạt lở khắp miền trung du và ngập trắng cả Đồng bằng Bắc Bộ.
Điều "không ngờ" đó cũng từng xảy ra với người dân Nam Bộ và Cà Mau trong trận bão Linda tháng 11-1997.
Dù đã được cảnh báo, nhưng cả chính quyền địa phương lẫn người dân vẫn "không ngờ" bão đầu mùa mà lại lớn, bão lớn mà lại đổ vào khu vực hiếm khi ghi nhận có xoáy thuận nhiệt đới.
Và trước đó, vào năm Giáp Thìn đầu thế kỷ 20, ngay giữa ngày đầu hè, tháng 5-1904, vậy mà bão lớn vẫn đổ bộ vào Nam Bộ. Mưa to gió lớn tàn phá cả một vùng từ Sài Gòn - Chợ Lớn lan rộng khắp Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc...
Khí hậu đã biến đổi quá nhanh và thời tiết đã trở nên cực đoan gay gắt. Trong khi đó, cách con người ứng xử thiếu lễ độ với thiên nhiên càng khiến cho khí hậu biến đổi phức tạp, khó lường hơn.
Những cơn tai biến của thiên nhiên bây giờ không thể gọi một cách thuần túy là "thiên tai" nữa, mà phải gọi đúng nó là "thiên - nhân tai". Không một ai trong chúng ta là vô can với "thiên - nhân tai".
Vì lẽ đó trước mắt chúng ta phải cùng nhau khắc phục hậu quả bão Yagi ở miền Bắc. Đó là hậu quả chung, không của riêng người dân nơi đó.
Và quan trọng hơn nữa là phải chuẩn bị để ứng phó với một mùa mưa bão lũ lụt đang tiếp tục diễn ra trước mắt. Liền sau đó là mùa đông giá rét, rất có thể sẽ lạnh buốt hơn mọi năm.
Thiên tai không còn diễn ra theo như quy luật cũ. Vậy thì việc ứng phó và sống chung với thiên tai cũng phải theo một nhận thức mới, giải pháp phù hợp và hành động mạnh mẽ hơn. Bình tĩnh - đừng bình thản. Chủ động - không chủ quan. Lo liệu - nhưng đừng lo sợ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận