Tham dự còn có nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cùng đại diện đối tác Nhật Bản, nhà thầu, đơn vị tư vấn, thi công dự án và đông đảo người dân thành phố.
Mặt đường đại lộ Đông Tây từ quốc lộ 1A đến cầu Lò Gốm (Q.6) theo thiết kế có 10 làn xe, từ cầu Lò Gốm đến Bến Chương Dương (Q.1) có sáu làn xe và được thiết kế cho xe lưu thông với tốc độ 80km/giờ.
Trong giai đoạn 1 thông xe trên tuyến đường này đưa vào sử dụng trước sáu làn xe và bảy cầu gồm: cầu vượt tại nút giao quốc lộ 1A, cầu Nước Lên, cầu Rạch Cây, cầu Lò Gốm, cầu Chà Và, cầu Chữ Y và cầu Calmette.
![]() |
![]() |
Đại lộ Đông Tây đoạn qua Q.6 - Ảnh: Trần Tiến Dũng |
Phát biểu tại lễ thông xe, ông Lê Toàn - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải kiêm giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM - cho biết đây là trục đường đô thị mới với chức năng là trục đường chính đến xa lộ Hà Nội, cũng như hình thành một phần của đường vành đai trong khu vực phía nam. Đồng thời đây cũng là công trình giao thông lớn và hiện đại nhất TP.HCM.
Theo ông Vương Hoàng Thanh - phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM, đi trên tuyến đường từ Q.1 ra cửa ngõ về miền Tây (quốc lộ 1A) này sẽ rút ngắn khoảng 1/2 thời gian so với đi các tuyến đường khác như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Kinh Dương Vương có quá nhiều giao lộ có đèn tín hiệu giao thông.
Ông Quảng Diệu Hưng - một người dân (có gần 10.000 hộ dân bị giải tỏa một phần diện tích nhà hoặc giải tỏa trắng ở dự án đại lộ Đông Tây) ở phường 13, Q.5 - nói: "Khi chưa xây dựng tuyến đường, phần đông người dân sống trên đường Hàm Tử, Trần Văn Kiểu ở trong những căn nhà lụp xụp, tạm bợ, điều kiện vệ sinh môi trường kém. Nhiều bà con hiểu việc di dời nhà không chỉ giúp xây dựng đại lộ Đông Tây, góp phần vào việc giảm kẹt xe mà còn tạo điều kiện cải tạo môi trường, đem lại cảnh quan sạch đẹp cho trung tâm TP. Người dân đã được bố trí tái định cư tại các chung cư mới, điều kiện sống tốt hơn, được cho vay vốn làm ăn và đến nay đã ổn định cuộc sống".
Phát biểu tại lễ thông xe, ngài đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba cho biết: Cuối tháng 7 vừa qua đã thông báo với Bộ Kế hoạch và đầu tư về chủ trương viện trợ phát triển bằng nguồn vốn vay của Nhật Bản nửa đầu năm 2009 dành cho năm dự án mà trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời ngài đại sứ bày tỏ trong thời gian tới phía Nhật Bản mong muốn mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược với VN trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, cảng, đường sắt và lĩnh vực công nghệ cao.
Trước khi tuyên bố chính thức thông xe đại lộ Đông Tây giai đoạn 1, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: "Tôi xin nhiệt liệt biểu dương và cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân TP, đặc biệt là gần 10.000 hộ dân với hàng chục ngàn bà con cô bác sinh sống trên địa bàn Q.1, Q.2, Q.4, Q.5, Q.6, Q.8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, cùng hàng trăm cơ quan đơn vị đã di dời, bàn giao mặt bằng để thi công dự án để hôm nay khánh thành giai đoạn 1 công trình này".
![]() |
![]() |
Các vị lãnh đạo dự lễ thông xe và cắt băng khánh thành - Ảnh: Trần Tiến Dũng |
![]() |
Người dân thành phố náo nức chờ thông xe đại lộ Đông Tây đoạn đi qua huyện Bình Chánh - Ảnh: Trần Tiến Dũng |
Hướng dẫn lưu thông trên đại lộ Đông Tây: Hiên nay có 16 giao lộ nằm dọc đại lộ Đông Tây thuộc các Q. 1, 5, 6, và huyện Bình Chánh lưu thông vào đại lộ Đông Tây. Theo đó các đường sau đây được lưu thông hai chiều vào đại lộ gồm đường: Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Cảnh Chân, Hòa Bình, Nguyễn Tri Phương, Tản Đà, Phùng Hưng, Nguyễn An Khương, Chu Văn An, Bình Tây, Mai Xuân Thưởng, Phạm Phú Thứ, An Dương Vương, Hồ Học Lãm, Nhiêu Tây, Gò Công, Bình Tiên. Đường lưu thông một chiều vào đại lộ Đông Tây là đường Phó Đức Chính. Trong giai đoạn 1, đại lộ Đông Tây cho lưu thông trên trục đường chính có sáu làn xe, trong đó có ba làn xe (hai làn ôtô và một làn xe hỗn hợp) nằm phía bên kênh Bến Nghé -Tàu Hủ lưu thông một chiều hướng từ cửa ngõ miền Tây về trung tâm TP, và ba làn xe bên phía nhà dân lưu thông chiều ngược lại từ trung tâm TP ra cửa ngõ về miền Tây. Và bên cạnh ba làn đường này có hai đường dân sinh - mỗi làn cho lưu thông một làn xe. Hiện nay có một số đoạn đường dân sinh đang thi công chưa hoàn chỉnh nên có những đoạn còn đóng chưa cho xe lưu thông. Đối với những đoạn đường dân sinh đã hoàn thành được lưu thông hai chiều. Theo đó, từ làn đường dân sinh muốn vào trục đường chính, người dân đi từ làn xe dân sinh phải di chuyển đến những nơi có dải phân cách được mở mới hòa nhập vào trục đường chính hoặc phải đến đầu giao lộ có đèn tín hiệu giao thông để vào trục đường chính. Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM đại lộ Đông tây đoạn từ quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) đến đường Phó Đức Chính (Q.1) cho phép xe tải có tải trọng dưới 2,5 tấn được phép lưu thông từ 8g -16g và từ 20g đêm đến 6g sáng. Đối với xe tải có tải trọng từ 2,5 tấn trở lên và xe tải có tổng trọng tải trên 5 tấn chỉ được lưu thông từ 21g đến 6g sáng . |
NGỌC ẨN
![]() |
Đại lộ Đông - Tây TP.HCM từ xa lộ Hà Nội nối các tỉnh ĐBSCL - Đồ họa: Như Khanh |
Vừa chạy xe gắn máy chở con nhỏ trên đại lộ, một người dân ở Q.1 nói: “Tui chở hai đứa nhỏ đi chơi. Đường rộng quá, đẹp quá... Đi thử một vòng cho biết chứ đợi tới ngày mai thì lâu quá...”.
Đường mới tinh khôi
10-2010 hoàn thành Dự án đại lộ Đông - Tây có tổng chiều dài 21,8km, điểm đầu của dự án là nút giao với quốc lộ 1A (H.Bình Chánh) và điểm cuối nối với xa lộ Hà Nội (Q.2). Đại lộ đi qua các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, trong đó có 1,49km hầm vượt sông Sài Gòn. Tổng kinh phí đầu tư 660,66 triệu USD, vốn ODA Nhật chiếm 64,82%, vốn đối ứng trong nước chiếm 35,18%. Công trình khởi công vào tháng 4-2005 và dự kiến thời gian hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 10-2010. |
Đứng từ trên cầu Calmette nhìn xuống, những làn đường dẫn về các nhánh rẽ (hai nhánh rẽ sang Q.4, 2; một nhánh chạy về Q.2 và hai nhánh hướng về Q.1) trông đẹp như dải lụa buông mềm trong gió trời lồng lộng. Đoạn đại lộ Đông Tây dưới gầm cầu Calmette có mười làn đường nhưng hiện sẽ thông sáu làn đi Q.2, Q.5, Q.4, Q.6, H.Bình Chánh và Long An. Đường phẳng lì, vạch sơn uốn lượn. Mùi nhựa đường thơm tinh khôi...
“Đại lộ rộng mênh mang và lồng lộng gió. Chưa bao giờ nhà phố và đường gần đến thế. Cảm giác những chung cư, những dãy nhà nhấp nhô san sát nhau trên phố, chỉ cần giơ tay ra là chạm tới đường...” - một người dân ngụ ở Q.4 chở vợ và con trai đi “khai trương” trước con đường, hào hứng bày tỏ.
Đoạn đường dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (thuộc Q.1, Q.4, Q.5, Q.8), phần phía đông của dự án đại lộ Đông Tây, gần 7.000 hộ dân sống ven kênh đã được di dời vào khu tái định cư.
Không còn cảnh lụp xụp, nhếch nhác và rác lềnh bềnh ven sông. Anh Nguyễn Văn Thành, công nhân cầu đường, cho biết: “Nhà tui bên Q.8. Hồi trước, đi từ Q.8 qua cầu Chữ Y rồi chạy vào Q.1 lúc nào tui cũng phải trừ hao kẹt xe cả 30 phút. Có khi kẹt cứng tới cả giờ. Giờ có con đường này thì thoải mái rồi. Từ nhà tui qua cầu Chữ Y, luồn xuống dưới đại lộ Đông - Tây, khỏi phải đi đường Trần Hưng Đạo vừa đông vừa hay kẹt...”.
Anh Huỳnh Văn Thể, nhân viên một công ty bảo vệ, cho biết: “Nhà tui ở Thủ Đức, mỗi lần đi làm từ xa lộ Hà Nội ra quốc lộ 1A mất gần hai giờ. Bây giờ nếu đi bằng đại lộ Đông - Tây thì chỉ chạy thẳng một mạch, mất 45 phút là tới nơi. Khỏe re. Bởi vậy tui trông con đường này hoàn thành dữ lắm. Sớm ngày nào mình khỏe ngày đó... Bây giờ điều mong đợi đã thành hiện thực”.
![]() |
Đại lộ Đông - Tây “chở” những cây cầu Ông Lãnh, Calmette, Khánh Hội... nối quận 1 và quận 4 - Ảnh: T.T.D. |
Cuộc sống đổi thay
Toàn bộ phần đường phía tây từ rạch Lò Gốm (Q.6) đến nút giao thông quốc lộ 1A (H.Bình Chánh) gồm sáu làn xe và năm làn đường ven kênh thẳng tắp, mịn màng. Hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên, xen lẫn giữa những vạt sen, những mảng dừa nước... Một sắc mới của cuộc sống đang dậy lên, ngời sáng và thay đổi từng ngày từ đại lộ này.
Chỉ còn đoạn đường từ ngã ba Cát Lái đến đầu hầm Thủ Thiêm, Q.2 của đại lộ Đông - Tây chưa hoàn thành, xe chưa thể thông. Người dân từ ngã ba Cát Lái muốn sang Q.1 vẫn phải đi vòng qua cầu Cá Trê 1 rồi mới qua phà Thủ Thiêm sang Q.1. Mặc dù vậy, anh Trần Quang Thể, nhân viên công ty cầu đường ở đây, cho biết: “Từ hồi đoạn đường này có mấy làn làm xong, cứ 4g chiều là người dân hay ra đây hóng gió, thả diều. Đông vui lắm. Sáng chủ nhật còn có mấy ông “đại gia” chở cả gia đình đến chơi xe và máy bay mô hình điều khiển từ xa suốt cả ngày mới về...”.
Cũng theo anh Thể, trước đây người dân từ Q.2 vào Sài Gòn phải qua phà Thủ Thiêm mất 15-20 phút, hoặc qua cầu Sài Gòn. Đoạn đường này mỗi lần mưa hoặc triều cường dâng là nước ngập kinh hoàng. Nhưng sắp tới đại lộ Đông - Tây hoàn thành luôn đoạn này, chỉ cần chạy xe thẳng chút xíu là tới. Từ đây, muốn đi miền Tây cũng rất tiện, chỉ chạy thẳng một đường tới Bình Chánh rồi qua Long An ngay. Mất chỉ 25-30 phút, trong khi trước đó phải đi qua quốc lộ 1A hoặc chạy xuyên qua TP thường xuyên bị kẹt xe, phải mất hơn cả giờ.
...Đứng trên đại lộ Đông - Tây có thể nhìn thấy cầu Phú Mỹ đẹp như những đường thẳng vẽ xinh xắn trên nền trời xanh ngắt. Chị Linh, một tiểu thương nhà ở Q.7, vui mừng: “Tui mua hàng ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức nên hay đi qua đây. Hồi trước từ Q.7 qua Q.2 phải đi phà Thủ Thiêm mất 40 phút. Giờ chỉ cần chạy 5 phút qua cầu Phú Mỹ là tới Q.2, chạy thẳng đường này là tới chợ đầu mối... Thật tiện lợi đủ bề”.
Cầu Phú Mỹ vượt tiến độ 4 tháng Tháng 9-2005, TP.HCM làm lễ động thổ cầu Phú Mỹ và đến tháng 3-2007 mới chính thức thi công cầu. Công trình này do Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ làm chủ đầu tư, là công trình do tư nhân đầu tư với tổng vốn xây dựng 2.600 tỉ đồng, trong đó 80% vốn vay nước ngoài. Công trình cầu Phú Mỹ có tổng chiều dài 2,4km, rộng 27,5m (lớn nhất so với các cầu đã và đang xây dựng ở các tỉnh phía Nam), cầu có bốn làn ôtô và hai làn xe gắn máy lưu thông. Đây là chiếc cầu dài và rộng nhất TP.HCM. Theo ông Nguyễn Thành Thái - tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, hôm nay (2-9), cầu Phú Mỹ được khánh thành, hoàn thành trước thời hạn bốn tháng (thay vì tháng 1-2010). Đây là chiếc cầu rút ngắn cự ly đi lại khoảng 10km từ Q.2 qua Q.7 thay vì đi đường vòng qua cầu Sài Gòn. Tuy nhiên, ngày khánh thành cầu Phú Mỹ chủ yếu là để thông xe kỹ thuật và đến ngày 9-9 mới cho ôtô từ bảy chỗ trở xuống và xe gắn máy lưu thông. Sở dĩ chỉ cho xe nhỏ lưu thông là do đường từ cầu Phú Mỹ về quận 2 mới hoàn thành một nhánh đường cho hai làn xe. Nhánh đường còn lại đang thi công và sẽ hoàn thành cuối năm 2009 mới cho tất cả các loại xe lưu thông. Ông Nguyễn Thành Thái cho rằng cầu Phú Mỹ là chiếc cầu dây văng hiện đại nhất và được thiết kế đặc biệt nhất trong nước. Hãng truyền hình Discovery (Mỹ) đã đến quay phim cầu Phú Mỹ, coi đây là công trình hiện đại tiêu biểu, có tiến độ thi công nhanh nhất, cầu được thi công chất lượng rất tốt. Từ 19g-19g20 hôm nay, trong chương trình khánh thành cầu Phú Mỹ sẽ có trình diễn chiếu sáng mỹ thuật và bắn pháo hoa mừng Quốc khánh 2-9. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận