03/03/2015 15:09 GMT+7

Thêm khách hàng bị ngộ độc kiện đòi tiệm bánh mì bồi thường

THANH TÚ
THANH TÚ

TTO - Nguyên đơn kiện chủ tiệm bánh mì Minh Tuyến trong phiên tòa ngày 3-3 là bà Nguyễn Thị Kim Thuyên, một trong 22 người đã nộp đơn kiện tiệm bánh mì này ra tòa.

Bà Nguyễn Thị Biết cùng các thành viên Hội bảo vệ người tiêu dùng tại phiên tòa

Ngày 3-3, TAND TP Bến Tre tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ khách hàng ăn bánh mì dẫn đến ngộ độc thức ăn kiện đòi chủ tiệm bánh mì Minh Tuyến (TP Bến Tre) phải bồi thường.

Nguyên đơn lần này là bà Nguyễn Thị Kim Thuyên. Bà Thuyên là một trong số 22 nguyên đơn đã nộp đơn khởi kiện tiệm bánh mì Minh Tuyến tại TAND tỉnh Bến Tre do tiệm bánh này bán bánh mì không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đến ngộ độc.

Phiên xử do thẩm phán Lê Ngọc Khánh làm chủ tọa. 

Khác với phiên tòa trước đó của nguyên đơn Nguyễn Văn Hoàng, lần này yêu cầu về hóa đơn mua bánh mình đã không được đề cập.

Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Biết (đại diện ủy quyền của nguyên đơn) đã đề nghị TAND TP Bến Tre buộc chủ tiệm bánh mì Minh Tuyến phải bồi thường cho bà Thuyên 2.155.000đồng vì việc bán bánh mì không đảm bảo chất lượng gây ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe, công ăn việc làm của khách.

Tương tự với cách giải quyết đối với khách hàng khác, luật sư Nguyễn Hữu Dũng (bảo vệ quyền lợi cho bị đơn - chủ tiệm bánh mì) cũng nói là nguyên đơn không có căn cứ để buộc thân chủ của ông phải bồi thường.

Luật sư Dũng cho rằng trong kết quả báo cáo của Viện vệ sinh - Y tế công cộng TPHCM thì thức ăn của các bệnh nhân bao gồm thịt heo kho, bánh mì Minh Tuyến, cá biển kho, canh dừa chay, hủ tiếu chay, rau sống…. nên không thể nói bánh mì Minh Tuyến là tác nhân gây ngộ độc.

Ông Dũng cho rằng đến giờ chưa có điều tra nào về bệnh phẩm để khẳng định nguyên nhân gây ngộ độc là từ bánh mì của cơ sở Minh Tuyến.

"Chỉ cần các nguyên đơn có “phiếu xét nghiệm bệnh phẩm” để chứng minh nguyên nhân là do ăn bánh mì thì thân chủ của tôi sẵn sàng bồi thường, khép lại vụ kiện tụng này", Ông Dũng nói.

Các thành viên Hội bảo vệ người tiêu dùng thảo luận trước khi phiên tòa bắt đầu

Luật sư Nguyễn Hữu Dũng, phát biểu tại tòa

Phản biện lại ý kiến của luật sư Dũng, bà Biết đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu luật sư không cắt xén văn bản của cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho bị đơn.

Để minh chứng cho yêu cầu này, bà Biết đọc nguyên văn kết luận của Viện vệ sinh - Y tế công cộng TPHCM: “Bánh mì là thực phẩm nguyên nhân. Thịt Ram, chả lụa và bơ bị ô nhiễm vi khuẩn Escherricheia coli, Salmonella spp”.

Mặc khác, bà Biết cũng viện dẫn báo cáo số 142 của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Sở y tế Bến Tre khẳng định nguyên nhân gây ra ngộ độc là bánh mì thịt do tiệm bánh mì Minh Tuyến bán. 

“Thức ăn nguyên nhân gây ra ngộ độc là bánh mì kẹp thịt Minh Tuyến là đã đủ cơ sở. Bởi nếu tòa không tin vào kết luận này thì tòa tin vào cơ sở nào?” - bà Biết nói.

Bà Biết cũng yêu cầu Cơ sở Minh Tuyến chứng minh thực phẩm của mình không gây ngộ độc, chứ nói nguyên liệu có nguồn gốc chung chung là không thuyết phục.

Trong phần phát biểu của mình, bà Nguyễn Thị Sa Riêng, đại diện Viện KSND TP Bến Tre tham dự phiên tòa yêu cầu hội đồng xét xử thu thập thêm chứng cứ từ bệnh viện Quân y Bến Tre để có kết luận cuối cùng nhằm thêm tính khách quan hơn.

Sau khi nghe tranh luận các bên, tòa đã nghị án, sẽ tuyên án sáng mai (4-3).

Kiện đòi trách nhiệm của chủ tiệm bánh mì với khách hàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Thuyên cho rằng bà đi kiện tiệm bánh mì Minh Tuyến không phải vì tiền. Cái bà cần là chủ tiệm bánh phải có trách nhiệm với người tiêu dùng và phải biết nói một lời xin lỗi với khách hàng.

Tại phiên xét xử, đại diện Văn phòng Luật sư Phans (TP.HCM) cũng đã có mặt theo dõi phiên tòa nhằm tư vấn pháp lý và tham gia các bước tiếp theo của vụ án để bảo vệ quyền lợi miễn phí cho người tiêu dùng.

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên