TTO xin trích đăng một số ý kiến.
Phóng to |
Thí sinh dự thi vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM đang ôn bài - Ảnh: Như Hùng |
* Đúng là nhìn thực trạng thi đại học năm nay, tôi nhận thấy điểm thi thấp hơn so với mọi năm quá nhiều, đặc biệt là môn sử nói riêng và môn xã hội nói chung. Nhưng nếu thay đổi như ý kiến của thầy thì có còn gọi là thi đại học hay không? Thi nhiều môn thì thi tốt nghiệp trung học phổ thông lấy điểm xét tuyển luôn cho rồi, thi thêm đại học chi cho tốn kém công sức và tiền của.
Theo tôi, bộ muốn thay đổi hãy lắng nghe ý kiến của chính người trong cuộc là các thí sinh.
* Là một học sinh vừa thi xong đại học, tôi cảm thấy mừng vì đã thi xong kỳ thi này. Nếu sinh sau vài năm không biết phải đối mặt như thế nào với kỳ thi tuyển sinh mới.
Được học trong một ngôi trường cũng khá nổi tiếng, đối với các môn xã hội, chúng tôi phải tư duy và suy nghĩ nhiều mới làm được bài thầy cô ra chứ không phải thuộc lòng. Mà học sinh chúng tôi học đâu phải chỉ học 1, 2 môn mà là 11, 12 môn. Giáo viên môn nào cũng muốn học sinh tư duy và quan tâm đến môn đó. Chúng tôi cũng bị stress, bị áp lực rất nhiều. Nên chúng tôi phải đặt trọng tâm vào môn chúng tôi yêu thích, môn sẽ thi đại học.
Nếu Bộ GD - ĐT nói sẽ sắp xếp thi khối nào cũng kèm theo môn xã hội, có cần thiết không? Có rất nhiều người không giỏi môn xã hội mà thế mạnh của họ ở các môn tự nhiên.
Ở nước ngoài, một người cực kỳ giỏi một môn nào đó sẽ được bồi đắp, còn nước ta nếu chỉ giỏi một môn mà không đáp ứng được các môn kia khó vượt qua ải lên lớp.
Trước đây có nhiều ý kiến bàn về chuyện một cô bé dù còn rất nhỏ tuổi đã sớm trở thành một nhà văn nổi tiếng. Khi cô bé ấy tâm sự lúc ghé thăm Việt Nam rằng từ nhỏ cô đã không thích học gì chỉ thích viết văn thì nhiều người lớn ở đây đã nuối tiếc nếu cô bé ấy là người Việt Nam sẽ bị bắt bỏ giấc mơ đó vì việc phải học đều các môn để lên lớp.
Giống như các bạn đội tuyển trường tôi vậy, dù học rất giỏi môn đội tuyển nhưng vì học lệch nên đã không thể đạt kết quả cao trong kỳ thi lớn này. Nhưng nếu xét riêng môn các bạn ấy giỏi thì hãy nghĩ xem các bạn ấy sẽ đóng góp thế nào cho bộ môn đó ở nước ta.
Tôi nghĩ bộ nên mở một diễn đàn cho học sinh nói lên ý nguyện của mình và chính những người sẽ soạn sách giáo khoa (SGK) nên tham khảo ý nguyện đó. SGK sẽ mở ra tương lai cho chúng tôi hay khép chặt nó, SGK quyết định rất nhiều nên chúng tôi cũng muốn có tiếng nói trong đó.
* Tôi nghĩ điều quan trọng là phải giáo dục cho học sinh được ý thức và tầm quan trọng của những môn học xã hội. Thử nghĩ nếu chúng ta bắt học sinh thi thêm một môn xã hội nữa thì học sinh có học bằng tất cả sức lực và niềm đam mê như khi các em học các môn tự nhiên không? Có lẽ các em sẽ học môn xã hội đó một cách miễn cưỡng, đối phó. Mà học theo kiểu đó thì khi các em ra đời, các em có dùng được gì những kiến thức đó không. Theo tôi, điều quan trọng là thay đổi cách dạy, cách truyền đạt sao cho các em tìm thấy được sự hứng thú và bổ ích khi học những môn xã hội.
* Hiện tôi là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trải qua những năm học ở trường tôi cảm thấy sức ép rất lớn từ chương trình giảng dạy. Tôi thật sự nhận thấy rằng kiến thức toán, lý, hóa rất quan trọng đối với tôi. Nó không những giúp tôi có thể học tốt các môn cơ sở cũng như hiểu sâu hơn trong quá trình học chuyên ngành.
Với tính chất và cách giảng dạy của một trường ĐH kỹ thuật như ĐH Bách khoa, tôi nghĩ rằng kiến thức toán, lý, hóa là quan trọng đối với bất cứ một người sinh viên nào của trường.
Theo tôi, ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đưa ra là chưa thiết thực. Vì nếu đưa thêm các môn xã hội vào kỳ thì tuyển sinh đại học khác nào tạo thêm áp lực cho thí sinh khối A, B... và nó có thật sự hiệu quả và đem lại kết quả tốt cho sinh viên các khối này trong quá trình học tập đại học hay không.
Theo tôi, thay đổi như thứ trưởng nói là không cần thiết. Có chăng nếu có thay đổi thì nên do tự trường ĐH đó quy định môn thi và ra đề, như thế sẽ phù hợp hơn. Dù là một trường ĐH kỹ thuật nhưng tôi thật sự tự hào khi trong tất cả các kỳ thi có liên quan đến lịch sử, xã hội trường chúng tôi không thua kém một trường ĐH chuyên về xã hội - nhân văn nào.
Cho nên tôi nghĩ đối với một người học sinh - sinh viên thì kiến thức về lịch sử - xã hội được giảng dạy ở nhà trường là đã đủ và do chính sinh viên đó trau dồi thêm trong quá trình học tập và đời sống của minh, nhất là sinh viên các khối ngành không chuyên.
* Theo tôi, khi vào đại học là mang tính đào tạo nghề nghiệp, người xưa có câu "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", đã vào nghề thì phải tinh thông mà ai cũng có một sở trường nhất định, không người nào có thể giỏi ở tất cả các lĩnh vực, do đó thi đại học 3 môn theo từng khối, môn chính điểm hệ số 2 là hợp lý.
* Tôi thấy ý kiến của thứ trưởng rất hay và thiết thực. Hiện nay xã hội của chúng ta đang phát triển không ngừng và việc áp dụng những ngành khoa học xã hội vào sự phát triển đất nước là rất cần thiết. Chính vì vậy, có lẽ mỗi chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn và rõ ràng về vai trò, vị trí của khoa học xã hội trong giai đoạn hiện nay.
* Việc thay đổi các môn thi là hợp lý, tuy nhiên cần phải xem xét kỹ lưỡng. Nếu đưa môn xã hội vào tất cả các ngành thi thì kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học có ý nghĩa như thế nào? Tôi thấy có 2 vấn đề cần giải quyết: chúng ta nên làm tốt ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học trước. Về nguyên tắc, tốt nghiệp phổ thông trung học là có đủ kiến thức phổ thông, trong đó có cả các môn tự nhiên và môn xã hội.
Đừng vì năm vừa qua có qua nhiều bài thi lịch sử trong kỳ thi đại học bị điểm 0 mà làm nặng nề thêm "trách nhiệm" của kỳ thi đại học này. Nếu không cẩn thận chúng ta lại lâm vào "hội chứng quả mít" trong đào tạo (môn nào cũng quan trọng, cũng cần đưa vào các kỳ thi).
Mục đích của kỳ thi đại học là tuyển chọn những người có năng lực, phù hợp với ngành nghề sẽ đào tạo. Vì vậy, chúng ta phải tìm được phương pháp tuyển chọn tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về "cải cách, cải tiến" trong đào tạo rồi. Mỗi thay đổi cần thận trọng.
* Là một học sinh vừa thi xong đại học, em thấy không nên cho thêm một môn xã hội vào chương trình thi đại học. Chỉ với ba môn yêu thích và sở trường của mình, em đã thấy việc ôn thi rất mệt mỏi, nay lại thêm một môn xã hội nữa thì quả thật là gánh nặng cho các em sau này. Như thế càng khiến các em tăng lối học đối phó vốn đã rất thịnh hành hiện nay.
Theo cá nhân em, việc học lịch sử chán như thế là do chương trình không hợp lý. Bắt học sinh học qua loa ở cấp II sau đó học lại ở cấp III. Bạn em đang du học ở Singapore đã chia sẻ rằng học sinh bên đó chỉ học bảy môn, trong đó đã thay thế sử, địa, công nghệ bằng môn kinh tế ngay từ cấp. Em rất mong những nhà lãnh đạo có thể học tập kinh nghiệm của các nước phát triển để làm tốt nhất công tác đào tạo, tránh để chúng em cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là với các bạn lớp 12 chuyên khi chương trình quá dày.
Việc khích lệ các bạn học chuyên là chưa tốt vì quá rủi ro nếu chỉ tập trung vào môn chuyên mà bỏ đại học vì dù sao mục tiêu của tất cả học sinh đều là cánh cổng đại học.
* Tôi rất tán thành với ý kiến của thầy Ga. Dù đã ra trường đi làm 5 năm chuyên bên lĩnh vực xây dựng, nhưng các bài học lịch sử với tôi chưa bao giờ phai. Tôi là dân kỹ thuật, nhưng thời phổ thông, kiến thức lẫn điểm văn, sử, địa của tôi không hề dưới 7, thậm chí có năm điểm trung bình là 9. Thiết nghĩ chúng ta nên đưa môn sử vào các môn thi đại học, nhưng nên có lộ trình.
Tôi thấy hiện nay các trường đại học tuyển sinh cao học đang lấy môn Anh văn là môn xét tuyển theo điều kiện cần, chỉ cần trên 5, không lấy một môn này làm đểm xét tuyển. Chúng ta nên làm vậy với môn sử, cho tất cá các khối đều phải thi môn sử nhưng không lấy môn này làm điểm xét tuyển mà chỉ là điều kiện cần. Đề thi môn sử không quá khó, chỉ tương đối.
* Tôi cũng rất đồng tình với quan điểm của thứ trưởng, theo tôi, ngay từ đầu năm học này Bộ GD- ĐT sửa đổi ngay quy chế tuyển sinh ĐH, thay đổi khối thi và theo tôi thi 4 môn trong đó phải có văn, toán, ngoại ngữ, còn lại một môn tùy theo ngành. Có như vậy mới hợp lý.
* Ý kiến của thầy Ga là rất hay nhưng cần phải cân nhắc xem xét lại, một số môn học khi lên đại học lại không được áp dụng vào ngành học (hay nói thẳng ra là không cần dùng đến). Việc đưa môn xã hội vào tất cả các khối thi là rất hợp lý, đánh giá được phần nào năng lực và con người của học sinh. Tuy nhiên, việc này cũng gây ra nhiều vấn đề nhức nhối trong nền giáo dục hiện nay như học tủ, học vẹt, học chay, đem "phao" vào phòng thi, thậm chí có tình huống dở khóc dở cười là có em còn đi học thêm sử, địa.
Nếu bổ sung môn thi thì có lẽ không nên cho sử địa vào các khối khác, nếu cho thì cho thêm môn văn hoặc giáo dục công dân để đánh giá và rèn luyện cho học sinh được những phẩm chất tốt đẹp.
* Tôi cho rằng đây là một ý tưởng hay. Chúng ta nên thi đại học 4 môn thi thay vì 3 môn như hiện nay. Nên bắt buộc thêm một môn khoa học xã hội để thi kèm theo. Nếu thi theo 3 ngày tổng cộng có 5-6 môn thi các thí sinh sẽ lựa chọn 3 môn thi phù hợp với yêu cầu của ngành mình học và thêm một môn xã hội. Trên thực tế chúng ta nên tạo ra các khối thi năng động như vậy cho các trường tự sắp xếp lựa chọn môn thi tuyển cho phù hợp với yêu cầu của ngành.
* Tôi cho đây là ý kiến tương đối hay để chúng ta suy nghĩ. Rất nhiều học sinh tốt nghiệp cấp III nhưng đa số không hiểu về lịch sử đất nước, vị trí địa lý, văn chương nhập nhằng. Tôi cho rằng ngoài những môn khoa học tự nhiên cần phải song hành những môn xã hội cho kỳ thi đại học. Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học.
* Đọc bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga về định hướng thi đại học những năm tới, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Giải pháp "thi ngành nào cũng nên bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội" sẽ giải quyết triệt để những tồn tại lâu nay. Rõ ràng dù học ngành nào, làm việc trong lĩnh vực nào, một con người không thể thiếu kiến thức khoa học xã hội, thiếu khả năng viết hoặc thể hiện suy nghĩ, ý tưởng...
Hiện nay, nếu làm một cuộc điều tra, chắc chắn chúng ta sẽ sốc vì có quá nhiều người trong các ngành kỹ thuật không viết đúng chính tả, không biết thực hiện một văn bản, không biết gì về lịch sử, về văn hóa, về cách ứng xử... Họ sống nhạt nhẽo, chai sạn, rỗng không, không khác gì robot... Là những người trong ngành, chúng tôi chờ mong chủ trương mà thứ trưởng vừa nêu sẽ được hiện thực trong thời gian sớm nhất có thể.
* Hãy nhìn lại thực trạng của ngành giáo dục trước khi đưa ra quyết định. Không ai phủ nhận sự quan trọng và cần thiết của các môn xã hội nhưng công nhận sự quan trọng đó không nhất thiết bằng hình thức thi cử. Hãy để học sinh học với tâm thế đó là nhu cầu cần thiết chứ không phải tâm lý thi để qua, qua rồi để quên.
* Bản thân em cũng từng thi đại học xong, em biết rõ áp lực trong năm 12, vừa thi xong tốt nghiệp chỉ còn 1 tháng để ôn thi. Trong thời gian đó việc hệ thống lại 3 môn thi đại học thật sự rất mệt mỏi, giờ lại thêm 1 môn nữa thì thật nặng nề. Hơn nữa dù có ép thí sinh thi xong môn đó liệu ra trường còn nhớ được bao nhiêu.
* Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Ga. Vì văn học là nhân học. Là một con người hoàn thiện không chỉ có tài, có kiến thức khoa học vững vàng mà còn phải có đức. Có tài mà không có đức là người vô dụng có khi trở thành độc ác. Đa số học sinh hiện nay học lệch khá nhiều. Chỉ dồn vào học ba môn thi nên xem thường các môn khoa học xã hội. Tôi đề nghị dù thi khối nào ngành nào cũng nên có thêm môn văn. Còn thi tốt nghiệp PTTH thì thi thêm môn nữa là môn tin học vì hiện nay dù làm việc gì cũng cần phải biết vi tính.
* Tôi cho rằng việc thi thêm môn ở kỳ thi đại học là không cần thiết. Vì tổ chức thi thêm môn chỉ gây cho học sinh tâm lý học thi đối phó chứ không đảm bảo được sau đó các em sẽ nhớ những kiến thức ấy. Đấy là chưa nói đến việc làm học sinh phân tâm trong việc ôn thi môn sở trường của mình.
Bản thân tôi đã trải qua những tiết học khô khan và đầy lý thuyết ở THCS, THPT, tôi nghĩ cái cần được cải cách lúc này hay đáng lẽ phải làm từ lâu chính là cách dạy, dạy làm sao để con em có cảm giác hứng thú, có ý muốn tìm hiểu thêm về lịch sử, địa lý, văn hóa nước mình.
Tôi từng xem cách dạy của giáo viên nước khác, họ sưu tầm tranh, ảnh, phim tư liệu, thậm chí còn tự mình đi quay rồi đem về trình chiếu cho học sinh. Cũng nội dung lịch sử đó, vị trí địa lý kia, nhưng bài giảng của họ được học hào hứng xem và ghi nhớ sâu hơn, gây được sự thích thú tìm tòi cho các em. Chúng ta đã làm khó con em học sinh chúng ta bởi những lần cải cách, thiết nghĩ việc cải cách dạy, từ đó sẽ cải cách được cả học, việc này không khó, vấn đề là Bộ GD-ĐT nên tạo điều kiện để giáo viên tìm được nguồn tư liệu lịch sử, địa lý đó.
* Theo tôi thì không cần thiết thi nhiều môn như vậy. Như vậy là chúng ta ép học sinh phải học. Mà đã ép thì không vui, đã không vui thì khó học... Tôi đã tốt nghiệp ĐH ra trường và đi làm ở một công ty nước ngoài. Ngày xưa tôi cũng không hứng thú lắm mấy môn xã hội, nhưng bây giờ tôi thấy nó rất quan trọng cho cuộc đời mỗi một con người, và thế là tôi thường xuyên học hỏi trên Internet, báo chí và thấy rất hữu ích.
Nhưng mấy môn xã hội theo tôi chỉ cần dạy cho học sinh hiểu, biết và chăm chú nghe, nhìn bằng hình ảnh (phim tài liệu, Powerpoint, bản đồ lớn...) là được, không nhất thiết phải học thuộc lòng từng câu từng chữ để đi thi.
Chỉ cần như vậy sau khi tốt nghiệp phổ thông các em có kiến thức cơ bản về văn học, lịch sử, địa lý của nước nhà và thế giới là đủ.
* Không phải vì điểm thi môn sử thấp mà phải đưa môn sử vào kỳ thi đại học. Nếu năm sau môn địa cũng thấp thì chả lẽ lại đưa môn đại thành môn bắt buộc thi đại học? Thi đại học là để tuyển người giỏi, vì vậy cần có một chiến lược đa đạng hóa cách tuyển sinh, chứ không phải chỉ có một kỳ thi cứng nhắc 3 chung như hiện nay.
Bạn có ý kiến gì về vấn đề này, hãy chia sẻ ý kiến của bạn với chúng tôi qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần ý kiến bạn đọc phía dưới. Xin cảm ơn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận