13/07/2008 08:05 GMT+7

Thêm ngân hàng sụp đổ vì khủng hoảng tín dụng Mỹ

 T.TUẤN - H.TRUNG
 T.TUẤN - H.TRUNG

TT - Lại có thêm nạn nhân của cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ khi Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc. ở Pasadena, California chính thức sụp đổ hôm 11-7 và được chính quyền liên bang tiếp quản.

pfjixzJj.jpgPhóng to
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson nói chính phủ vẫn chưa có kế hoạch sẽ tiếp quản Fannie Mae và Freddie Mac ngay - Ảnh: Bloomberg

Với trị giá ước chừng 32 tỉ USD, đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 của Mỹ kể từ sau vụ Ngân hàng Continental Illinois sụp đổ năm 1984. Sau khi TNS Charles Schumer lên tiếng lo ngại về cách thức cho vay và vận hành của ngân hàng này từ hôm 26-6, các khách hàng của IndyMac đã ồ ạt tới ngân hàng và rút ra hơn 1,3 tỉ USD ở đây. Hiện ngân hàng đã được tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang tiếp quản.

Cơ quan giám sát về chi tiêu liên bang cho biết: "Ngân hàng đã sụp đổ do khủng hoảng về khả năng thanh toán". TNS Schumer chỉ trích cách điều hành của IndyMac và việc thiếu kiểm soát từ các nhà điều hành của nhà nước là nguyên nhân của sự sụp đổ này. Ông khuyến nghị cần siết chặt quản lý để tránh các sụp đổ tương tự.

Theo Bloomberg, IndyMac chuyên cho vay các khoản thế chấp mà không đòi hỏi người vay có giấy tờ chứng minh thu nhập. Brian Horey, chủ tịch Công ty Aurelian Management LLC ở New York, cho rằng với cách thức vận hành như vậy "họ sẽ dính đủ thứ lỗ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào".

Trước đó ngân hàng này đã thua lỗ khoảng 900 triệu USD khi thị trường nhà đất của Mỹ rơi vào khủng hoảng và tình trạng tịch thu nhà thế nợ (foreclosure) tăng đến mức kỷ lục. Giá cổ phiếu của ngân hàng từ mức kỷ lục 50,11 USD hồi tháng 5-2006 đã rớt chỉ còn 28 cent hôm 11-7. Hiện còn khoảng 10.000 khách hàng đang vay không thế chấp khoảng 1 tỉ USD của ngân hàng.

Trong một diễn biến khác, chỉ số chứng khoán của hai tập đoàn cho vay thế chấp lớn của Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae sụt tới hơn 50% trong phiên giao dịch ngày 11-7. Hai tập đoàn lớn này kiểm soát khoảng một nửa các giao dịch thế chấp của nước Mỹ. Theo tờ International Herald Tribune, nếu hai nhà cung cấp tín dụng thế chấp này sụp đổ, chắc chắn sẽ tạo hậu quả nghiêm trọng tới toàn bộ nền kinh tế Mỹ và sẽ có những tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu. AP dẫn lời quan chức Mỹ cho biết chính phủ có thể cho phép Fannie Mae và Freddie Mac tiếp cận với chương trình cho vay khẩn cấp của chính phủ.

Hôm qua, với tỉ lệ bỏ phiếu 63-5, Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch trị giá 300 tỉ USD nhằm bảo vệ người mua nhà trả góp vay tiền của Fannie Mae và Freddie Mac trước nguy cơ bị tịch thu nhà đất. Kế hoạch này được đưa ra trước khi cổ phiếu của Fannie Mae và Freddie Mac sụt giảm. Hãng tin Bloomberg cho biết kế hoạch này sẽ cứu khoảng 400.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Các khoản vay thế chấp của người mua nhà sẽ được chuyển thành các khoản vay với lãi suất cố định do nhà nước hỗ trợ. Kế hoạch này cũng bao gồm 14,5 tỉ giảm thuế nhà đất, cung cấp tín dụng 8.000 USD cho người mới mua nhà.

Theo Bloomberg, kế hoạch này sẽ cho phép Fannie Mae và Freddie Mac cung cấp tài chính cho nhiều khoản vay thế chấp hơn, và thành lập cơ quan tài chính nhà đất liên bang có nhiệm vụ quản lý Fannie Mae, Freddie Mac và hàng chục ngân hàng cho vay nhà đất khác tại Mỹ.

 T.TUẤN - H.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên