Nhiều khảo sát cho rằng tốc độ phát triển công nghệ trong tương lai là vấn đề hàng đầu - Ảnh: T.T.D.
Dưới đây là một số nét chính về thị trường lao động Việt Nam.
Lao động kỹ năng cao có tăng nhưng "nhỏ giọt"
Tập đoàn nhân sự ManpowerGroup (Hoa Kỳ) vừa công bố bảng phân tích dựa trên dữ liệu thu thập từ 76 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có những điểm đáng lưu ý liên quan đến thị trường lao động Việt Nam.
Cụ thể, trong công bố Tổng chỉ số lao động 2019 (TWI, phân tích trên 100 yếu tố đánh giá tính sẵn sàng về kỹ năng, hiệu quả chi phí, năng suất lao động...), Việt Nam xếp hạng 57 trong số 76 quốc gia trên toàn cầu (so với hạng 43 năm 2018) và hạng 13 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (so với hạng 12 năm 2018) về phương diện tìm nguồn ứng viên, tuyển dụng và giữ chân người có kỹ năng.
Theo phân tích, tỉ lệ lao động có kỹ năng cao tại Việt Nam năm 2019 chiếm 11,6% tổng lực lượng lao động 57,5 triệu người của quốc gia (có tăng khá khiêm tốn 0,8% so với năm 2018).
Song song đó, Tập đoàn nhân sự Adecco (Thụy Sĩ) đưa ra những nhận định khá lạc quan về thế hệ Z (những cá nhân sinh từ năm 1995 trở về sau) thông qua khảo sát trên 300 bạn trẻ ở TP.HCM vào cuối năm 2019. 43% thế hệ Z tin và nhận thức rõ rằng sự biến đổi khí hậu và thiệt hại do ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới sẽ gia tăng, do đó tạo ra tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh doanh bền vững.
Khi được yêu cầu đánh giá về các mối đe dọa bên ngoài đối với triển vọng tăng trưởng của tổ chức của họ vào năm 2050, có 45% đối tượng được khảo sát cho rằng tốc độ phát triển công nghệ là vấn đề hàng đầu.
Với diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu, việc tìm được nhân tài có kỹ năng phù hợp là ưu tiên hàng đầu của các tổ chức khi muốn xây dựng và phát triển hoạt động kinh doanh.
Ông Simon Matthews (tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông)
Nhân lực agency - những điều ít người biết
Khi nhắc về các công việc gây áp lực cao, chúng ta thường có xu hướng nghĩ đến bác sĩ ngoại, kiểm toán... Thực chất có nhiều ngành nghề khác áp lực không kém. Giữa tháng 12, khắp nơi xôn xao về một bạn trẻ trong lĩnh vực agency bị đột tử vì làm việc quá sức trong thời gian dài.
Theo thông tin VietnamWorks cung cấp, tỉ lệ tăng trưởng nguồn cung lao động của ngành agency (tạm hiểu là các việc liên quan mảng truyền thông, quảng cáo) đã tăng 29% trong giai đoạn 2018 - 2019 (thậm chí theo ghi nhận của Công ty tuyển dụng cấp cao Navigos Search, trong quý 2-2019 có sự tăng trưởng đến 50% (so với quý trước) các doanh nghiệp dịch vụ chuyên nghiệp chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam, phần lớn là các doanh nghiệp truyền thông và quảng cáo).
"Tốc độ phát triển nhanh của ngành dẫn tới khối lượng công việc ngày càng nhiều, trở thành một cơ hội lẫn thách thức đáng kể trong bài toán con người ở các agency. 85% ứng viên tham gia khảo sát gần đây của chúng tôi cho biết thời gian làm việc trong ngày là trên tám tiếng, trong đó có đến 41% cho biết họ làm việc trên 10 tiếng. Đây là một số liệu đáng chú ý về tình trạng công việc quá tải dẫn đến mất cân bằng trong công việc - cuộc sống của nhân lực agency" - ông Gaku Echizenya (tổng giám đốc Navigos Group) chia sẻ.
Một điểm nhấn gây nhiều bất ngờ là không ít nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên sẽ không phù hợp trong agency nếu "thích sự ổn định, an toàn". Ngoài ra, các ứng viên "không có tư duy hướng về khách hàng" và "không có khả năng multi-task (làm được nhiều việc trong một khoảng thời gian được giao)" cũng sẽ khó thể phù hợp với lĩnh vực trên.
25% ứng viên được hỏi cho biết sau hơn tám tiếng làm việc, họ vẫn "thường xuyên nghĩ về và lo lắng về công việc sau giờ làm", 22% cho biết họ "thường xuyên mang công việc về nhà".
Một tín hiệu tích cực là số lượng doanh nghiệp tại VN tham gia hoạt động cộng đồng đang tăng nhanh chóng. "Chúng tôi cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn, có thiện cảm, gắn kết với công ty hơn thông qua những hoạt động này" - bạn Trương Mỹ Duyên (chuyên viên một tập đoàn công nghệ ở quận Tân Bình) nhận định.
2020 - nhu cầu tuyển dụng tập trung ở ngành kinh doanh - thương mại
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong năm 2020 các doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ có khoảng 323.000 chỗ làm việc, trong đó có 135.000 chỗ làm việc mới.
Xét tổng quan, vị trí việc làm của những ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao đang tiếp tục tăng, chuyển dần từ lao động giản đơn sang lao động đòi hỏi tri thức, kỹ năng. Tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng vẫn sẽ tập trung ở các ngành kinh doanh - thương mại (khoảng 19%), dịch vụ - phục vụ (khoảng 13%).
Nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thông tin - điện tử trong năm 2020 chiếm khoảng 6,5%, tăng so với 5,03% năm 2019 và tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu tạo ra giá trị gia tăng cao.
Ngoài xu hướng tận dụng công nghệ số như AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain (chuỗi khối), big data (dữ liệu lớn), nhu cầu nhân lực trong ngành này tiếp tục tăng mạnh với các vị trí: an ninh mạng, lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế và điều hành web, thiết kế và thực hiện quy trình công nghệ, kỹ sư điện tử...
Ngành cơ khí - tự động hóa vẫn là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội với nhu cầu tuyển dụng ở nhiều vị trí: kỹ thuật viên cao cấp, kỹ sư giám sát, điều khiển trung tâm...
VŨ THỦY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận