08/05/2007 12:44 GMT+7

Thi sĩ Hoàng Cầm - "Hoàng tử lãng du"

Theo BÌNH NHƯ -  An Ninh Thế Giới
Theo BÌNH NHƯ -  An Ninh Thế Giới

Ông nằm đó, nghiêng nghiêng trên chiếc giường nhỏ, thân hình mỏng tang, mái tóc như những sợi cước trắng xõa dài trên gối. Căn gác nhỏ trên cùng tầng 5 của ngôi nhà 43 Lý Quốc Sư mênh mang nắng, gió...

oY6vTWap.jpgPhóng to
Những câu thơ hào hoa của thi sĩ Hoàng Cầm “trầm đầy một nỗi phương Đông” - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Ông nằm đó, nghiêng nghiêng trên chiếc giường nhỏ, thân hình mỏng tang, mái tóc như những sợi cước trắng xõa dài trên gối. Căn gác nhỏ trên cùng tầng 5 của ngôi nhà 43 Lý Quốc Sư mênh mang nắng, gió...

Nhà thơ Hoàng Cầm: Dù thế nào, vẫn làm việc

Ông nằm miên man, đôi mắt đẹp chan chứa nỗi u sầu giờ hờ hững khép mở. Mặc cho ngoài kia cuộc sống đang ầm ào gấp gáp và sôi sục, mặc cho thiên hạ dan díu nhau trong bể trầm luân của kiếp người. Ngày lại ngày thi sĩ lãng du chìm đắm trong cõi miên viễn, trong những giấc mơ, những hoài niệm tưởng chừng không dứt, và trong cả sự câm lặng một cách vô thường của thời gian.

Thi sĩ của những tuyệt phẩm thơ Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông, Mưa Thuận Thành... từ lâu đã bước quá tuổi “cổ lai hy”, chẳng biết trước thời gian sống trên đời còn lại ngắn hay dài.

Khi tôi bước lên căn gác nhỏ cheo leo trên tận cùng của ngôi nhà nơi thi sĩ Hoàng Cầm nằm tĩnh bệnh, ông giật mình nhỏm dậy. Như một người luôn nửa tỉnh nửa mê trong miên man ngày, miên man đêm của ba năm trời nằm trên giường bệnh mà hiếm lần bước chân ra khỏi bên ngoài cánh cửa, ông trở nên chơi vơi trong cái bừng thức của cuộc viếng thăm không hẹn trước này.

Ông khó nhọc trở mình, đôi mắt u sầu lấp lánh một thoáng vui nhen lên trong khoảnh khắc. Đôi môi đỏ trên làn da sáng mịn khẽ nhếch lên mỉm cười. Ông hoạt bát trở lại, dường như bao nhiêu sự thông thái, am tường và mẫn cảm trong con người ông lại tụ về. Ông như người nhắm mắt lãng quên thực tại, lãng quên bản thân.

Ông thì thầm: “Thời gian đối với ta là cực hình, ta thấy sợ và căm ghét nó bởi chúng trở nên thừa thãi quá, dài quá, quá lê thê. Cuộc sống của ta như người bị thời gian và cuộc đời lãng quên rồi”. Ông nói vậy rồi lại mỉm cười, trở mình cuộn tròn trong chiếc chăn len mỏng. Tôi thấy ở nơi khoé mắt sâu của thi sĩ là những giọt nước mắt long lanh hoen ướt. Ông chỉ cho tôi chốn riêng của mình trên tầng cao chót vót của ngôi nhà và bảo rằng các con ông vừa gợi ý chuyển ông lên đây độ 4 tháng nay. Các con thương ông, muốn ông được yên tĩnh. Ở trên này là tum của ngôi nhà, phía bên ngoài để sân phơi quần áo, ông ở trong gian nhà này được cái có nhiều nắng, gió, ngó ra cửa là ngắm nhìn thiên nhiên, trời trong mây trắng. Tôi nghe ông nói mà thoáng chút xót xa.

Ở đây thật yên tĩnh, bởi ông gần như được tách biệt hẳn cái cuộc sống sôi động thường nhật. Ông có thể không cần phải lắng nghe những âm thanh của cuộc sống giờ đã thuộc về một thế giới khác. Khi tất cả những thứ đó không còn cần cho ông nữa, ông không thuộc về nó nữa thì cách tốt nhất là xa rời, là lãng quên.

Ông than thở rằng không biết vì sao thượng đế giận ông gì mà còn chưa mang ông về trời. Nói vậy thôi chứ lúc này đây, ngẫm lại một cuộc đời dài bất tận của mình, ngẫm lại những thăng trầm bể dâu của số phận cuộc đời, số phận sáng tác, Hoàng Cầm không thể không cảm ơn đời đã sinh ra ông, một lãng tử tài hoa, một kẻ si tình, một người luôn được sống trong cơn say của những mối tình thơ mộng.

Và may mắn lớn nhất mà số phận đã ban cho ông đấy là những bài thơ ông để lại cho đời. Những bài thơ ông từng tiết lộ rằng nó đã vang lên bằng một giọng tiên nữ, giọng thân linh trong cõi kỳ bí vô thức mà ông chỉ là kẻ chép thơ của cõi vô hình ấy. Với người khác, có thể những câu thơ được hoài thai trong một thời gian dài, và ngay cả khi sinh ra nó cũng nhọc nhằn, khó khăn như bản thân cuộc sống của người thi sĩ.

Nhưng với Hoàng Cầm, những bài thơ nổi tiếng nhất của ông thì cũng là những bài thơ ông viết nó một cách nhẹ nhõm nhất, nhanh nhất và dễ dàng nhất. Ông đã chép lại nó trong cõi vô hình. Trong tình yêu, chàng hoàng tử đa tình Hoàng Cầm là người may mắn. Ông trời ban cho ông cái đa tình si mê từ khi ông chỉ mới lên 8 tuổi. Cả một cuộc đời, một cõi người, ông là chàng thi sĩ hào hoa và lãng du, chàng hoàng tử với cây đàn thơ linh diệu rong ruổi trên trường đời với bao nhiêu tấm tình say mê của những người đẹp.

Từ chị Vinh với chiếc váy Đình Bảng buông chùng cửa võng, rồi Tuyết Khanh, một giai nhân đóng vai nữ chính trong vở kịch Kiều Loan của ông sau một năm say đắm đã ra đi cùng với cô con gái hiện giờ ở Mỹ. Người vợ hiền tay ấp má kề sống cùng ông trọn kiếp người. Rồi đến cô Ninh người đóng vai Kiều Loan sau Tuyết Khanh, một tình yêu dữ dội nhưng đa đoan bởi vướng những rào cản và hệ lụy của cuộc hôn nhân mà Hoàng Cầm đã ràng buộc... Nhiều lắm những người đàn bà đã đến rồi đi trọn cuộc đời thi sĩ. Ông không tài nào nhớ hết được bởi mối tình này chưa kịp lãng quên thì mối tình khác đã đến. Người tình này ra đi thì người mới đã về.

Dẫu vậy đã 22 năm trôi qua, ông là thi sĩ đa tình nhưng cô đơn. Trước khi ngã bệnh, ông thú nhận rằng, 19 năm rồi kể từ ngày vợ ông mất, thi sĩ Hoàng Cầm mòn tay đi tìm người đàn bà cho riêng mình, nhưng ông chỉ có thể ôm mối tơ vương mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp thánh thiện của nàng thơ mà không sao với tới nàng được.

Hoàng Cầm ví tình yêu tựa như vì sao cô đơn trên bầu trời mà ông chỉ có thể ôm mối mộng mơ được chạm tay vào vì sao kia, cho dù ông sẽ bị chính thứ ánh sáng huyễn hoặc nhưng khốc liệt của tình yêu thiêu đốt. Có lẽ vậy mà thơ ông luôn phủ một lớp sương buồn, một khát vọng không thỏa. Hoàng Cầm kể trong đời tình vô số của ông có 5 người đàn bà để lại 5 mối tình khiến ông đau đớn nhiều nhất mà ông không thể nào quên được.

Trong đó, ám ảnh không kém gì người đàn bà trong Lá diêu bông là một người đàn bà khác giũ áo bụi trần đi tu mà không nói với Hoàng Cầm lấy một lời, hay chút kỷ niệm: Cõi mê xưa đã trôi veo / Nhớ chăng chẳng nhớ hồn theo bụi nào / Có thời gái nhoẻn hồng đào... Đừng thương em nữa vui càng sinh đau / Chuông thiền xa đổ nhịp mau / Bóng anh thấp thoáng chìm sau mai vàng.

Tôi hỏi thi sĩ Hoàng Cầm về những bài thơ mới. Ông buồn bã lắc đầu. Có dễ đến 3 năm lại đây, kể từ ngày ông ngã bệnh, ông không buồn làm gì nữa ngoài ý nghĩ về cái chết. Ông mong cho ngày đó đến thật gần, trong một sớm heo may rùng mình, hồn ông bay vút vào cõi thinh không.

Bởi ông không muốn chịu đựng thêm nữa, những cơn đau, sự mệt mỏi triền miên. Bởi ông không muốn bị giày vò thêm nữa cái khát khao được sống, được sáng tạo, được cống hiến cho đời đã trở nên “lực bất tòng tâm”. Ông không giấu được nỗi buồn phiền trong giọng nói, trong câu chuyện thầm thì. Ông sợ thời gian, sợ sự thanh vắng cô quạnh. Các con cháu dù chăm sóc ông hết lòng nhưng không phải lúc nào cũng rỗi việc để có thể bên cạnh ông cả ngày. Bạn bè thân hữu người mất người còn đều bận bịu không phải lúc nào cũng ghé thăm ông được. Mà làm thơ thì ông không còn khả năng nữa.

Thi sĩ Hoàng Cầm không có cái may mắn của cuộc đời, không có cái may mắn của cuộc sống. Nhưng ông là một thi sĩ có số phận sáng tác cực kỳ may mắn. Đối với thi sĩ, không có gì ý nghĩa hơn, tuyệt vời hơn, quý giá hơn bằng những câu thơ còn lại với đời ngay cả khi bản thân họ đã tan vào cát bụi.

Rồi một mai, khi nhắc đến Hoàng Cầm, chỉ còn lại là những câu thơ vang lên hào sảng, những câu thơ hào hoa của chàng hoàng tử lãng du ám ảnh hậu thế bởi vẻ đẹp hư thực, bởi nguồn ánh sáng linh diệu phía sau những ngôn từ, bởi vẻ đẹp sang trọng hàm chứa cái sức nặng “trầm đầy một nỗi phương Đông”. Sông Đuống trôi đi / Một dòng lấp lánh / Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu toả nắng

Vắt áo nghe thầm tiếng vải kêu/ Một con mèo mướp duỗi chân chiều / Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh đi mãi tìm sim chẳng chín /Ta con chào mào khát nước về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm /Ta con chim cu về gù rặng tre đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng.

Hoàng Cầm nói rằng ông không làm được thơ nữa, tất cả đã lịm tắt trong tâm hồn đa sầu đa cảm của người thi sĩ. Thế nhưng ông thú nhận thỉnh thoảng ông nằm mơ màng như vậy và đọc lại những câu thơ xưa của mình. Trí nhớ của ông giờ đã kém, nhớ nhớ quên quên nên ông không đọc được trọn vẹn một bài thơ nào cả.

Chỉ là những câu thơ tự nhiên trở về, tự nhiên vang lên, ông nghe lại, nhẩm lại rồi ứa nước mắt vì sung sướng. Ông nói rằng những câu thơ của ông thi thoảng trở về đánh thức ông lão già nua đau ốm trong ông và động viên ông rất nhiều. Chỉ còn lại là những câu thơ như một sự an ủi mình lớn nhất. Ông có thể nương náu vào đấy mà trường kỳ chiến đấu qua cơn bạo bệnh.

Chiếc xe lăn của những bạn hữu yêu quý ông giờ cũng đã nằm yên trong góc nhà bởi ông không còn đủ sức đi dạo phố phường và ngắm thiên nhiên được nữa. Tôi cứ thấy nao lòng khi mường tượng cảnh một ngày nắng lụi, thi sĩ Hoàng Cầm, chàng hoàng tử lãng du, người không thể cưỡng lại được số mệnh, quy luật muôn đời của con người là “sinh - lão - bệnh - tử”, rồi cũng sẽ từ bỏ chúng ta, từ bỏ những người đắm đuối thơ ông, để lại những mối tình sầu, những câu thơ mê đắm lòng người.

Nếu anh còn trẻ như năm ấy / Quyết đón em về sống với anh / Những khoảng chiều buồn phơ phất lại / Anh đàn em hát níu xuân xanh / Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận / Anh lụy đời quên bến khói sương / Năm tháng... năm cung mờ cách biệt / Bao giờ em hết nợ Tầm Dương / Nếu có ngày mai anh trở gót / Quay về lãng đãng bến sông xa / Thì em còn đấy hay đâu mất / Cuối xóm buồn teo một tiếng gà...(Nếu anh còn trẻ)

Theo BÌNH NHƯ -  An Ninh Thế Giới
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên