09/09/2020 08:33 GMT+7

Thí sinh nấn ná nhập học, trường cảnh báo 'mất cả chì lẫn chài' nếu cứ chờ

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Nhiều chuyên gia tuyển sinh cảnh báo việc thí sinh đã trúng tuyển các phương thức khác nhưng không xác nhận nhập học, chờ đăng ký xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tiềm ẩn rủi ro cao, có khi 'mất cả chì lẫn chài'.

Thí sinh nấn ná nhập học, trường cảnh báo mất cả chì lẫn chài nếu cứ chờ - Ảnh 1.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - Ảnh: NGỌC VŨ

Thí sinh cần hết sức thận trọng, cân nhắc để có thể ra quyết định đúng đắn. Các em hãy lựa chọn ngành/trường mà thực sự các em mong muốn, phù hợp sở trường, năng lực học của bản thân, năng lực tài chính của gia đình…

ThS HOÀNG THÚY NGA (Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT)

Theo tin từ các trường ĐH, hiện có hàng ngàn thí sinh ở mỗi trường đã trúng tuyển các phương thức khác (xét học bạ, ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi đánh giá năng lực...) nhưng không xác nhận nhập học. Việc này đồng nghĩa với việc những thí sinh này chấp nhận bỏ nhập học, tiếp tục chờ đợi xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT vào những ngành "hot".

1/10 thí sinh nhập học

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, vừa qua trường gọi nhập học khoảng 2.500 thí sinh trúng tuyển theo các phương thức ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

"Tuy nhiên đến nay mới chỉ có hơn 200 thí sinh đã xác nhận nhập học. Như vậy số thí sinh đã nhập học chỉ 1/10. Đặc biệt, số thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ nhập học rất ít. Điểm chuẩn xét học bạ nhiều ngành của trường rất cao. 

Có những ngành hot điểm chuẩn 28-29 nên thí sinh trúng tuyển đều là học sinh giỏi. Năm ngoái xét học bạ, chúng tôi gọi 1.200 thí sinh nhưng cũng chỉ có khoảng 400 em nhập học. Năm nay hi vọng đến ngày 9-9 sẽ có 500 thí sinh nhập học" - ông Dũng nói.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện đã công bố kết quả xét trúng tuyển 3.330 thí sinh, trong đó tuyển thẳng 116 thí sinh, ưu tiên xét tuyển 1.056 thí sinh và xét kết quả thi đánh giá năng lực là 2.158 thí sinh. 

PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo - cho hay đến nay số thí sinh đã xác nhận nhập học rất ít. Thời gian xác nhận nhập học đối với tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển đến ngày 10-9 và đối với trúng tuyển đánh giá năng lực xác nhận nhập học trước ngày 15-9.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã thông báo trúng tuyển các phương thức với hơn 2.000 thí sinh (chưa kể xét điểm thi đánh giá năng lực) nhưng hiện mới có hơn 1.000 thí sinh xác nhận nhập học. ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho hay: "Trường đã gọi nhập học được 2.034 thí sinh nhưng chỉ có khoảng 300 thí sinh nhập học. Đợt đầu này trường xét học bạ nên nhập học hơi ít so với số gọi, khoảng 35% em sẽ nhập học".

Rủi ro cao

Lý giải việc hàng ngàn thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng năm nay rất nhiều thí sinh trúng tuyển các phương thức khác nhau. 

"Tôi đi tư vấn nên được biết số thí sinh trúng tuyển bằng xét học bạ rất nhiều, không ít em đậu cả 10 trường. Phần lớn thí sinh được ưu tiên xét tuyển vào trường chúng tôi đồng thời cũng đã đậu cả vào ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Ngoại thương... Trong khi điểm thi tốt nghiệp THPT lại cao hơn năm trước nên các em chủ quan, dù trúng tuyển nhưng không chịu nhập học, muốn xét điểm thi THPT vào ngành hot... Việc này dẫn đến rủi ro rất cao, khả năng điểm cao vẫn rớt vào các ngành hot" - ông Dũng cảnh báo.

Theo ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), thí sinh có thể trúng tuyển tất cả các phương thức nhưng phải chọn một phương thức để nộp hồ sơ xác nhận nhập học. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh trúng tuyển các phương thức khác ngoài kết quả thi THPT phải xác nhận nhập học trước ngày 15-9.

Ông Quán khuyên: "Thí sinh đã trúng tuyển nên sớm xác nhận nhập học vì dù em trúng tuyển phương thức nào cũng có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Không có phương thức nào trúng tuyển "oai" hơn phương thức khác. 

Năm 2020, điểm thi tốt nghiệp THPT khá cao. Đó cũng là một trong những nguyên nhân để các em học sinh mơ ước vào ngành hot bằng điểm THPT. Tuy nhiên, chỉ tiêu đối với xét điểm THPT còn ít nên các em phải cân nhắc kỹ, nếu không dù điểm cao cũng có thể không trúng tuyển vào phương thức nào hết".

Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ căng thẳng

Theo TS Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, thí sinh trúng tuyển, nhập học bằng phương thức nào cũng sẽ học tập, nghiên cứu cùng với các thí sinh trúng tuyển bằng những phương thức khác.

"Theo số liệu các trường công bố năm nay, chỉ tiêu dành cho xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT vào ĐH giảm mạnh, chỉ còn gần 57%. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức khác tăng lên hơn 43% (các năm trước tỉ lệ này khoảng trên 72% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi THPT, gần 28% cho phương thức khác).

Hơn nữa, kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT ở tất cả các môn thi năm nay đều có điểm trung bình cao hơn năm 2019. Chính vì vậy khả năng xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ khá căng thẳng, dự kiến điểm trúng tuyển sẽ tăng nhiều so với năm 2019. Các ngành y dược, công an, quân đội và các ngành hot... khả năng tăng từ 2-3 điểm" - ông Nghệ dự báo.

650 điểm năng lực có thể đăng ký xét tuyển ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM 650 điểm năng lực có thể đăng ký xét tuyển ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM

TTO - Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM vừa công bố điểm sàn xét tuyển theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực với mức 650 điểm cho tất cả các ngành.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên