05/09/2013 22:16 GMT+7

Thi hành Luật Tổ chức Quốc hội: 23 quy định chưa thực hiện

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Đó là một trong những nhận xét của các đại biểu tại hội nghị tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, khai mạc tại Nha Trang (Khánh Hòa) sáng 5-9.

1N0QAv8O.jpgPhóng to
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (thứ ba, từ trái qua) và các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao hội nghị - Ảnh: Duy Thanh

Chủ trì hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Sau 12 năm thi hành, Luật Tổ chức Quốc hội đã phát huy hiệu quả và có đóng góp quan trọng đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy còn những hạn chế, bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hội nghị này là một bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001”.

23 quy định của luật chưa thực hiện

Ông Bùi Ngọc Thanh - nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết đã nghiên cứu kỹ Luật Tổ chức Quốc hội và thấy rằng đến nay còn đến 23 quy định thuộc 16 điều chưa được thực hiện.

Theo ông Thanh, Quốc hội là cơ quan lập pháp nhưng ban hành luật tổ chức của chính mình mà tỉ lệ số điều chưa thực hiện chiếm đến 17% trong tổng số 94 điều của luật là việc “rất đáng suy nghĩ”.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong lĩnh vực lập hiến, lập pháp, quy định của Luật Tổ chức Quốc hội còn chung chung, chưa chi tiết, thiếu hướng dẫn thi hành nên không thực hiện được (ví dụ quy định đại biểu trình sáng kiến pháp luật).

Nguyên nhân trên cũng khiến Quốc hội chưa thực hiện được một số thẩm quyền quy định trong luật như quyền bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội do chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao ban hành.

Tương tự, một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong luật chưa được thực thi hoặc tính khả thi còn thấp như việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội, việc trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, việc chất vấn và trả lời chất vất tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Luật cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm và cơ chế hoạt động của hai nhóm đại biểu kiêm nhiệm và đại biểu chuyên trách; quy định về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội còn chung chung khiến hoạt động này có lúc, có nơi còn mang tính hình thức…

Ngoài ra, theo ông Đặng Văn Chiến - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - một số quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội còn trùng lắp hoặc chưa thống nhất với các luật khác.

Để Quốc hội hiện đại, trí tuệ hơn

Ông Nguyễn Ngọc Trân - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - nói: “Quốc hội dành rất nhiều thời gian và trí tuệ để xây dựng các luật, nhưng luật được Quốc hội thông qua vẫn còn rất nhiều điều khoản giao cho Chính phủ và các bộ quy định như Luật giáo dục đại học 38 điều khoản, Luật Khoa học và công nghệ gần 30 điều khoản... nghĩa là luật của mình ban hành vẫn là luật khung và chậm đi vào cuộc sống vì chưa có nghị định hướng dẫn đi theo. Hiện nay luật của ta chờ nghị định rất nhiều”.

Ông Trân cũng đặt vấn đề thay vì Quốc hội có 500 đại biểu, trong đó quá nhiều đại biểu kiêm nhiệm không dành đủ 1/3 thời gian để thực hiện nhiệm vụ đại biểu hoặc đại biểu thiếu bản lĩnh, thì nên xem xét tinh gọn Quốc hội còn 200-250 đại biểu nhưng có trí tuệ tập trung và dành trọn vẹn thời gian để cống hiến cho hoạt động của Quốc hội. Theo ông, Luật Tổ chức Quốc hội cần được sửa đổi để tổ chức, hoạt động của Quốc hội hiện đại và trí tuệ hơn.

Trong khi đó, ông Vũ Mão - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - đề xuất sửa đổi hơn 20 nội dung của luật này, trong đó đáng lưu ý là cần coi trọng hơn công tác chuẩn bị kỳ họp như phải tổ chức phiên trù bị trước khi khai mạc chính thức; tái lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội; đại biểu Quốc hội cho ý kiến trực tiếp trên diễn đàn thay vì ghi ý kiến cho một đại diện của đoàn phát biểu…

Hội nghị tiếp tục làm việc và sẽ bế mạc vào trưa 6-9.

Ai giám sát Quốc hội?

Đó là vấn đề được ông Nguyễn Ngọc Trân nêu ra tại hội nghị. “Trong Hiến pháp quy định ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp có phân công phân nhiệm rõ ràng và kiểm soát lẫn nhau. Nhưng tôi thấy hai cơ quan hành pháp và tư pháp thì có cơ quan giám sát, còn Quốc hội là cơ quan lập pháp thì chẳng ai giám sát cả, trong khi quyền hạn của Quốc hội rất cao. Vì vậy tôi đề nghị rằng chúng ta không tam quyền phân lập, nhưng kiểm soát nhau thì phải thực chứ không thể nói cho có”.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên