Thu hoạch cá ở làng biển |
Mỹ Thủy là một ngôi làng hiền hòa ven biển thuộc xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Làng biển Mỹ Thủy không có nhiều cảnh đẹp, nhưng sự ồn ào của chợ phiên buổi sáng, cảnh thuyền về tấp nập, hương vị của biển và những sân phơi cá trải rộng là những gì tôi bắt gặp và yêu ở làng biển này.
Hòa vào nhịp sống nơi đây, mỗi người đều có thể tận hưởng sâu sắc nhịp sống vùng biển. Khi đêm về, những ánh đèn soi cá vẫn sổ dài khiến mặt biển mang một vẻ đẹp long lanh, huyền ảo.
Những con tàu lớn luôn tấp nập trên biển, những ngư dân bận bịu với công việc của mình nhưng sẵn sàng hồ hởi chia sẻ những câu chuyện cần lao trong đời họ. Họ cười và kể lại cho tôi nghe về cuộc đời nổi trôi nhưng vô cùng thú vị trên biển.
Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Khoảng 3h sáng là cả nhà thức dậy. Họ đi từ sáng sớm đến chiều về, quăng quật với con nước gần bờ, tìm kiếm những đàn cá nhỏ bằng kinh nghiệm dân gian. Chẳng máy móc định vị hiện đại, họ hoàn toàn được truyền thụ bởi túi khôn của cha ông qua truyền khẩu.
Đối với họ, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hi vọng. Và mỗi chuyến tàu về luôn là sự mong đợi của người thân. Do vậy, bến ghe không chỉ là bến đậu, mà còn là bến đợi người thân từ mênh mông sóng biển trở về.
Mẻ lưới ít hay nhiều với họ cũng bình thường trong cuộc mưu sinh vất vả. Mớ cá, mớ tôm nhỏ nhoi mỗi ngày mà tích cóp từng tháng, từng năm đã mang lại cho cư dân xóm biển này nuôi bao con cái có chí vượt khó để học thành tài.
Làng biển Mỹ Thủy còn lưu giữ nét văn hóa, nếp sinh hoạt độc đáo của cư dân vùng biển. Đó là điệu nhảy mà người Mỹ Thủy gọi nôm na là “Thiên hạ thái bình” là thứ tài sản độc đáo của vùng đất này. Màn múa này chỉ được thực hiện trong những lễ lớn của làng như: lễ nghinh sơn, nghinh thủy, hội làng, lễ cầu ngư...
Điệu nhảy này có ý nghĩa nhân văn là cầu mong trời đất yên bình, vạn vật sinh sôi, đời đời chung sống thuận hòa trong vũ trụ này... Những màn múa đều diễn ra trong không khí nghiêm trang, mỗi gương mặt từ lính đến cai đều toát lên vẻ kiêu hùng, uy dũng, đủ sức xua đuổi tà ma.
“Điều đáng quý hơn cả là đến nay, những người tham gia điệu nhảy này vẫn giữ nguyên vẹn được hồn cốt các điệu múa của cha ông xưa truyền lại một cách đầy trách nhiệm và nhiệt huyết” - anh Đặng Xuân Thành, cán bộ văn hóa xã Hải An, cho biết.
Nhắc đến Mỹ Thủy thì không thể không nhắc đến nghề truyền thống của cư dân ở đây. Đó là nghề sản xuất nước mắm hình thành cách đây khoảng 500 năm. Nước mắm Mỹ Thủy là mặt hàng nổi tiếng lâu nay.
Màn múa “Thiên hạ thái bình” ở làng Mỹ Thủy |
Từ quy mô nhỏ lẻ ban đầu, đến nay toàn làng Mỹ Thủy có 168/484 hộ tham gia làm nghề chế biến nước mắm. Nước mắm Mỹ Thủy được làm từ nguồn nguyên liệu cá me, cá duội, cá nục tươi kết hợp với nguồn nước, bí quyết chế biến, quy trình ủ chượp, nấu lọc mắm được lưu truyền qua nhiều thế hệ...
Hiện tại bình quân mỗi hộ làm ra được 15 lít nước mắm/ngày. Những năm qua, nguồn thu mang lại từ nghề chế biến nước mắm ở Mỹ Thủy đã đóng góp quan trọng vào tổng thu của toàn xã.
Nếu như năm 2009 làng Mỹ Thủy chỉ mới bán ra thị trường 240.000 lít nước mắm, mang lại doanh thu 7,2 tỉ đồng thì đến cuối năm 2013, số lượng nước mắm bán ra của làng đạt gần 500.000 lít, mang lại doanh thu trên 15 tỉ đồng. Thị trường tiêu thụ của nước mắm Mỹ Thủy đã có mặt khắp cả nước, được khách hàng ngày càng ưa chuộng.
Với nghề gia truyền đặc biệt đó, cách đây ba năm, người dân làng Mỹ Thủy đã vui mừng đón nhận “Bằng công nhận làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy” của UBND tỉnh Quảng Trị. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để làng nghề chế biến nước mắm Mỹ Thủy có thể phát triển hơn nữa về quy mô theo hướng hàng hóa, thị trường và hoàn thành quá trình xây dựng thương hiệu bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận