18/03/2005 09:42 GMT+7

Thị trường chất xám Việt Nam, bao giờ?

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - “...Nước ta chưa có một môi trường mang tính thị trường cho trí thức, chất xám, chưa có khách hàng có nhu cầu thật sự và sẵn sàng trả giá cho chất xám” (ông Tạ Nguyên Ngọc - vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế - khoa học và công nghệ, Ủy ban về người VN ở nước ngoài).

Có thể hiểu rằng ông Ngọc muốn đề cập đến một thị trường chất xám với giá cả được trả sòng phẳng, tương xứng với chất lượng của loại hàng hóa đặc biệt này.

Cũng vào thời điểm này, báo giới lại khá “ồn ào” về chuyện chọn huấn luyện viên “ngoại” cho đội tuyển bóng đá VN. Chắc chắn rằng ứng cử viên nào được chọn sẽ được hưởng mức lương cao gấp nhiều lần so với mức lương của một giáo sư ở VN.

Nói cho cùng, khoản ngoại tệ ấy thực chất là mua chất xám của các huấn luyện viên “ngoại” (hay các cầu thủ ngoại) cho bóng đá nước nhà. Ở chừng mực nào đó, trong lĩnh vực bóng đá có thể tạm gọi là đã có thị trường chất xám khá sôi động và giá cả của loại hàng hóa đặc biệt này có thể nói là đắt đỏ nhất ở nước ta hiện nay.

Trong lúc đó, nhìn lại bức tranh hoạt động nghiên cứu khoa học - một lĩnh vực được coi là động lực cho phát triển các ngành kinh tế xã hội ở nước ta - mới thấy nguồn chất xám trong nước chưa thật sự được khơi dòng, chưa được “định giá” tương xứng với chất lượng... Vì sao như vậy?

Theo qui định hiện hành, phụ cấp cho chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước 150.000đ/tháng, cấp bộ là 100.000đ/tháng. Làm phản biện cho một đề tài nghiên cứu phải mất nhiều thời gian nghiên cứu báo cáo, cũng chỉ được thù lao tối đa 300.000đ/người. Theo mức lương trước đây (tồn tại trong một thời gian dài), một nghiên cứu viên chính có mức lương hệ số 1 là: 3,35 x 270.000đ/tháng + 150.000đ/tháng phụ cấp làm chủ nhiệm đề tài thì tính ra nhà khoa học này chỉ nhận khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Nếu so sánh với mức lương của cán bộ nghiên cứu “cùng đẳng cấp” ở Thái Lan (khoảng 500 USD/tháng) thì mức lương của cán bộ ta thấp hơn 10 lần. Sự thật là những qui định ấy của Nhà nước đang đánh đố những người làm khoa học khi họ luôn bị dằn vặt giữa hai lựa chọn “tận tâm và trung thực” với “tồn tại và phát triển”. Nhiều nhà khoa học đã nhìn nhận chính cơ chế quản lý hiện nay đã buộc nhà khoa học phải nói dối trong hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là khâu thanh quyết toán khi kết thúc một đề tài, dự án nghiên cứu.

Thật chua chát khi mà thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu (Trung tâm Thủy sản 3, Nha Trang) thốt lên rằng “từ những điều nhỏ này, vô hình trung chúng ta đang đào tạo ra những cán bộ công chức và cả những cán bộ khoa học phải biết nói dối và xã hội nghiễm nhiên công nhận những cái nói dối đó như là một sự thật”.

Những năm gần đây, Nhà nước đã nỗ lực và cố gắng xác lập rất nhiều chính sách khuyến khích nhằm khơi lên một dòng chảy chất xám - là người VN ở nước ngoài - chảy về cội nguồn đất nước. Song dòng chảy ấy đến nay vẫn chưa thật mạnh mẽ, bởi “chưa có thị trường và chưa có khách hàng cho loại hàng hóa đặc biệt - chất xám”. Và câu hỏi thực tế đặt ra đòi hỏi các nhà làm chính sách phải quan tâm: bao giờ có thị trường chất xám ở VN?

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên