Ban giám hiệu thì có kế hoạch thi đua của ban giám hiệu, các tổ chức trong trường lại có kế hoạch thi đua riêng. Thậm chí các tổ chức như hội chữ thập đỏ, hội khuyến học, hội cha mẹ học sinh cũng có những phong trào thi đua của mình.
Về phía học sinh cũng không khác mấy, cùng lúc phải tham gia phong trào thi đua của tổ, của lớp, của trường. Về nguyên tắc, đã gọi là thi đua thì hoàn toàn mang tính tự nguyện. Cá nhân hoặc tổ chức nào thấy mình có đủ điều kiện thì tự nguyện đăng ký tham gia, không có chuyện bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế ở các trường học lâu nay thì thi đua cũng là một tiêu chí... của thi đua, cho nên không thể không tham gia dù muốn hay không muốn.
Phong trào thi đua này lại là tiền đề hoặc hệ quả của phong trào thi đua khác, cho nên không thể không tham gia một điểm nào đó trong chuỗi phong trào thi đua.
Trên thực tế thì đơn vị trường học nào trong một năm cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức và vật chất cho các phong trào thi đua, nhưng không phải trường học nào cũng tạo ra hiệu quả tích cực. Có không ít trường sau bao nhiêu phong trào được phát động, bao nhiêu đợt thi đua ngắn hạn, trung hạn, dài hạn với vô số giáo viên và học sinh đạt được danh hiệu này nọ nhưng chất lượng dạy và học - mục tiêu cơ bản của mọi phong trào thi đua trong trường học - vẫn không thay đổi.
Thi đua là điều tốt, nhưng cần linh động, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Đừng đơn giản nghĩ rằng cứ tổ chức thật nhiều phong trào thi đua, rồi mọi chỉ tiêu kế hoạch về số lượng và chất lượng sẽ đạt, chất lượng giáo dục sẽ tăng lên.
Cần khẳng định thi đua là phương tiện chứ không phải là mục đích. Thi đua chỉ có thể trở thành động lực của sự phát triển khi được tổ chức một cách khoa học, đúng thực chất, đúng lúc và được sự đồng thuận cao của mọi người.
Cần phải có sự cân nhắc, lựa chọn, xây dựng kế hoạch và tổ chức thi đua vừa đủ, tức là phải ít hơn so với những phong trào thi đua hiện nay. Thà rằng có ít phong trào thi đua mà phong trào nào cũng có chất lượng và phát huy hiệu quả thực tế một cách thiết thực, rõ nét.
Mặt khác, mỗi đơn vị trường học là một thể thống nhất. Từng tổ chức trong nhà trường tuy có chức năng, nhiệm vụ riêng của mình, song tất cả lại có cùng một mục tiêu đó là tổ chức, thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, vì vậy không thể phân ra “của anh, của tôi” trong tổ chức các phong trào thi đua. Mọi nguồn lực tập trung vào một đầu mối, để tổ chức cho các phong trào thi đua trong một đơn vị trường học, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Điều này cũng sẽ tiết kiệm, dành thêm được nhiều thời gian, tiền bạc, nhất là trí tuệ và sức lực của lãnh đạo, quản lý, nhất là của giáo viên và học sinh, nhằm tập trung cho công việc chính là dạy và học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận